Tình cảm gia đình dẫn tôi đến với đất và điêu khắc
- Hội họa là đam mê sáng tạo của ông nhiều năm qua. Vì thế, bước chuyển sang điêu khắc ắt hẳn phải có nguyên do đặc biệt. Nó được bắt đầu như thế nào, thưa ông?
- Năm 2018, sau khi gia đình chúng tôi đón thêm thành viên mới, có dịp đến nhà sách, tôi thấy họ bán đất nặn nên mua về in dấu chân kỷ niệm cho cháu. Theo từng tháng, bàn chân cháu nhỏ ngọ nguậy, trông nghịch lắm, tôi lại là người thích chụp ảnh nên đã tranh thủ chụp lại những cử động ấy. Được bạn bè văn nghệ khen đẹp, thế là trong đầu nảy ra ý tưởng muốn làm tượng để lưu giữ lâu hơn những hình ảnh bàn chân của con. Thêm việc một người bạn nghệ sĩ điêu khắc tặng bức chân dung của tôi, rất ấn tượng, càng làm cho tôi muốn chạm vào đất. Nhưng mọi sự chỉ bắt đầu vào năm 2020, giữa đại dịch Covid-19, thời gian cách ly kéo dài lại là cơ hội cho tôi tập trung với đất cùng các ý tưởng tạo hình của mình. Mỗi lần làm được phần nào đó thấy ưng ý, gửi ảnh cho bạn bè xem, mọi người động viên, nên tôi lại càng hứng thú.
- Ấn tượng từ triển lãm Nghịch đất đối với cá nhân tôi là sự lột tả chân dung nhân vật đầy cảm xúc, nhất là đôi mắt của họ. Ông mất bao lâu để hoàn thành một chân dung?
- Tôi không có thời gian cố định cho một tác phẩm. Trong lúc đang làm tượng nhạc sĩ Phó Đức Phương, tôi lại nghĩ đến một nhân vật khác, thế là lại tạm để tác phẩm ấy “chờ” tôi thêm một chút. Hoặc có khi, ý tưởng cho một tác phẩm mới đến từ một giấc mơ, chợt tỉnh dậy, tôi phải bắt tay làm luôn.
Về biểu cảm của đôi mắt, lúc đầu, tôi không quá chú trọng phần này. Đúng là rất khó thể hiện được ngôn ngữ của ánh mắt. Ở giai đoạn đầu, tôi khá lúng túng vì muốn lột tả cái thần của đôi mắt nhân vật. Sau đó, tôi nghiên cứu thêm về các nhân vật mà tôi muốn thể hiện và nhận thấy rằng, tôi có thể diễn đạt theo cách khác mà vẫn khắc họa được một nét chân dung của họ, như các bức tượng nhà thơ Trần Dần, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân…
- Cách tạo hình điêu khắc chân dung của ông còn có điểm chung là bỏ ngỏ nhiều khoảng trống. Vì sao vậy, thưa ông?
- Tôi làm theo ngẫu hứng và cảm xúc. Thật sự trước khi làm tôi không nghĩ “nó phải thế này, phải thế kia….”. Ngay cả khoảng trống xuất hiện cũng không từ sự chủ động của tôi, chỉ là tôi cảm thấy muốn để nó trống như thế, bố cục phải như thế. Cái “cảm” dẫn dắt trước, sau đó sẽ là một vài điều chỉnh để tăng tính thẩm mỹ và nhấn được nét làm bật ra nhân vật.
- Qua chia sẻ của ông, tôi hiểu là ông không hề “nghịch” với điêu khắc một chút nào, mà rất nhiều suy tư, cảm xúc được chứa đựng, bày tỏ trong đó.
- Lúc đầu đúng là tôi có nghịch, vì bản thân là một họa sĩ, chuyên chú vẽ tranh thôi. Thế nhưng, về sau, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu nhân vật của mình. Tôi đọc sách, tìm hiểu về con người, về di sản của họ để lại… Trong quá trình làm tượng về nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, tôi không chỉ đọc các bài viết về bà, các nghiên cứu xẩm mà còn nghe các bài xẩm của bà hằng ngày, để ngấm dần những ai oán, xót thương cho phận người. Hay về chân dung thi sĩ Trần Dần, tôi đã đọc thơ ông nhiều, nhưng khi bắt tay làm tượng, tôi đọc lại tiểu thuyết của ông để có thể thẩm thấu thêm tâm hồn ông, hồn thơ của ông.
Trong một thời gian, tôi đắm mình vào không gian của nhân vật. Tôi tìm thêm hình ảnh, ngắm nhìn họ qua các giai đoạn cuộc đời họ và chọn nét mặt, phong thái mà tôi cho là thể hiện rõ tinh thần của họ, không lẫn với bất cứ ai khác. Việc chọn lọc này là khó nhất đối với tôi. Sau đó, tôi bắt tay thể hiện phần chính là khuôn mặt nhân vật, rồi từ đấy, tôi chỉnh sửa và dần bổ sung các chi tiết. Có những tác phẩm được hoàn thành rất nhanh chóng, nhưng ngược lại, có nhân vật mà sau cả tuần, tôi chỉ làm được một bàn tay…
“Nghịch” là một cách nói vui, cho nhẹ nhàng thôi!
![]() |
Không gian triển lãm Nghịch đất với bức chân dung nghệ nhân Hà Thị Cầu (bên phải ảnh) và nhạc sĩ Văn Cao (bên trái ảnh). Ảnh: TRÀ
Muốn in vào đất một dấu “Cường Tuse”
- Là một họa sĩ đã có nhiều năm sáng tác, khi bước sang lĩnh vực điêu khắc, ông có bị ảnh hưởng hay muốn áp dụng yếu tố nào của hội họa vào “nghịch đất”?
- Thật ra, tôi không có “yếu tố nào” để áp dụng. Mọi thứ, như tôi đã giãi bày, ông trời cho một chút khả năng thì mình cứ thế làm thôi, hoàn toàn không nên giải nghĩa theo kiểu mượn cái này hay áp dụng cái kia.
- Trên báo chí và truyền thông xã hội của giới mỹ thuật, nhiều người chia sẻ hình ảnh triển lãm của ông cùng những cảm thán về sức hấp dẫn đặc biệt, sự khác lạ của các bức điêu khắc chân dung. Còn các nhân vật của ông, họ nói gì về chân dung của họ trong Nghịch đất?
- Có những bức tượng, thật ra, là tôi tự khắc họa tôi, như Thằng bạn rượu, Tôi chiên mặt tôi, Xơi thuốc lào, Ảo tưởng… Trên đường đời, tôi đã trải qua những cảm giác tương tự và muốn một lần nữa, “ném” tôi vào đó.
Còn về chân dung người khác, phần nhiều là tôi muốn làm tặng họ bởi đó là những người anh, người chị, người bạn đã giúp đỡ tôi trong những tháng năm gian khó tôi lang bạt trong Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái của nhà văn Kim Lân, đã viết trên trang facebook cá nhân, đại ý: Chị ấy như được gặp lại bao nhiêu cô, chú, bác thân quen.
- Tôi đã hiểu thêm điều mà ông viết trong cuốn sách được phát hành nhân triển lãm này: Trả lại những gì cuộc đời và thời gian đã cho.
- Con người ta có thể trải qua những giai đoạn khốn khó cuộc đời, vấp váp, mất mát nhiều thứ lắm. Người nào vươn lên, thoát ra được thì tiếp tục đứng dậy, bước về phía trước. Trong đời này, tôi may mắn vì bên cạnh mình, có những người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ. Đó chính là “vốn quá khứ” đã giúp tôi thực hiện được nhiều chân dung điêu khắc trong Nghịch đất. Và vì thế, tôi muốn trưng bày triển lãm, mời mọi người đến xem như là cách để hồi đáp lại những ân tình của cuộc đời dành cho mình.
Tôi vẫn còn ấp ủ nhiều dự định với đất lắm (cười).
- Các tác phẩm ban đầu được làm từ đất rồi được chuyển sang chất liệu đồng, tức là ông đã tính đến sự bền vững hơn cho tác phẩm. Nếu nhìn từ khía cạnh thực tiễn, việc làm này không chỉ là nghịch mà còn lấy đi của ông không ít chi phí tài chính. Ông nghĩ gì về việc cân bằng lại chi-thu?
- Tôi hiện chưa có không gian trưng bày riêng, chính vì thế tôi mới tìm đến Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh để liên kết tổ chức triển lãm, giới thiệu đến công chúng. Không gian phù hợp sẽ giúp làm bật vẻ đẹp của bức tượng và tôn vinh nhân vật. Sau triển lãm, tác phẩm được lưu giữ tại xưởng của tôi. Tất nhiên, tôi cũng chờ đợi những nơi trưng bày xứng tầm nhân vật.
- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện cởi mở!
![]() |
Họa sĩ Nguyễn Thế Cường, sinh năm 1962, tốt nghiệp hệ trung cấp, Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 1980. Ngay từ đầu những năm 2000, ông được một số gallery có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, như Tự Do Gallery, Lotus Gallery, mời hợp tác tổ chức các triển lãm cá nhân, ghi nhận một tiếng nói hội họa đậm cá tính. |