Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn:

Sáng tác ca khúc về Đảng, Bác Hồ là lựa chọn từ trái tim

Lựa chọn sáng tác về chủ đề cách mạng, Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước là mạch cảm xúc chủ đạo trong sự nghiệp của mình, Tạ Duy Tuấn luôn nỗ lực để mỗi ca khúc vừa mang hơi thở cuộc sống với ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ, vừa có nội dung lắng đọng, phù hợp đề tài- nhạc sĩ thế hệ 8X chia sẻ trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Nhiều giải thưởng âm nhạc mà anh giành được trong thời gian qua đã minh chứng cho thành công bước đầu của hành trình ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn
Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn

Kết hợp âm hưởng hiện đại với chất liệu dân tộc

- Chúc mừng anh vừa vinh dự đạt hai giải B-giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025 của Bộ Quốc phòng với phần âm nhạc cho hai tác phẩm múa về đề tài chiến tranh cách mạng. Trước đó, ca khúc Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh của anh cũng được trao Chứng nhận Thể hiện xuất sắc chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024 của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cơ duyên nào “dẫn lối” anh theo đuổi đề tài này và gặt hái được nhiều thành công như vậy?

- Thật ra, khi bắt đầu sáng tác, tôi cũng đi theo chủ đề tình yêu, suy tư cá nhân. Tuy nhiên, hành trình nghệ thuật của tôi lại dần chuyển hướng.

Kể từ khi công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tôi càng hiểu rõ hơn vai trò của một nghệ sĩ trong quân đội: Không chỉ mang lời ca, tiếng hát, tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng mà còn có trách nhiệm nuôi dưỡng tâm hồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc qua từng giai điệu. Những điều ấy đã âm thầm bồi đắp cho tôi niềm cảm hứng sáng tác những ca khúc mang tinh thần cách mạng và đặc biệt là ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu.

Một lần, tôi được tham gia hành trình về nguồn tại An toàn khu Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, nơi từng in dấu chân Bác trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Khoảnh khắc đứng giữa núi rừng và được nghe kể chuyện về những ngày đầu gian khó của Cách mạng, tôi thật sự xúc động. Khi ấy tôi nghĩ, nếu mình không viết thì những xúc cảm này biết chia sẻ cùng ai… Thế là những giai điệu đầu tiên của bài hát Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh được hình thành.

Với tôi, sáng tác ca khúc về Đảng, về Bác là lựa chọn từ trái tim, là cách để tri ân các bậc tiền nhân cũng như góp phần giữ gìn giá trị hiện tại, truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau.

- Anh biết đấy, đã có rất nhiều nhạc sĩ đi trước thành công với đề tài này.

- Tôi luôn trân trọng và học hỏi từ những giá trị nghệ thuật mà các bậc tiền bối để lại. Tuy nhiên, là một nhạc sĩ thuộc thế hệ 8X, tôi nhận thấy mình cần mang đến một cách tiếp cận mới, phù hợp với tâm hồn và cảm xúc của người trẻ hôm nay. Tôi kết hợp âm hưởng hiện đại với chất liệu dân tộc, sử dụng những giai điệu tươi sáng, ca từ giản dị nhưng sâu sắc, để người nghe, đặc biệt là giới trẻ, cảm nhận được hình ảnh Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc mà còn là người ông thân thương đối với mỗi người hôm nay, với mỗi chúng ta.

Ca khúc Chúng em yêu Bác Hồ Chí Minh được tôi sáng tác với mong muốn thể hiện tình cảm trong sáng, hồn nhiên của thiếu nhi đối với Bác. Điều tạo nên nét riêng của ca khúc chính là giai điệu bay bổng, có sự giao thoa, hòa quyện giữa giọng của các em thiếu nhi và giọng nữ của người lớn tạo nên sự kết nối gần gũi giữa hai thế hệ.

Ngoài ra, tôi cũng chú trọng việc hòa âm phối khí, sử dụng nhạc cụ dân tộc kết hợp với R&B, Rap, BeatBox, EDM... nhằm tạo nên sự mới mẻ nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống. Khi chất liệu đời sống trở thành nguồn cảm hứng.

Nhạc sĩ Tạ Duy Tuấn sinh năm 1983, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Ông nội của anh là Nhà giáo Ưu tú, nghệ sĩ guitar danh tiếng Tạ Tấn, thuộc thế hệ những người sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tạ Duy Tuấn hiện công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội với ba vai trò: Nhạc sĩ sáng tác, nhạc sĩ phối khí, nhà sản xuất.

Tạ Duy Tuấn còn có nhiều ca khúc khác được biết tới, như Có Đảng sáng soi vững bước ta đi, Việt Nam ngày nắng mới, Chạm tới vinh quang, Bản làng em nhớ ơn Người, Màu áo trắng tinh khôi, Lời ru hòa bình…

- Trong bối cảnh xã hội đang bùng nổ các hình thức truyền thông xã hội, truyền thông thị giác, việc lan tỏa dòng âm nhạc chính luận nói chung, các ca khúc mới mang tinh thần cách mạng, hát về Đảng, về Bác Hồ có lẽ cũng cần đến các phương thức mới. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này, từ góc nhìn của người sáng tác?

- Các nghệ sĩ trẻ ngày nay không chỉ đơn thuần quan tâm đến việc sáng tác mà còn phải quan tâm, hiểu rõ tâm lý tiếp nhận của thế hệ khán giả mới-những người đã quen với nhịp điệu nhanh, hình ảnh trực quan và phong cách thể hiện sáng tạo.

Để các tác phẩm âm nhạc về Đảng, về Bác Hồ chạm tới trái tim của giới trẻ, cần ứng dụng tư duy của công nghiệp âm nhạc, như đầu tư bài bản vào hòa âm phối khí, sản xuất MV chất lượng cao, xây dựng chiến lược phát hành trên nền tảng số, đồng thời kết hợp các yếu tố kể chuyện, minh họa hình ảnh bằng ngôn ngữ điện ảnh. Việc truyền thông phải đồng hành cùng sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm không chỉ để nghe mà còn để xem, chia sẻ và lan tỏa thông điệp.

- Sức lan tỏa của thông điệp nghệ thuật phải được khởi nguồn từ cảm xúc sâu sắc của tác giả. Anh có thể “bật mí” một vài trải nghiệm nuôi dưỡng nguồn cảm xúc tươi mới, lắng đọng cho mỗi ca khúc, bản nhạc của mình?

- Đây là câu hỏi mà bất kỳ người sáng tác nào theo đuổi dòng nhạc cách mạng, chính luận đều phải tự trả lời. Với tôi, hai yếu tố: Tuyên truyền và nghệ thuật không hề mâu thuẫn, nếu người nghệ sĩ biết đặt cảm xúc chân thật và tư duy sáng tạo nghiêm túc vào tác phẩm. Tuyên truyền ở đây không còn là những khẩu hiệu khô cứng hay lý tưởng hóa một chiều, mà là sự lan tỏa tinh thần tích cực, truyền cảm hứng sống đẹp, sống có trách nhiệm. Để đạt được điều đó, tôi luôn bắt đầu bằng việc đi sâu vào đời sống, tìm hiểu thực tế từ cuộc sống của người lính, người dân, cho đến cảm xúc chân thực trước những sự kiện lớn của đất nước. Khi chất liệu đời sống trở thành nguồn cảm hứng thì bài hát sẽ tự nhiên chạm được đến người nghe.

Mặt khác, tôi đặc biệt chú trọng đến tính nghệ thuật trong mỗi ca khúc: Giai điệu mới mẻ, ca từ có tính biểu cảm và hòa âm phối khí phù hợp với thị hiếu đương đại. Không ít bài hát của các thế hệ nhạc sĩ đi trước có sức sống lâu dài là vì hội tụ được cả hai yếu tố này. Ở nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ gạo cội, như Huy Thục, An Thuyên, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Huy Du... luôn có những góc cạnh nghệ thuật để thế hệ trẻ như tôi phải học hỏi.

Sáng tác ca khúc về Đảng, Bác Hồ là lựa chọn từ trái tim ảnh 1
Ca khúc Có Đảng sáng soi vững bước ta đi do tốp ca Sao Mai biểu diễn trong Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. (Ảnh Nhân vật cung cấp).

- Những giải thưởng ghi nhận thành công của anh trong sáng tác âm nhạc đề tài chính luận, cách mạng, tôi tin là, đem tới cho anh nhiều niềm vui. Nhưng bên cạnh đó, hẳn cũng gợi trong anh không ít suy ngẫm về bước đi tiếp theo trong phát triển chuyên môn nghề nghiệp của mình, song hành với đề tài này?

- Việc viết về những đề tài lớn đòi hỏi nhạc sĩ phải có lòng tin, trải nghiệm, có bản lĩnh để không rơi vào giáo điều, mà vẫn giữ được chất lượng nghệ thuật cao. Khi lời ca và giai điệu là kết tinh của cảm xúc chân thành, dù viết về đề tài nào, ca khúc vẫn có thể sống được trong lòng công chúng. Tôi tin tưởng như vậy.

- Chân thành cảm ơn anh!