Nỗi lo thiếu lương thực của người dân Gaza

Nhiều người dân tại Dải Gaza bày tỏ lo ngại phải đối mặt nạn đói sau khi Israel mới đây tuyên bố chặn mọi hoạt động viện trợ nhân đạo tới khu vực này nhằm gây sức ép lên phong trào Hamas.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Gaza sẽ đối mặt nạn đói nếu Israel tiếp tục ngăn viện trợ. Ảnh: AFP
Người dân Gaza sẽ đối mặt nạn đói nếu Israel tiếp tục ngăn viện trợ. Ảnh: AFP

Trong trại tị nạn Jabalya ở phía bắc Gaza, Hala - con gái của anh Umm Muhammad - đang gom những mảnh gỗ vụn và xốp để nhóm lửa. Gia đình 11 người của Umm hiện sống trong một chiếc lều bên cạnh những đống bê-tông cốt thép đổ nát hoang tàn, nơi từng là ngôi nhà của họ trước khi bị phá hủy do chiến tranh. Những ngày này, gia đình Umm vẫn còn bột mì, nước và dầu ăn dự trữ, song Umm không biết liệu gia đình anh còn có thể cầm cự được trong bao lâu. “Viện trợ lương thực giúp chúng tôi sống sót. Nếu không có viện trợ, mọi thứ sẽ rất khó khăn…”, Umm Muhammad thở dài nói với CNN.

Chiếc phao cứu sinh của Umm Muhammad và hàng trăm nghìn người Palestine khác tại Dải Gaza đang bị đe dọa khi Israel một lần nữa bao vây khu vực này. Ngày 2/3 vừa qua, trong một tuyên bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định: “Kể từ sáng nay, việc đưa hàng hóa và vật tư vào Gaza sẽ bị ngăn chặn”. Ông Netanyahu cáo buộc Hamas kiểm soát “tất cả các nguồn cung cấp hàng hóa đang được gửi đến Dải Gaza” và “biến viện trợ nhân đạo thành ngân sách cho chủ nghĩa khủng bố nhắm vào Israel”.

Động thái trên của Israel được đưa ra chỉ một ngày sau khi giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn với Hamas kết thúc. Việc chặn viện trợ vào Gaza nhằm gây sức ép buộc Hamas thả thêm con tin và áp đặt các điều kiện mới về việc gia hạn thỏa thuận nói trên. Trước những cáo buộc từ phía Israel, Hamas đã bác bỏ và gọi đó là “lời nói dối vô căn cứ”.

Trong khi đó, LHQ và các nhóm cứu trợ khác cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế bằng cách chặn dòng viện trợ nhân đạo vào Gaza, đồng thời cho rằng Israel “một lần nữa sử dụng nạn đói như một vũ khí chiến tranh”. Các bên trung gian cho lệnh ngừng bắn là Ai Cập và Qatar cũng lên án hành động này của chính quyền Tel Aviv.

Theo AP, kể từ giữa tháng 1, khi thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza chính thức có hiệu lực, ước tính 25.000 xe tải chở thực phẩm, đồ dùng vệ sinh, lều trại và các nhu yếu phẩm khác đã được viện trợ vào Gaza, ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và phần nào giảm bớt tình trạng nhân đạo khốn khổ đang diễn ra trong khu vực. Giữa đống đổ nát, các gia đình ăn mừng lễ Ramadan đã có thức ăn cho Iftar - bữa ăn đầu tiên trong ngày khi mặt trời lặn. Các khu chợ bắt đầu hoạt động trở lại và việc phân phối viện trợ thường xuyên giúp người dân duy trì cuộc sống vốn đã vô cùng cực khổ.

Tuy nhiên, quyết định chặn viện trợ vào Gaza của Israel gây chấn động khắp dải đất này những ngày qua. Giá thực phẩm tăng mạnh, trong khi các tổ chức cứu trợ hạn chế phân phối lượng hàng cứu trợ. Theo tính toán của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), các tiệm bánh và bếp ăn từ thiện ở Gaza có thể buộc phải đóng cửa trong vòng chưa đầy 2 tuần nếu không có thêm viện trợ đến được vùng đất này.

Đối với những người dân ở Gaza, quyết định chặn viện trợ lương thực và nhu yếu phầm cần thiết vào khu vực này của Israel chẳng khác nào đưa chiến tranh trở lại. “Họ đã một lần nữa sử dụng vũ khí là thức ăn và nạn đói. Giờ chúng tôi chỉ biết cầu nguyện”, Abu Muhammad, một người dân tại Gaza chia sẻ.

Nạn đói đã là vấn đề trong suốt cuộc chiến đối với hơn 2 triệu người dân Gaza. Nhiều tháng trước lệnh ngừng bắn, một số người Palestine cho biết họ phải hạn chế bữa ăn, lục thùng rác và tìm kiếm cỏ dại ăn được vì nguồn cung cấp thực phẩm cạn kiệt.

Không chỉ vậy, Israel tiếp tục tuyên bố sẽ thực hiện các bước tiếp theo nếu Hamas không chấp thuận các yêu cầu, bao gồm cắt nguồn cung cấp điện và nước cho Gaza. Giới phân tích lo ngại, những động thái mới của chính quyền ông Netanyahu có nguy cơ đưa những tiến triển mà các chuyên gia báo cáo trong 6 tuần ngừng bắn vừa qua trở lại vạch xuất phát.