Theo AP, Tổng Thanh tra Cảnh sát Mohd Khalid Ismail cho biết, kể từ tháng 4, cơ quan chức năng đã bắt giữ 36 công dân Bangladesh trong một loạt hoạt động điều tra. Những người này chủ yếu làm việc trong các ngành xây dựng, dịch vụ và nhà máy tại Malaysia.
Trong số những người bị bắt giữ, cảnh sát Malaysia đã buộc tội năm người theo Luật Phòng chống khủng bố của nước này, đồng thời trục xuất 15 người và giam giữ 16 đối tượng còn lại để phục vụ điều tra. Nhà chức trách cho biết, tổng cộng có khoảng 100 đến 150 cá nhân bị nghi ngờ liên quan đường dây này và dự kiến nhiều đối tượng sẽ bị tiếp tục bắt giữ. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng tội phạm khủng bố sử dụng mạng xã hội và internet để truyền bá tư tưởng cực đoan ở Malaysia.
Vào năm 2024, các cơ quan an ninh nước này đã bắt giữ hơn 20 nhân vật sở hữu những tài khoản mạng xã hội nhiều lượt theo dõi trên Facebook, X, Telegram… để kết nối hoạt động liên quan khủng bố. Các vụ bắt giữ mới đây nhấn mạnh nguy cơ này vẫn đang phát triển khi mạng xã hội trở thành phương tiện để thu hút, truyền bá và cực đoan hóa tội phạm. Vấn đề này cũng đặt ra bài toán khó đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn công cộng và phòng ngừa các hoạt động liên quan khủng bố ở quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi như Malaysia.
Trước đây, trong thời kỳ tổ chức khủng bố IS hoạt động lên đến đỉnh điểm từ năm 2014 đến 2019, mạng xã hội là một trong những công cụ chính thúc đẩy việc tuyển dụng và cực đoan hóa ở Malaysia. Phần lớn người Malaysia đến Iraq và Syria để gia nhập IS do được “tuyển dụng” trên các nền tảng như Facebook và X. Báo cáo của cơ quan an ninh sau đó xác định, những tay súng Hồi giáo cực đoan người Malaysia hoạt động ở Trung Đông trong thời kỳ đó thường là những người dùng mạng xã hội tích cực và có hàng nghìn lượt theo dõi, hàng triệu lượt xem. Hầu hết các đối tượng đều sử dụng các nền tảng như vậy để đăng tải, cập nhật hình ảnh về cuộc sống và hoạt động hằng ngày trên chiến trường.
Một số cá nhân đã trở thành đầu mối quan trọng làm việc cho IS, bao gồm Muhammad Wanndy Mohd Jedi, Akel Zainal và Fudhail Omar. Chúng sử dụng mạng xã hội cho các mục đích chính như tuyển dụng, liên lạc để di chuyển và lập kế hoạch tấn công. Wanndy, một trong những chiến binh thánh chiến cực đoan khét tiếng nhất của Malaysia, từng hoạt động ở Iraq và Syria, được xác định đã lôi kéo ít nhất 80 cá nhân khác làm việc cho IS tại Malaysia trong giai đoạn 2013-2016. Y đã đưa hàng loạt người Malaysia di chuyển đến Iraq và Syria, sau đó lên kế hoạch cho những vụ tấn công. Wanndy đồng thời điều hành nhiều tài khoản mạng xã hội, liên tục tuyển dụng trên các nền tảng mở như Facebook. Khi đã xây dựng được một lượng lớn người theo dõi, chúng chuyển hướng liên lạc sang nền tảng được mã hóa như Telegram.
Vào năm 2016, Malaysia đã hứng chịu vụ tấn công liên quan IS đầu tiên tại quán bar Movida ngay giữa trung tâm Thủ đô Kuala Lumpur. Wanndy chính là kẻ lên kế hoạch và dàn dựng vụ nổ thông qua một nhóm Telegram có tên là Gagak Hitam (Tạm dịch là "Quạ đen"). Gần đây nhất, vào tháng 5 năm ngoái, một thanh niên 21 tuổi tấn công vào đồn cảnh sát ở Ulu Tiram, bang Johor, khiến hai cảnh sát thiệt mạng. Vụ việc được xác định có liên quan tội phạm khủng bố IS.
Không chỉ là quốc gia có số dân theo đạo Hồi cao, Malaysia còn phụ thuộc lớn vào lao động nước ngoài trong các ngành sản xuất, nông nghiệp và xây dựng, trong đó có hàng nghìn lao động đến từ Bangladesh, khiến việc kiểm soát an ninh càng thêm phức tạp. Theo Tổng Thanh tra Khalid, những mạng lưới tội phạm đã sử dụng nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin trực tuyến để truyền bá tư tưởng cực đoan, cũng như tuyển mộ thêm thành viên từ cộng đồng lao động Bangladesh. Bên cạnh đó, nhóm cũng bị cáo buộc huy động tài chính thông qua các dịch vụ chuyển tiền quốc tế và ví điện tử nhằm chuyển tiền tới các chi nhánh IS ở Syria và Bangladesh.
Sau những vụ việc gần đây, lực lượng an ninh đã tiến hành nhiều đợt bắt giữ phòng ngừa, đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh và thực hiện những đợt truy quét khủng bố, đặc biệt là tập trung ngăn chặn truyền bá tư tưởng cực đoan trên mạng xã hội.