Theo Deutsche Welle, các vị trí chủ chốt được công bố bao gồm bà Katherina Reiche, cựu Giám đốc điều hành công ty năng lượng Westenergie, đảm nhận vai trò Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng; ông Johann Wadephul, chuyên gia về quốc phòng và đối ngoại, giữ vị trí Bộ trưởng Ngoại giao. Ngoài ra, ông Thorsten Frei, một đồng minh thân cận của ông Merz, được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Thủ tướng; chuyên gia công nghệ Karsten Wildberger sẽ đứng đầu Bộ Kỹ thuật số và Hiện đại hóa - một bộ mới được thành lập nhằm thúc đẩy quá trình số hóa tại Đức.
Ông Friedrich Merz, 70 tuổi, là một chính trị gia kỳ cựu của đảng CDU. Ông gia nhập chính trường từ sớm, từng là nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) giai đoạn 1989-1994 và sau đó là nghị sĩ Quốc hội Đức từ năm 1994. Với tư cách là một luật sư từng làm việc cho các tập đoàn lớn, ông Merz nổi tiếng với quan điểm bảo thủ về văn hóa và ủng hộ kinh tế tự do. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của ông từng bị gián đoạn sau khi thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực với bà Angela Merkel vào năm 2002, khiến ông tạm rời chính trường để tập trung kinh doanh. Đến năm 2021, ông trở lại Quốc hội Đức và chính thức được bầu làm Chủ tịch đảng CDU vào tháng 1/2022, sau hai lần thất bại trước đó vào các năm 2018 và 2021.
Ông Merz lên nắm quyền diễn ra trong bối cảnh chính trị Đức đầy biến động. Cuộc bầu cử liên bang vào tháng 2 đã chứng kiến chiến thắng của liên minh CDU/CSU với 28,5% số phiếu, nhưng sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD, với 20,8% số phiếu, đã khiến Quốc hội Đức phân mảnh. Trước đó, liên minh gồm SPD, đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz, đã sụp đổ vào tháng 11/2024 do bất đồng về chính sách kinh tế.
Ông Merz, với tư cách lãnh đạo CDU, đã tận dụng thời cơ để dẫn dắt liên minh CDU/CSU giành chiến thắng và nhanh chóng đàm phán với SPD để thành lập chính phủ liên minh. Sau nhiều tuần thương thảo, thỏa thuận liên minh được công bố vào ngày 9/4, mở đường cho ông Merz dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào ngày 6/5 tới.
Việc đề cử bà Katherina Reiche làm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng cho thấy ưu tiên hàng đầu của ông trong việc tái cơ cấu nền kinh tế Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, vốn đang chịu áp lực lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, ông Johann Wadephul, với kinh nghiệm dày dặn về chính sách đối ngoại, được kỳ vọng sẽ mang lại một hướng đi rõ ràng hơn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng và quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump khó đoán định.
Theo thỏa thuận liên minh, CDU của ông Merz sẽ nắm giữ các vị trí lãnh đạo Bộ Kinh tế và Năng lượng, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông và Bộ Kỹ thuật số; trong khi CSU phụ trách Bộ Nội vụ với ông Alexander Dobrindt được đề cử đứng đầu. SPD sẽ đảm nhận Bộ Quốc phòng, với ông Boris Pistorius được kỳ vọng tiếp tục tại vị và Bộ Tài chính nhiều khả năng do ông Lars Klingbeil, Chủ tịch SPD, đảm nhận. Chủ tịch SPD Lars Klingbeil đánh giá: “Thỏa thuận liên minh là một tín hiệu lịch sử giúp tăng cường vai trò của Đức tại châu Âu”.
Mặc dù vậy, chính phủ tương lai của ông Merz bước vào nhiệm kỳ trong bối cảnh Đức đối mặt nhiều thách thức lớn. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài 5 năm, chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump khởi xướng. Theo Euronews, chuyên gia kinh tế Đức Jens Sudekum cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào những cuộc chiến thuế quan khốc liệt. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô-tô Đức, từng là niềm tự hào, đang mất dần vị thế trước sự cạnh tranh từ xe điện giá rẻ”. Sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD cũng đặt ra áp lực lớn cho chính phủ liên minh. Dù ông Merz cam kết duy trì “tường lửa” chống lại AfD, song quyết định gây tranh cãi của ông hồi tháng 1 khi thông qua một dự luật nhập cư với sự ủng hộ của AfD đã khiến uy tín ông giảm sút.
Chính phủ mới đang đưa ra cam kết thực hiện một loạt biện pháp kinh tế, bao gồm giảm thuế cho người thu nhập trung bình và thấp, cắt giảm thuế doanh nghiệp, hạ giá năng lượng và hỗ trợ ngành xe điện. Về đối ngoại và an ninh, ông Merz khẳng định, tiếp tục hỗ trợ Ukraine và tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, với một Quốc hội phân mảnh và áp lực từ AfD, việc thực hiện các cam kết này đồng thời đưa nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu vượt qua giai đoạn khủng hoảng sẽ không hề dễ dàng.