Yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển
- Thưa tiến sĩ, chúng tôi được biết, từ năm 2023, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đặt hàng một nghiên cứu về ảnh hưởng của ngành công nghiệp nội dung văn hóa của Hàn Quốc tới các nước Đông Nam Á, và ông là một thành viên của nhóm thực hiện nghiên cứu đó. Ông có thể cho biết, nhờ đâu, ngành công nghiệp nội dung văn hóa Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu và tạo nên được những ấn tượng mạnh mẽ đối với thế giới đến như vậy?
- Như quý vị đã biết, ngành công nghiệp nội dung văn hóa này không cần phải có một nền tảng cơ sở hạ tầng cố định nào cả. Yếu tố quan trọng để có thể thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung văn hóa là năng khiếu của cá nhân và sự đầu tư quảng bá. Chính vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp văn hóa này là đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật.
Trong thời gian đầu tiên khi Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu nhận biết tầm quan trọng của ngành công nghiệp nội dung văn hóa này, do không có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch 5 năm phối hợp với các nhà trường để đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực. Sau thời gian 5 năm đó, chúng tôi nhận thức được rằng, việc đào tạo về số lượng này không quan trọng, mà cần phải tập trung đầu tư đào tạo những người có năng khiếu bẩm sinh.
Để có thể thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo của ngành công nghiệp nội dung này, 12 năm trước Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng dự án hợp tác về phát triển nhân tài cũng như hình thành các tổ chức để đào tạo, nuôi dưỡng lực lượng này. Dự án này được thực hiện theo cơ chế người tư vấn và người được tư vấn. Thông qua một tổ chức cụ thể, nhà nước sẽ mời các chuyên gia đến tư vấn cho hoạt động đào tạo này. Cách làm đó đã tạo ra được kết quả rất đáng ghi nhận.
- Việc tạo hành lang pháp lý nâng cao quy mô hỗ trợ cho các đối tượng có khả năng sản xuất được các nội dung văn hóa cũng là một giải pháp rất hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này?
- Ngoài việc hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ Hàn Quốc còn xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính để bảo đảm sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp này.
Hiện nay, mỗi năm chúng tôi huy động khoảng 600 tỷ won cho việc bảo đảm tài chính cho các dự án đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghiệp nội dung văn hóa. Ngoài ra, chúng tôi có hình thức hỗ trợ thông qua các dự án đầu tư hợp tác công-tư. Và do khó xác định được mức độ lợi nhuận trong hoạt động đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp này, nên đối với các dự án khó xác định lợi nhuận thì chúng tôi sẽ sử dụng quỹ chính sách công để đầu tư. Nếu lỗ dưới 20% thì chính phủ sẽ chi trả toàn bộ phần lỗ đó, nếu lỗ hơn 20% thì chính phủ và quỹ tư nhân sẽ phân chia phần chi trả.
Với các dự án chắc chắn có lãi thì thực hiện cách thức: có lãi cùng chia, có lỗ cùng chịu. Chúng tôi cũng có chương trình cho vay theo chế độ cam kết bảo lãnh đối với các đơn vị sản xuất không có tài sản bảo đảm. Quy mô bảo lãnh của chính phủ đối với các dự án sản xuất nội dung văn hóa này ngày càng được mở rộng, để đơn vị sản xuất có khả năng về tài chính để thực hiện dự án.
10 năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng tiêu chuẩn để đánh giá giá trị của nội dung dự án văn hoá dự định phát triển. Cũng nhờ bộ tiêu chuẩn đó, đã giúp làm rõ phần lỗ, lãi trong kế hoạch đầu tư của các dự án, khiến cho tỷ lệ đầu tư của tư nhân cho các dự án tăng lên đáng kể.
Một trong những chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung văn hóa là sự hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài. Trước đây chính phủ xây dựng năm trung tâm trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc ở nước ngoài, nhưng gần đây số trung tâm đã tăng lên rất nhanh, với hiện tại có 25 địa điểm hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung văn hoá ở nước ngoài. Ngoài việc hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường nước ngoài cho các đơn vị sản xuất, các trung tâm này còn hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất trong việc bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm. Và bắt đầu từ năm 2025, quy mô của việc hỗ trợ từ chính phủ đối với các công ty thâm nhập thị trường ngoài nước sẽ được tăng cao hơn.
Và một nội dung quan trọng nữa là chính sách cho người tiêu thụ các sản phẩm nội dung văn hóa, vì dù là sản phẩm văn hóa tốt đến mấy mà không có người tiêu thụ thì cũng không thể tạo ra được lợi nhuận, chính vì vậy, người tiêu dùng nội dung văn hóa là một trong những chính sách quan trọng trong chiến lược thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp nội dung văn hóa. Chúng tôi đang trong giai đoạn xây dựng chính sách để làm sao có thể phát huy được, tăng cường được, phát triển được giá trị của văn hóa cũng như quyền lợi của con người thông qua những sản phẩm về nội dung văn hóa này.
Hàn Quốc đang đi trên con đường phát triển tăng trưởng của ngành công nghiệp nội dung văn hóa này nhưng chúng tôi vẫn luôn đau đáu một số nỗi lo. Hiện nay có nhiều quốc gia học theo cách làm của Hàn Quốc phát triển ngành công nghiệp nội dung văn hóa của nước mình, chính vì thế chúng tôi cố gắng sản xuất những nội dung ưu tú và thỏa thuận với các chủ sở hữu các nền tảng để chuyển tải các nội dung văn hóa của Hàn Quốc.
![]() |
Liên hoan Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ tư - “Hò dô” 2024 (Ho Chi Minh City International Music Festival 2024 - HOZO 2024). Ảnh: Ngọc Thạch |
Kinh nghiệm cho Việt Nam
- Phát triển công nghiệp văn hóa đang là một trong những nội dung được Chính phủ Việt Nam chú trọng. Từ kinh nghiệm thành công của quốc gia mình, theo ông, Việt Nam cần chú trọng những yếu tố nào?
- Trong giai đoạn đầu tiên, do Hàn Quốc không có nội lực của ngành công nghiệp này nên đã bắt chước nước ngoài, rồi nhập khẩu các nội dung của nước ngoài về, chế biến thành nội dung phù hợp với nền văn hóa trong nước của chúng tôi. Theo quan điểm của tôi, trong giai đoạn phát triển đầu tiên của ngành công nghiệp nội dung văn hóa này, Việt Nam nên tăng cường hợp tác với Hàn Quốc, cái gì học được thì học, áp dụng được thì áp dụng, hợp tác được thì hợp tác để hình thành được nền tảng, những viên gạch đầu tiên của ngành công nghiệp nội dung văn hoá. Hiện nay, các nhà sản xuất nội dung của Hàn Quốc coi Việt Nam không chỉ là đối tượng tiếp nhận, tiêu thụ các sản phẩm nội dung văn hóa của Hàn Quốc mà còn là đối tác để cùng hợp tác sản xuất ra các sản phẩm nội dung văn hóa.
- Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng triển khai chương trình đào tạo nhân lực cho lĩnh vực công nghiệp nội dung văn hóa, song, cũng đang gặp phải một số vấn đề bất cập, như chảy máu chất xám, chưa phát huy được nhân lực đào tạo…
- Chúng tôi cũng vấp phải hiện tượng chảy máu chất xám. Điều này không thể ngăn chặn được. Cách thức ngăn chặn hiệu quả nhất là ngoài việc cử người đi học thì cần có các chế độ quản lý sau khóa học, tức là phải tạo môi trường hoạt động để họ phát huy được kiến thức đã học hỏi. Nếu môi trường lao động tốt và có động lực cao thì không có lý do gì để chảy máu chất xám được. Thí dụ, những công ty đào tạo được các nhóm nhạc nổi tiếng hiện nay chính là của những người đã được đào tạo từ 30 năm trước, họ được tạo điều kiện để mở công ty và duy trì, phát triển được công ty đó.
Một cách nhìn khác, như đối với lĩnh vực điện ảnh chẳng hạn, trong thời gian đầu, Hàn Quốc gửi người đi học ở các nước phát triển, nhưng trong nước thời điểm đó vẫn chưa đủ điều kiện để kết nối với các dự án lớn, nên sau đó vẫn để cho những người này ở lại hoạt động tại các nước đó, và hoạt động của họ sau khóa đào tạo, chúng tôi coi đó là quá trình phát triển và hoàn thiện. Chúng tôi đã nhẫn nại chờ đợi và tạo cơ hội, khi họ nhận thấy trong nước có những cơ hội triển vọng, họ sẽ trở về.
Với ngành công nghiệp nội dung văn hóa này, chỉ cần có được một vài cá nhân nổi trội cũng có thể tạo nên dấu ấn. Thông qua những điển hình như vậy, ngành công nghiệp này sẽ có bước phát triển nhảy vọt và tạo nên hệ sinh thái. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải nỗ lực để phát hiện ra những điển hình như thế.
Khi truyền thông thế giới biết đến rằng Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm công nghiệp nội dung văn hóa riêng biệt, đây sẽ là dấu mốc để có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư, và khi thu hút được vốn đầu tư thì sẽ phát triển.
- Trân trọng cảm ơn tiến sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Hy vọng ông sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung văn hóa của Việt Nam trong những năm tới!
Sau 30 năm, công nghiệp nội dung đã trở thành ngành công nghiệp cốt lõi và vị thế của K-Culture, là động lực mới dẫn dắt nền kinh tế Hàn Quốc”.
TS Lee Yong-Kwan