Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tham gia nhạc kịch
- Sau đêm diễn đầu tiên với nhiều dư âm ngọt ngào mà khán giả dành cho êkip thực hiện vở nhạc kịch Lửa từ đất, giờ là lúc anh có thể chia sẻ nhiều hơn với chúng tôi về những ấn tượng riêng khi đảm nhận vai diễn này?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ tham gia nhạc kịch cho đến khi được mời tham gia vở Sóng, cách đây ba năm, cũng do Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện. Tôi đã nhận thấy, khác hẳn việc làm một ca sĩ độc lập, khi tham gia một vở nhạc kịch, tất cả các kỹ năng của ca sĩ/diễn viên đều phải được tập luyện nhuần nhuyễn cùng tập thể, chứ không thể một mình một phách.
Vì vậy, đến vở diễn thứ hai này, tôi có một chút kinh nghiệm, nên thoạt đầu, bước vào vở diễn với phong thái tự tin lắm (cười). Không ngờ mọi sự lại cực như vậy, phải khổ luyện, gạt các dự án cá nhân đi để dành thời gian tập luyện. Đặc biệt hơn, vở diễn nói về một nhân vật chính trị cho nên mọi thứ rất cần sự cẩn trọng khi thử nghiệm. Thêm vào đó, thông tin về đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ không nhiều, vì thời gian ông giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội quá ngắn và sớm hy sinh. Cả êkip đều phải căn cứ vào tài liệu gia đình cung cấp và tận dụng một cách sáng tạo các hình thức ước lệ sân khấu.
Riêng về hình thức, tôi đã phải tập luyện để giảm cân. Do nhân vật chính xuất hiện trong hầu hết các cảnh, tôi đã luyện tập miệt mài tại Nhà hát, đủ ba ca mỗi ngày, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về nhân vật và phối hợp chặt chẽ với đội ngũ sáng tạo để đáp ứng mọi yêu cầu của đạo diễn. Tôi cũng học hỏi cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của người Hà Nội thời kỳ đó, đặc biệt là cách diễn đạt những chủ trương, đường lối của Đảng trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
- Anh đã “nhập vai” rất ngọt trong những phân cảnh nhân vật chịu sự tra tấn dã man của mật thám Pháp.
- Cảm ơn chị. Đó cũng là những phần nội dung đã gây ấn tượng nhất đối với cá nhân tôi. Tổng biên đạo Trần Ly Ly và đạo diễn sân khấu Duy Anh yêu cầu phải diễn thật. Dù chỉ là hình tượng hóa, nhưng khi thể hiện cảnh bị gông cùm, tôi phải ngồi đúng tư thế của người tù bị còng tay chân, để cảm nhận rõ nét hơn về sự đau đớn. Những cảnh tôi bị lôi trên nền đất, bị ném lên bàn tra tấn, thậm chí có lúc bị tát thật để tạo cảm xúc chân thực cho vở diễn. Nhưng tôi không xem đó là khó khăn. Ngược lại, khi “sống” trong nhân vật, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về những gian khổ mà thế hệ cha ông đã trải qua để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Chính vì thế, tôi tin là không phải riêng tôi, mà tất cả các bạn diễn viên luôn cảm thấy có một nguồn năng lượng đặc biệt thôi thúc, để hoàn thành mọi yêu cầu của đạo diễn, mang đến những cảm xúc chân thực nhất cho khán giả.
- Có lẽ, chỉ phần âm nhạc là nhiều thuận lợi hơn cả cho anh, trong quá trình tham gia vở diễn này?
- Nhạc sĩ Minh Đạo, Giám đốc âm nhạc của vở diễn, là người mà tôi đã nhiều lần cộng tác làm việc, nhất là từ vở Sóng. Anh hiểu phong cách của tôi, luôn tạo “đất” để tôi được tự do vẫy vùng. Anh viết bài hát như kiểu “đo ni đóng giày” cho tiếng hát của tôi.
Hướng đi rộng mở của nhạc kịch
- Hiện cũng có một số nhà hát khác dành nhiều hơn sự quan tâm đến thể loại nhạc kịch, cá nhân anh sau khi tham gia hai vở diễn, anh nhận thấy tiềm năng của loại hình này trong bối cảnh đời sống nghệ thuật biểu diễn hiện nay ở Việt Nam như thế nào?
- Khán giả phản hồi tốt về hai vở nhạc kịch Sóng và Lửa từ đất. Họ dễ xem, dễ hiểu nội dung và cảm nhận được chiều sâu tâm lý của nhân vật.
Hiện nay, Việt Nam đã có cộng đồng khán giả yêu thích nhạc kịch nhưng còn quá nhỏ nếu so số lượng khán giả nghe nhạc bình thường. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện vở nhạc kịch Giấc mơ Chí Phèo cũng rất thành công về mặt nghệ thuật và êkip đã tự tin đưa ra phát hành thương mại. Họ đều là những người tử tế với nghệ thuật. Đó là những ngọn lửa nhen nhóm mà người được thụ hưởng chính là khán giả.
Nhìn vào nhạc kịch Lửa từ đất, ta sẽ thấy, thông tin về đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ vốn chưa nhiều người biết. Trong quá trình dựng vở, êkip đã đầu tư sáng tạo, chắt lọc và đưa vào nội dung những chi tiết để khán giả không cảm thấy khô cứng. Đây có thể là bước đi hiệu quả để các sáng tạo thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn đề tài về các nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn, thu hút khán giả hơn. Tôi cho rằng, nhạc kịch có tương lai rộng mở nếu chúng ta biết cách làm.
- Luyện tập vất vả hơn, cực nhọc hơn nhưng thù lao dành cho vai diễn của một diễn viên nhạc kịch lại thấp hơn rất nhiều so hoạt động biểu diễn của ca sĩ dòng nhạc nhẹ. Điều này gợi trong anh suy nghĩ gì chăng?
- Mức thù lao dành cho tôi so với các bạn diễn ở cả hai vở nhạc kịch Sóng và Lửa từ đất cũng là mơ ước của nhiều người, nhưng không thể bằng thù lao đi hát. Tất nhiên, mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng đúng là có sự chênh lệch rất lớn giữa ca sĩ hát nhạc nhẹ và các ca sĩ/diễn viên tham gia một vở diễn.
- Thời gian tới, liệu khán giả còn được gặp lại Việt Anh trong một vở nhạc kịch mới?
- Rất có thể sẽ là một nhân vật nữa tên Vũ trong một vở nhạc kịch tiếp theo (cười). Tôi có duyên với các nhân vật tên Vũ, Nguyễn Ngọc Vũ trong Lửa từ đất, Lưu Quang Vũ trong Sóng.
Khi tham gia các dự án dài hơi như nhạc kịch, tôi hứng thú vì có cơ hội được khám phá lại chính bản thân mình. Thú thật, lúc mới bắt tay vào vở Sóng, có nhiều lúc, tôi nản khủng khiếp, bởi cái cảm giác vỡ hoang; sân khấu trong lúc tập không có cảnh trí, chỉ toàn là tưởng tượng, nên rất khó đẩy cảm xúc. Thế rồi, tôi cũng làm được và đã vượt qua nên rất hạnh phúc.
- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Lê Việt Anh từng đoạt giải Nhì-dòng nhạc nhẹ tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc Sao Mai, năm 2011, giải Ca sĩ xuất sắc nhất do khán giả bình chọn ở cuộc thi Sao Mai điểm hẹn, năm 2012. Lê Việt Anh thể hiện thành công nhiều ca khúc trữ tình, có sự phức tạp trong xử lý chuyên môn thanh nhạc. Album Khung trời khác, với những tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Bảo được anh làm mới, thêm phần sâu lắng và tinh tế.
| |
Ca sĩ Lê Việt Anh |