Nhà báo, nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng dành thời gian trò chuyện với chúng tôi về quãng thời gian "bước ngoặt đời người" ấy của ông, nguồn cảm hứng và động lực giúp ông giữ lửa nhiệt huyết với công việc, để sống vui và tiếp tục cống hiến cho cuộc đời những ấn phẩm giàu ý nghĩa.
![]() |
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng. |
Vẫn chưa có những trang viết xứng đáng về đồng đội
- Ông nhập ngũ khi đã có gia đình và hai con còn nhỏ. Đó là những năm tháng mà nay nhớ lại, cảm xúc trong ông chắc hẳn vẫn rất đặc biệt?
- Trước khi nhập ngũ, tôi đang công tác trong ngành giáo dục của tỉnh Hưng Yên, từng là chiến sĩ thi đua 5 năm liền của ngành giáo dục, được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trực tiếp trao bằng khen Giáo viên dạy giỏi. Ông đã xem tôi như là một nhân tố của ngành giáo dục Hưng Yên. Tôi rất vui về điều đó. Nếu không có bước ngoặt nhập ngũ, tôi sẽ vẫn là một nhà giáo (cười).
Tôi lên đường trong một ngày tháng 4/1965. 60 năm qua rồi. Tôi nhớ lúc đó, mới học xong lớp cảm tình Đảng, nhưng tôi đã phát biểu: Tôi sẽ phấn đấu bằng máu để trở thành một đảng viên chân chính, trong cuộc sống, luôn ngẩng cao đầu…
Song, có lúc, nghĩ lại về những năm tháng ấy, tôi vẫn rùng mình. Qua một đêm thoát chết, có lúc buột miệng gọi “Bố ơi! Con chỉ mong về nhà, nhìn thấy bố, ôm lấy bố một cái, rồi lại đi”.
- Gần 10 năm trong quân ngũ, ông có khi nào được về phép?
- Tôi được về phép một lần trong năm 1970, ba ngày. Đầu năm 1974, gia đình tôi nhận được tin báo tử nhầm. Đến khi tôi gửi thư, nhờ người cùng làng mang về tận nhà để báo tin vẫn còn sống, nhưng gia đình vẫn không tin! Chuyện đó cũng thường xảy ra trong chiến tranh (cười).
- Công việc làm báo, chụp ảnh ở đường Trường Sơn đến với ông trong hoàn cảnh như thế nào, thưa ông?
- Sau khi nhập ngũ, tôi làm lính công binh tại các trận địa bảo vệ tên lửa bắn B52 từ Hà Đông, thị xã Sơn Tây lên đến tỉnh Lạng Sơn. Cuối năm 1965, tôi bắt đầu hành quân vào Trường Sơn, tiếp tục làm lính công binh cho đến khi bị sốt rét ác tính, phải trở ra bệnh viện ở khu 4 điều trị trong bảy tháng. Tháng 9/1967, sức khoẻ được hồi phục, tôi quay lại Trường Sơn. Khi đó, cơ quan tuyên huấn của Đoàn 559 có chủ trương thực hiện một tờ báo, lấy tên là Trường Sơn gang thép và tôi đã được phân công về đó. Cả tờ báo chỉ có bốn người làm, từ tổng biên tập đến bộ phận viết và sản xuất, in roneo (in thủ công với trục quay ru-lô). Đến cuối năm 1968, tờ báo được nâng cấp, đổi tên thành Trường Sơn, có sự tham gia của nhiều người hơn, như các anh nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà văn Lê Lựu, Hoàng Đình Tài (họa sĩ), Vương Khánh Hồng (chụp ảnh). Báo được in ty-po (in mực trên máy), số lượng trang và bản in đều tăng lên.
Tôi tự học về nhiếp ảnh, học in tráng ảnh từ nhà thơ Trọng Khoát dưới ánh đèn dầu trong hầm trú ẩn. Tôi học cách viết, cách chụp ảnh từ những tờ báo lớn, như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân gửi vào chiến trường, học cách tiết kiệm phim để từng cú bấm máy không lãng phí.
- Ông không thể quên những kỷ niệm về đồng chí, đồng đội của mình. Có lẽ, nhiều người trong số họ cũng là nhân vật trong ảnh của ông…
- Tôi nhớ rõ tên, quê quán của họ. Chị xem bức ảnh về Trung uý, Đại đội trưởng công binh Nguyễn Văn Hương, quê Thái Bình, tại Tập đoàn trọng điểm A.T.P ở giữa đông và tây dãy Trường Sơn. Nơi được xem như yết hầu của tuyến đường, bom Mỹ thả gần như suốt ngày đêm. Hôm đó, đã gần sáu giờ tối, nhận lệnh phải thông đường, anh Hương từ chỗ trú ẩn, bật nhảy lên mặt đường, trong khoảnh khắc, tôi cũng lao theo anh. Gương mặt ấy hướng thẳng về phía trước, nhất là đôi mắt ấy, đang chất chứa suy nghĩ rất lung. Bức ảnh được chụp góc nghiêng 90 độ, anh Hương đội chiếc mũ bện bằng các mảnh bao tải. Tôi vẫn gọi đây là hình ảnh “Spartacus Việt Nam”… Đến nay, tôi vẫn chưa biết thêm tin gì về anh Hương, dù đã từng làm nhiều cách.
Ngọc Huệ, cô gái Ninh Bình xinh đẹp, hát hay lắm. Hôm trước, đài vừa phát bài Tiếng đàn Ta-lư, hôm sau, cô ấy đã thuộc lòng, hát lanh lảnh, chẳng kém tiếng hát trên đài. Huệ còn chơi cờ tướng rất giỏi và viết tốt, là đồng đội của tôi kể từ lúc bắt đầu làm báo Trường Sơn gang thép. Huệ sống rất có chí khí. Huệ cho tôi đọc nhiều nhật ký, ghi chép riêng của cô ấy ngay nơi chiến trường. Cô ấy có giấy báo đỗ đại học nhưng đã trích máu để viết đơn gia nhập thanh niên xung phong, vào Trường Sơn. Cô ấy sẽ trở thành một cây bút trưởng thành từ Trường Sơn nếu như không chết vì bom bi…
Tôi đã có mặt ở những trọng điểm ác liệt nhất trên tuyến đường: Xiêng Phan, ngã ba Lằng Khằng, Khe Tang, Tà Khống, dốc Bạc 105… Trực tiếp chứng kiến, trải qua chiến tranh, tôi vẫn cảm thấy chưa hoàn thành được các trang viết xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội.
![]() |
Hình ảnh “Spartacus Việt Nam”- Trung úy, Đại đội trưởng công binh Nguyễn Văn Hương. Ảnh: Hoàng Kim Đáng |
Mong có đủ sức khoẻ để hoàn thành thêm nhiều đầu sách
- Thưa ông, năm 2007, ông đã chủ biên cuốn sách gần 400 trang, in mầu và ba ngữ Việt, Anh, Pháp, nhan đề Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành. Phải chăng, công trình ấy còn có những điều mà ông chưa thể nói tới?
- Cảm ơn chị đã nhắc tới công trình mà tôi nghĩ rằng, khó có thể làm lại. Nhân đây, tôi kể chị nghe: Tháng trước, tôi nhận được một bản sách này do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1923-2019) viết đề từ gửi tặng tôi. Dòng cảm tưởng, ghi ngày 19/5/2007, được ông viết ngay trang sách đầu, khiến tôi rất xúc động. Ông gọi tôi là một “chí sĩ ở chiến trường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh”. Ông nói “thay mặt Bộ Đội Trường Sơn” (nguyên văn viết hoa bốn từ này-PV), trân trọng cảm ơn tôi về công phu soạn thảo cuốn sách này. Thế nào mà cuốn sách được nhờ gửi qua mấy chiếc cầu kết nối, nay mới đến tay tôi…
Cuốn sách có bốn chương nội dung về chân dung tuyến đường, về vị trí, vai trò của tuyến đường trong toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh, về những tháng ngày chiến đấu của bộ đội ta… Ở đó, có hàng trăm hình ảnh của tôi và nhiều đồng nghiệp khác chụp tại đường Trường Sơn, có bài viết của các tướng lĩnh về nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng diễn ra trên cả tuyến đường…
Nhưng, theo thời gian, tôi càng thấm thía hơn về những được-mất từ khốc liệt chiến tranh và muốn thực hiện cuốn sách qua con mắt và ngòi bút của riêng tôi về Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Đây sẽ là một trong ba cuốn sách mà tôi ưu tiên thực hiện khi còn sức khỏe.
- Ba cuốn sách ưu tiên? Nghĩa là ông vẫn còn nhiều dự định viết khác nữa?
- Vâng, tôi muốn hoàn thành và xuất bản thêm nhiều đầu sách nữa, trước khi nhắm mắt xuôi tay.
Những năm tháng Trường Sơn, rồi chuyển ngành về làm việc ở báo Văn nghệ, báo Người Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) và được sống đến hôm nay, tôi có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu, nghe chuyện, suy nghĩ về rất nhiều con người tài giỏi, về nhiều vấn đề cũng như vận hội của đất nước ta. Tôi muốn viết về họ và xuất bản, để thế hệ tương lai biết được Việt Nam ta cũng có những nhân tài trên mọi lĩnh vực và học hỏi từ họ, để tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước. Qua dịch thuật, tôi cũng muốn người nước ngoài có thông tin, hình ảnh chân thực để thưởng lãm và thêm hiểu về đất nước ta, dân tộc ta.
- Ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc Nhân dân cuối tuần về cuốn sách của riêng ông và con đường Trường Sơn?
- Cuốn sách bao gồm hình ảnh Đường Trường Sơn và các nhân vật mà chính tay tôi chụp. Chuyện về con đường và lớp người làm nên huyền thoại ấy sẽ được chuyển tải thông qua ngôn ngữ văn học, nhẹ nhàng, chứa đựng những tình tiết không thể tìm thấy trong các cuốn sách, trang viết khác. Tôi sẽ cố gắng truyền tải những điều về con đường và con người ở đó mà hơn 50 năm qua, vẫn canh cánh trong nỗi lòng tôi, chưa thể trút ra được.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng (sinh năm 1942) là tác giả, chủ biên và tham gia biên soạn, đóng góp hình ảnh, bài viết cho nhiều cuốn sách về đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh cuốn Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh, có thể kể đến Phố Hiến, Lịch sử-Văn hóa (Sở Văn hóa Hưng Yên, 1999), Thăng Long-Hà Nội Việt Nam… ký (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2010), Nhiếp ảnh nghệ thuật-Hiện thực và sáng tạo (Nhà xuất bản Hà Nội, năm 2017), Tỏa sáng đất trời nam (ký và ảnh chân dung về 40 người tài của đất nước, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2024)…