Theo DW, sứ mệnh “Fram-2” là chuyến bay có người lái đầu tiên bay qua các vùng cực của Trái đất, kéo dài trong bốn ngày. Phi hành đoàn bao gồm Rabea Rogge, đã tiến hành 22 thí nghiệm khoa học trong điều kiện vi trọng lực. Rogge là nhà nghiên cứu robot, sống tại Berlin (Đức), giữ vai trò trung tâm trong “Fram-2” với vị trí chuyên gia khoa học. Sứ mệnh này do tỷ phú gốc Hoa Chun Wang, người cũng tham gia chuyến bay, tài trợ; cùng đạo diễn phim Na Uy Jannicke Mikkelsen và hướng dẫn viên vùng cực người Australia Eric Philips.
Rabea Rogge chịu trách nhiệm điều phối những thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện khắc nghiệt trong không gian, bao gồm nghiên cứu sự thay đổi của cơ thể con người trong môi trường chân không, sự phát triển của nấm khi không trọng lực và đặc biệt là lần đầu chụp ảnh tia X cơ thể người trong vũ trụ. Cô từng theo học ngành Cơ điện tại Trường đại học Kỹ thuật Berlin (TU Berlin), qua đó tiếp cận các khái niệm cơ bản về điện máy và robot học. Sau đó, chuyển đến Trường đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) - một trong những trường kỹ thuật hàng đầu thế giới - để hoàn thành bằng cử nhân ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin, và tiếp tục học Cao học tại đây.
Rabea lấy bằng Thạc sĩ với chuyên môn về robot học vùng cực, một lĩnh vực đòi hỏi sự kết hợp giữa công nghệ tự động, khoa học dữ liệu và khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Nhà khoa học trẻ người Đức cho biết trên trang web cá nhân của mình rằng đã say mê công nghệ từ nhỏ, từng lập trình robot lấy cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng “Star Wars”.
Hiện tại, nữ phi hành gia đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) ở Trondheim. Nghiên cứu của cô tập trung vào “Điều hướng, hướng dẫn và điều khiển dựa trên dữ liệu cho các phương tiện mặt nước tự hành trong điều kiện khắc nghiệt”, với ứng dụng tại các vùng cực như Bắc Cực. Trước Fram-2, cô đã tham gia một dự án vệ tinh có tên là CubeSat.
Sự nghiệp nghiên cứu của nhà khoa học trẻ không chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm mà còn mở rộng ra thực địa. Cô từng tham gia các khóa huấn luyện khắt khe để chuẩn bị cho Fram-2. Khi tham gia sứ mệnh đặc biệt này, Rogge mang theo một bản sao Chuông Tự do của Tòa thị chính Schoneberg, biểu trưng cho quê hương Berlin.
Hành trình của Fram-2 là một bước tiến lớn cả về khoa học lẫn công nghệ. Phi hành đoàn đã bay qua các vùng cực, triển khai những nghiên cứu mang tính đột phá. Trong đó, dữ liệu thu thập được dự kiến sẽ hỗ trợ các sứ mệnh dài ngày trong tương lai như lên sao Hỏa, và mở ra khả năng chẩn đoán y khoa từ xa cho các phi hành gia.
Giáo sư Emmanuel Urquieta Ordonez tại Viện Nghiên cứu y học không gian ở Houston, Texas (Mỹ) nhận định: “Việc chụp ảnh tia X của phi hành đoàn Fram-2 đánh dấu một bước tiên phong trong y học không gian, có khả năng cách mạng hóa việc theo dõi sức khỏe trên quỹ đạo”. Nữ phi hành gia 29 tuổi với kinh nghiệm ngành robot học, đã đóng góp lớn vào việc vận hành thiết bị tự động trong những nghiên cứu này.
Đối với Đức, sự tham gia của Rogge trong Fram-2 là một cột mốc quan trọng, nâng cao vị thế của quốc gia này trong lĩnh vực vũ trụ thương mại. Trước đây, các phi hành gia Đức đều tham gia chương trình của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), trong khi Fram-2 đại diện cho sự hợp tác tư nhân lần đầu đưa một phụ nữ Đức vào không gian. Rogge từng trả lời phỏng vấn trên DW trước chuyến bay rằng: “Đóng góp quan trọng của nghiên cứu khoa học chính là làm cho du lịch vũ trụ dễ tiếp cận hơn, thay vì coi nó là điều gì đó độc quyền”.
Theo Euronews, sứ mệnh của Rogge nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của Đức trong cuộc đua tư nhân hóa du lịch không gian, đồng thời truyền cảm hứng cho một thế hệ nhà khoa học mới. Giáo sư Oliver Ullrich, Giám đốc Space Hub tại Trường đại học Zurich (Thụy Sĩ) nhận xét: “Cô cho thấy, ngành hàng không vũ trụ không còn là lĩnh vực của nam giới”. Sự thành công của “bông hồng” khoa học như Rogge cũng là nguồn động lực khuyến khích phụ nữ, trẻ em gái theo đuổi các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).