"Bên Lăng Bác Hồ" - hồi ức và niềm vinh dự của nhạc sĩ Dân Huyền

Nhạc sĩ Dân Huyền đã góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc dân tộc bằng những ca khúc đậm chất dân ca. Trong số đó, bài hát “Bên Lăng Bác Hồ” là một dấu ấn sâu đậm ở hoàn cảnh sáng tác và mối nhân duyên đặc biệt giữa tác giả và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Gần 90 tuổi, nhạc sĩ Dân Huyền vẫn miệt mài với sự nghiệp sáng tác âm nhạc.
Gần 90 tuổi, nhạc sĩ Dân Huyền vẫn miệt mài với sự nghiệp sáng tác âm nhạc.

Sinh năm 1938 tại Nghệ An, nhạc sĩ Dân Huyền từng có cơ duyên lớn trong đời được trực tiếp gặp Bác Hồ. Đó là vào ngày 19/12/1963, khi ông mới 25 tuổi, đang là cán bộ tuyên huấn của Nhà máy Ô-tô 1/5, nơi nổi bật với phong trào thi đua “Ham học, ham làm”.

“Hôm đó, Bác đến thăm nhà máy, tôi đứng trong hàng ngũ cán bộ đón tiếp. Khi Bác tiến đến bắt tay, tôi xúc động không nói nên lời. Bác hỏi thăm gia đình, rồi hỏi quê quán. Biết tôi cùng quê Nghệ An, Bác ồ lên một tiếng thân mật rồi nói: “Đồng hương rồi, cháu cố gắng nhé”, nhạc sĩ Dân Huyền bồi hồi nhớ lại.

Câu nói ấm áp ấy cùng hình ảnh giản dị, ân cần của Bác đã khắc sâu vào tâm khảm, trở thành động lực lớn lao thôi thúc ông không ngừng nỗ lực cống hiến trong suốt cuộc đời mình. Đến nay, ông vẫn lưu giữ tấm ảnh chụp Bác Hồ đang nói chuyện với cán bộ, công nhân viên Nhà máy Ô-tô 1/5, và chính ông cũng xuất hiện trong khung hình ấy - một minh chứng sống động cho cuộc gặp gỡ đầy thiêng liêng.

11 năm sau, vào tháng 10/1974, nhạc sĩ Dân Huyền có dịp cùng đoàn văn nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác. Không khí làm việc hết sức khẩn trương của công nhân, khối hình Lăng Bác dần hình thành đã mang lại nhiều cảm xúc cho những người được chứng kiến.

Tôi hình dung ra những đoàn người già-trẻ, gái-trai nối nhau về đây viếng Bác, nhất là đồng bào miền nam sau ngày thống nhất. Suy nghĩ ấy theo tôi suốt, làm sao để tìm ra một giai điệu đẹp thể hiện cho được tình cảm của đồng bào cả nước nói chung và bà con miền nam nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu.

Nhạc sĩ Dân Huyền

“Tôi hình dung ra những đoàn người già-trẻ, gái-trai nối nhau về đây viếng Bác, nhất là đồng bào miền nam sau ngày thống nhất. Suy nghĩ ấy theo tôi suốt, làm sao để tìm ra một giai điệu đẹp thể hiện cho được tình cảm của đồng bào cả nước nói chung và bà con miền nam nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu”, ông chia sẻ.

Câu nói “Miền nam trong trái tim tôi” của Bác, cùng hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bác nhớ miền nam nỗi nhớ nhà. Miền nam mong Bác nỗi mong Cha” đã gợi cho ông một giai điệu mang phong cách dân ca Nam Bộ. Và Bài hát “Bên Lăng Bác Hồ” được hoàn thành chỉ sau đó một tuần với những ca từ mở đầu đầy xúc động: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong. Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng. Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng. Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông…”.

Tối 19/5/1975, bài hát được phát sóng lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam, do nghệ sĩ Kiều Hưng thể hiện, nhanh chóng được công chúng đón nhận và lan tỏa. Đặc biệt, trong ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975), “Bên Lăng Bác Hồ” đã được chọn là một trong những ca khúc chính thức vang lên tại buổi lễ trọng đại.

Nhạc sĩ Dân Huyền cũng là một trong những người đầu tiên vinh dự được vào Lăng viếng Bác trong ngày lịch sử ấy. Và ông càng vui hơn khi biết rằng tác phẩm của mình là bài hát đầu tiên viết về Lăng Bác.

“Bên Lăng Bác Hồ” mang giai điệu tha thiết, xúc động với tiết tấu thong thả. Âm hưởng dân ca Nam Bộ kết hợp cùng chiều sâu tâm tình tạo nên một bản nhạc trang nghiêm, tôn kính mà vẫn dung dị, ngọt ngào. Ca khúc không chỉ đơn thuần là một bài hát, mà còn là tiếng lòng của hàng triệu trái tim Việt Nam hướng về Người. Nghe tác phẩm, người ta không chỉ cảm nhận được sự kính yêu dâng trào, mà còn thấy được sự biết ơn sâu sắc với vị lãnh tụ đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc.

Từ khi ra đời đến nay, bài hát “Bên Lăng Bác Hồ” vẫn thường xuyên được phát tại Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều thế hệ nghệ sĩ như các NSND Thu Hiền, Thanh Hoa, NSƯT Hồng Liên, ca sĩ Trọng Tấn… đã thể hiện ca khúc với tấm lòng thành kính dâng lên Người.

Không chỉ sáng tác “Bên Lăng Bác Hồ”, nhạc sĩ Dân Huyền còn có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ sâu lắng và giàu cảm xúc khác, như: “Bác để tình thương cho chúng con”, “Người đảng viên số một”, “Khóm trúc Bác Hồ”, “Nhớ hội Làng Sen”… Mỗi bài hát thể hiện những lát cắt khác nhau về tình cảm của ông đối với đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ khi “Bên Lăng Bác Hồ” ra đời, mỗi lần đi qua quảng trường Ba Đình, qua Lăng Bác, những giai điệu thiết tha của bài hát vang lên vẫn khiến cho nhiều người cảm động nhớ đến Người. Như một tư liệu lịch sử bằng âm nhạc, những giai điệu, ca từ của bài hát sẽ mãi đi cùng năm tháng như tình cảm sâu sắc của người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.