Nghệ sĩ Fuji Hiroshi: Nghệ thuật nhắc nhở con người về vòng tuần hoàn của sự sống

Lần đầu tại Việt Nam, triển lãm điêu khắc sắp đặt từ hàng nghìn đồ chơi cũ bằng nhựa của nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng Fuji Hiroshi được trưng bày, kéo dài trong khoảng 10 tuần. Tác phẩm của ông được biết đến ở Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới bởi sức hấp dẫn thị giác đồng thời chứa đựng ý nghĩa xã hội sâu sắc.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Fuji Hiroshi giao lưu với khán giả trong ngày khai mạc triển lãm tại Hà Nội. Nguồn: JP
Nghệ sĩ Fuji Hiroshi giao lưu với khán giả trong ngày khai mạc triển lãm tại Hà Nội. Nguồn: JP
Nghệ sĩ Fuji Hiroshi: Nghệ thuật nhắc nhở con người về vòng tuần hoàn của sự sống ảnh 1

Nghệ sĩ Fuji Hiroshi

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đến Hà Nội để tự tay dựng tác phẩm, ông dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi về nhiều điều phía sau vẻ rực rỡ của đồ chơi nhựa, cũng như kỳ vọng: Nghệ thuật có thể góp phần cải thiện nhận thức của con người về việc bảo vệ tự nhiên.

Đồ chơi có thể phản chiếu thời đại

- Kỷ nguyên nhựa là cụm sắp đặt gồm những khối điêu khắc hình khủng long rực rỡ, được tạo nên từ 8.015 món đồ chơi cũ thu thập ở Nhật Bản. Hành trình của tác phẩm được bắt đầu như thế nào, thưa ông?

- Đó là một phần của “Kaekko Bazaar”, một dự án lưu trữ và trao đổi đồ chơi do gia đình tôi thực hiện. Dự án bao gồm đồ chơi được gom từ nhiều địa phương trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Khởi đầu của bộ sưu tập này là một thí nghiệm lưu trữ rác thải nhựa trong gia đình tôi, có tên là “Vinyl Plastic Collection”, kể từ năm 1997. Sau ba năm đầu không vứt bỏ đồ chơi cũ, tôi hỏi ý kiến các con xem nên làm gì với chúng, và bọn trẻ nói để chơi trò bán hàng. Nhưng vì tôi không muốn các con sớm cầm tiền nên sau cùng, chúng tôi đã tạo ra phiên chợ đổi đồ mà lũ trẻ đặt tên là “Kaekko Bazaar”. Trong đó, từ “kaekko” là cách trẻ con phát âm từ “kaeru” (đổi) trong tiếng Nhật, còn “bazaar” có nghĩa là chợ. Đến năm 2008, mô hình “Kaekko Bazaar” được nhân rộng ra nhiều địa phương ở Nhật Bản, do trẻ em tự vận hành.

Tới giờ, sau gần 30 năm, dự án đã thu thập được hơn 50.000 đồ chơi cũ. Còn về phần tôi, tôi luôn muốn có thể tạo ra thứ gì đó mới từ những món đồ cũ nên từ năm 2008, tôi bắt tay vào làm tác phẩm.

Ở một góc nhìn khác, rác thải nhựa có nguồn gốc từ dầu thô, tuổi đời 150 triệu năm. Chúng là những vi khuẩn tích tụ từ kỷ Jura. Tôi cảm thấy thú vị khi mường tượng về những mảnh ký ức mà chúng lưu giữ suốt từ thời kỳ đó và nhìn nhận chúng như một loại ký ức khủng long hóa thạch. Đó là lý do tôi tạo ra những tác phẩm này.

- Thật thú vị khi có thể lùi lại đủ xa để thấy mọi thứ đều tuần hoàn có tính chu kỳ, bao gồm cả chu kỳ tiêu dùng của đồ chơi và chu kỳ phân hủy của nhựa, thưa ông.

- Tôi sinh năm 1960, thời kỳ mà nhựa bắt đầu du nhập vào Nhật Bản và dần trở thành vật liệu phổ biến. Chỉ trong vài chục năm, con người đã tạo ra quá nhiều đồ nhựa mà phần lớn là sản phẩm tiêu dùng nhanh. Việc tạo ra những vật liệu từ nhựa dầu mỏ mà không thể tự phân hủy được, theo tôi, là một mặt tiêu cực của thời đại. Khi nghĩ về nhựa và hệ luỵ mà chúng ta để lại cho tương lai, tôi cảm thấy chúng ta cần phải thay đổi. Thật mâu thuẫn khi cứ liên tục sản xuất mà không suy xét đến việc quay vòng tài nguyên. Vậy nên tôi muốn lưu trữ những thứ này và trưng bày chúng để mọi người cùng thấy. Công việc này không nhằm mục đích tôn vinh, mà để liên tục nhắc nhở mỗi người, mọi người về vòng tuần hoàn sự sống.

- Nhìn vào nguồn gốc của những món đồ chơi này, đi sâu vào vòng tuần hoàn của tiêu dùng, ông nhận thấy vấn đề thật sự của việc tạo ra quá nhiều đồ chơi nhựa có thể do đâu?

- Khi bắt đầu sưu tập đồ chơi nhựa, mỗi năm, tôi cũng nhận lượng lớn đồ chơi từ một số hãng sản xuất tên tuổi trên thế giới. Tôi nhận thấy vấn đề thật sự nằm ở nhu cầu được sở hữu.

Khái niệm “sở hữu” thực tế chỉ mới xuất phát từ thời hiện đại. Ban đầu, mọi thứ đều được chia sẻ. Tuy nhiên, từ khoảng những năm 1960 trở đi, ý niệm về sở hữu cá nhân đã phát triển mạnh mẽ, và chúng ta đã chứng kiến sự mở rộng này trong vài thập niên tiếp theo, khi giá trị của việc trải nghiệm thực tế, việc tiếp xúc, va chạm xúc giác bỗng nhiên trở nên quan trọng. Giờ đây, khi chúng ta đối diện vấn đề môi trường toàn cầu, việc chia sẻ và hợp tác lại trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Nghệ sĩ Fuji Hiroshi: Nghệ thuật nhắc nhở con người về vòng tuần hoàn của sự sống ảnh 2

Những chú khủng long đầy màu sắc, thu hút khán giả tại phòng triển lãm ở Hà Nội. Nguồn: JP

Hy vọng tác phẩm giúp khán giả suy nghĩ nhiều hơn về môi trường

- Tác phẩm của ông đã được trưng bày ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Phản ứng thực tế của khán giả khi nhìn thấy tác phẩm này, theo ghi nhận của ông, là như thế nào?

- Tôi nhận thấy, tác phẩm khiến cả người lớn và trẻ em đều bắt đầu nghĩ về hành vi tiêu dùng của riêng mình.

“Thật bất ngờ!”, nhiều trẻ em đã thốt lên, thấy thú vị khi chúng có thể xem lại nhiều món đồ chơi và tìm ra món quen thuộc với chúng. Việc này giống như trò chơi đánh đố: Hàng nghìn thứ được kết hợp lại với nhau, lũ trẻ nhìn vào tất cả, và sau một lúc, chúng ồ lên vì nhận ra nhân vật này, nhân vật kia…

Phản ứng của người lớn hơi khác một chút. Ban đầu, họ cảm thấy tác phẩm trông ngộ nghĩnh, đẹp. Nhưng khi nhìn kỹ, họ nhận ra, chúng là rác. Trong khoảnh khắc, họ cảm thấy mình đã bị lừa. Nhưng khi bắt đầu suy ngẫm kỹ hơn, họ lại tự hỏi, như tại sao lại có nhiều đồ chơi đến vậy, chúng đến từ đâu, ai đã tạo ra chúng, bối cảnh lịch sử đằng sau sự phân bố của chúng là gì… Câu hỏi cuối cùng thường là: Điều gì sẽ xảy ra với những món đồ ấy trong tương lai?

- Đó là những dấu hiệu lạc quan. Ông có suy nghĩ gì từ những phản hồi đó?

- Tôi cảm thấy thú vị khi nghĩ tới việc những đứa trẻ đang thích thú với tác phẩm của tôi, sau 10 hoặc 20 năm nữa, sẽ lớn lên và nhận thấy cần thay đổi các hành vi của mình liên quan đến đồ nhựa. Khi tôi còn là một đứa trẻ, vào những năm 1960, nhựa xuất hiện khắp mọi nơi, và tôi đã chơi đùa với chúng. Nhưng khi lớn lên, tôi và thế hệ của tôi, cả lớp người trẻ hơn, dần nhận thấy nhiều mặt trái của nhựa và các món đồ từ nhựa. Tôi nghĩ rằng, trẻ em trong tương lai có thể sẽ nhận ra điều đó sớm hơn chúng ta và bắt đầu cải thiện mọi thứ theo cách của chúng.

- Mường tượng của ông về cách mà khán giả Việt Nam tương tác với tác phẩm của ông?

- Với khán giả Việt Nam cũng vậy, tôi hy vọng tác phẩm của mình sẽ khuyến khích, gợi mở trong họ nhiều suy nghĩ về môi trường đương đại, bắt đầu từ một ký ức nào đó được khơi lại. Còn với trẻ em, tôi chỉ muốn chúng được vui vẻ.

Khi nhìn vào những món đồ chơi này, những thứ tưởng chừng không còn giá trị, câu chuyện không chỉ là làm thế nào để loại bỏ chúng, mà còn làm sao để biến chúng thành thứ có ý nghĩa hơn, tạo ra tác động lớn hơn cho xã hội và thế hệ tương lai. Ai cũng có thể bắt đầu việc này từ những hành động nhỏ nhất. Có thể sau 30 năm nữa, khi tôi không còn trên đời này, đồ chơi nhựa sẽ dần được thay thế bằng những vật liệu thân thiện hơn với môi trường. Song, nếu chúng vẫn hiện diện, thì đó sẽ là lời nhắc về một giai đoạn lịch sử mà tương lai khó lặp lại, đúng hơn là không nên lặp lại.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nghệ sĩ Fuji Hiroshi hiện là Giáo sư về Nghệ thuật liên ngành, Đại học Nghệ thuật Akita (Akita University of Art). Ông đồng thời là Giám đốc Trung tâm văn hóa sáng tạo của thành phố Akita (the Akita City Cultural Creation Center), Nhật Bản. Nhiều triển lãm cá nhân của ông với các điêu khắc sắp đặt từ đồ chơi nhựa được giới thiệu tại Nhật Bản, Thái Lan, Australia, bên cạnh các sự kiện lớn của nghệ thuật đương đại quốc tế, tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Mỹ…

Kỷ nguyên nhựa được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Hà Nội), từ ngày 15/3 đến 1/6.