“Ngọn hải đăng” của lòng trắc ẩn

Tòa thánh Vatican vừa chính thức thông báo tang lễ của Giáo hoàng Francis (trong ảnh) sẽ được cử hành vào 10 giờ (giờ địa phương) ngày 26/4 tại Quảng trường Thánh Peter. Cộng đồng người Công giáo cũng như nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang cùng nhau tưởng nhớ và cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng quá cố.
Ảnh: REUTERS
Ảnh: REUTERS

Theo thông tin từ Vatican, Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21/4, thọ 88 tuổi. Ông được bầu làm lãnh đạo Giáo hội Công giáo từ tháng 3/2013, là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ latin và nam bán cầu. Sự ra đi của Giáo hoàng Francis đã khiến giáo dân thế giới không khỏi xúc động, hàng loạt nhà lãnh đạo bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với ông. Trên khắp các châu lục, người dân Công giáo cầu nguyện và thể hiện ngưỡng mộ lòng nhân ái, sự khiêm nhường và những đóng góp đối với công bằng xã hội của Giáo hoàng vừa từ trần.

Giáo hoàng Francis sinh ra tại Argentina với tên Jorge Mario Bergoglio. Cha mẹ ông là người nhập cư gốc Italy. Năm 2013, ông trở thành Giáo hoàng người Mỹ latin đầu tiên, thu hút sự quan tâm và nổi bật với tinh thần cải cách, cam kết bảo vệ người nghèo và môi trường, cùng tầm nhìn về một Giáo hội gần gũi hơn. Chuyến đi đầu của ông với tư cách Giáo hoàng là đến đảo Lampedusa của Italy, khi đó đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu. Ông chọn đến thăm các quốc gia nghèo, nơi người theo đạo Thiên chúa thường là nhóm thiểu số, thay vì các trung tâm của Công giáo toàn cầu. Giáo hoàng Francis đã dành trọn cuộc đời để bảo vệ người yếu thế, không ngừng đấu tranh chống lại nhiều mặt tối của xã hội, cũng như những vấn đề phi truyền thống như biến đổi khí hậu.

Theo AP, những nỗ lực 12 năm cải cách của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Giáo hội. Khi được bầu, ông đứng trước nhiệm vụ cải cách bộ máy và tài chính của Vatican, sau đó đã khéo léo tiến hành một số thay đổi mà không ảnh hưởng giáo lý cốt lõi của nhà thờ. Giáo hoàng nhấn mạnh, nhà thờ nên dành cho tất cả mọi người, bởi vậy trong suốt những năm qua, “ông đã gặp gỡ cả người di cư, người nghèo, tù nhân và những người tị nạn do chiến tranh, nghèo đói, áp bức… nhiều hơn bao giờ hết”, theo thông cáo của Vatican.

Lòng trắc ẩn và bác ái đối với mọi người của Giáo hoàng Francis đã được các nhà lãnh đạo thế giới ngợi ca và dành sự tiếc thương đặc biệt. Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Mahmoud Ali Youssouf, gọi Giáo hoàng Francis là “tiếng nói đạo đức cao cả của thời đại”, người đã ủng hộ mạnh mẽ hòa bình và nhân phẩm, đặc biệt trên lục địa châu Phi. Ông Youssouf nhấn mạnh, một trong những di sản tinh thần mà ngài để lại chính là “lòng phụng sự khiêm nhường của Giáo hoàng đối với người nghèo”.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez thay mặt chính phủ nước này gửi lời chia buồn tới cộng đồng Công giáo quốc tế, đồng thời nhấn mạnh nhân dân Cuba luôn ghi nhớ những chuyến thăm của Giáo hoàng Francis và sự gần gũi của ngài. Vua Charles III của Anh cũng gửi lời chia buồn và khẳng định: “Ngài đã chạm đến cuộc sống của rất nhiều người một cách sâu sắc”. Thủ tướng Anh Keir Starmer gọi Đức Giáo hoàng là “người lãnh đạo dũng cảm và không bao giờ mất hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn”.

Argentina, quê hương của Đức Giáo hoàng, sẽ tổ chức quốc tang kéo dài 7 ngày. Ở quốc gia láng giềng, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã ra sắc lệnh để tang 7 ngày trên toàn quốc, đồng thời bày tỏ "nhân loại đã mất đi một tiếng nói đầy tôn trọng và bao dung". Ấn Độ đã tuyên bố tổ chức quốc tang trong 3 ngày. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ: “Giáo hoàng Francis là ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, ông đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng lòng khiêm nhường và tình yêu thương trong sáng dành cho những người kém may mắn”.

Theo CNN, không khí tại Quảng trường Thánh Peter trở nên lặng lẽ và trĩu nặng khi tin đức Giáo hoàng Francis qua đời được công bố. Giáo dân ca ngợi Giáo hoàng là “bạn của người nghèo”, đồng thời hy vọng rằng thông qua cuộc đời và thông điệp nhân ái của Giáo hoàng, Vatican sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị về lòng trắc ẩn, công bằng và phục vụ người yếu thế trong xã hội. Lễ tang Giáo hoàng Francis mở màn cho một quá trình kéo dài nhiều ngày cho phép các tín đồ đến viếng thăm. Sau đó, Vatican sẽ tổ chức Mật nghị Hồng y để bầu Giáo hoàng mới.