Theo AP, 11 hiệp hội và tổ chức công đoàn hoạt động từ năm 2019 đến năm 2024 tại Brazil đang bị cảnh sát liên bang Brazil điều tra. Các tổ chức này bị cáo buộc chiếm đoạt lương của những người nghỉ hưu bằng cách tự ý khấu trừ một phần lương để chi trả cho những dịch vụ mà người nghỉ hưu chưa từng đăng ký hoặc nhận được, chẳng hạn như hỗ trợ pháp lý hoặc ưu đãi bảo hiểm y tế.
Cuộc điều tra do Văn phòng Tổng kiểm toán - cơ quan phụ trách chống tham nhũng - dẫn đầu, đang tập trung làm rõ số tiền bị chiếm đoạt thông qua hành vi câu kết giữa các hiệp hội tư nhân và các quan chức Viện An sinh Xã hội quốc gia Brazil (INSS).
Theo các nhà điều tra, số tiền gian lận ước tính lên tới khoảng 6,3 tỷ real (tương đương 1,1 tỷ USD) trong giai đoạn 2019-2024. Chỉ riêng trong quý I/2024, có khoảng 5,4 triệu lượt giao dịch khấu trừ bị phát hiện, trong đó nhiều trường hợp được cho là có hành vi làm giả chữ ký của người hưu trí.
"Cuộc điều tra liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản của người về hưu, đối tượng dễ bị tổn thương và trở thành nạn nhân của những đối tượng tội phạm này", Bộ trưởng Tư pháp Ricardo Lewandowski nhấn mạnh với truyền thông trong họp báo tổ chức tại Sao Paulo. Hiện INSS không lên tiếng phản hồi các cáo buộc từ cơ quan chức năng.
Người đứng đầu INSS Alessandro Stefanutto đã bị cách chức vì vụ bê bối. Ngoài ra, theo Văn phòng Tổng kiểm toán, 4 quan chức khác của cơ quan này và 1 sĩ quan cảnh sát liên bang đã bị đình chỉ công tác. Trong khi đó, 3 người đã bị bắt và một số đối tượng khác đang bị truy nã.
Trong ngày 24/4, cảnh sát Brazil đã thực hiện hơn 200 cuộc khám xét tại nhiều bang trên cả nước và thu giữ số tài sản trị giá khoảng 175 triệu USD. Các nghi phạm bị điều tra với cáo buộc tham nhũng, làm giả tài liệu, tội phạm có tổ chức và rửa tiền. Nếu cuộc điều tra tìm thấy đủ bằng chứng, những đối tượng bị điều tra có thể phải đối mặt cáo buộc tham nhũng, làm lộ bí mật, làm giả tài liệu, thành lập tổ chức tội phạm và rửa tiền.
Theo AP, đây là bê bối tham nhũng thứ 2 xảy ra trong chính quyền Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva trong vài tuần gần đây. Đầu tháng 4, Bộ trưởng Truyền thông Juscelino Filho bị cáo buộc nhận hối lộ khi còn là nghị sĩ Quốc hội năm 2022, trước khi ông Lula bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống hiện tại. Ông Filho phủ nhận các cáo buộc, gọi đó là những lời lẽ "vô căn cứ”. Dù vậy, ông vẫn từ chức để “tập trung vào việc bảo vệ các quyền lợi pháp lý bảo vệ mình”.
Tham nhũng là một vấn đề nhạy cảm đối với Chính phủ Brazil. Tháng 12/2017, ông Lula da Silva khi đó là cựu Tổng thống - bị kết án 12 năm tù vì cáo buộc nhận hối lộ từ Công ty xây dựng liên quan Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petronas. Đây là cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất tại Brazil, khiến hàng chục chính trị gia và doanh nhân phải "bóc lịch" vì tội hối lộ, rửa tiền. Dù liên tục bác bỏ cáo buộc, song tháng 4/2018, ông Lula da Silva vẫn chấp nhận thi hành án và đã ngồi tù hơn 1 năm. Những lời kết tội đối với ông Lula da Silva sau đó đã được hủy bỏ, cho phép ông tìm kiếm và giành chiến thắng trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba vào năm 2022.
Ngay khi đắc cử, Tổng thống Lula da Silva cho biết, sẽ tạo ra các cơ chế mới để điều tra bất kỳ ai trong chính phủ bị cáo buộc tham nhũng và trừng phạt nếu họ bị chứng minh là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng, vụ chiếm đoạt lương hưu vừa qua đã cho thấy những kẽ hở trong quản lý tại Brazil. Đặc biệt, với nạn nhân trong vụ việc là người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, bê bối đã khiến người dân mất niềm tin vào năng lực quản lý của các nhà chức trách. Thách thức này đòi hỏi chính quyền ông Lula da Silva nhanh chóng có chế tài thích đáng cho những kẻ phạm tội, đồng thời siết chặt những kẽ hở luật pháp trong thời gian tới.