Bước đầu thử nghiệm cho hành trình mới

Thí điểm mô hình tài sản mã hóa với nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng thị trường tài sản số an toàn, minh bạch, góp phần thu hút đầu tư và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Mô hình SSI Digital Ventures được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một thị trường tài sản mã hóa lành mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Đến nay, SSI Digital Ventures đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ blockchain tạo cơ hội kết nối toàn cầu cho các start-up Việt Nam.
Đến nay, SSI Digital Ventures đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ blockchain tạo cơ hội kết nối toàn cầu cho các start-up Việt Nam.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để định hình tương lai tài chính số của quốc gia. Sự thành công của mô hình thử nghiệm không chỉ đo bằng số vốn huy động, mà còn bằng khả năng Việt Nam nắm bắt xu thế, xây dựng thị trường minh bạch, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Tiềm năng lớn, yêu cầu bức thiết

Việt Nam hiện nằm trong tốp 5 quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất thế giới, cho thấy sức hấp dẫn của loại hình tài sản mới này đối với nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra thách thức như hệ thống pháp lý về tài sản mã hóa ở Việt Nam còn thiếu vắng, dẫn tới nhiều rủi ro tiềm ẩn trong quản lý.

Việc xây dựng khung pháp lý cho thị trường tài sản số không chỉ là nhu cầu cấp bách để bảo vệ nhà đầu tư, mà còn là nền tảng quan trọng nếu Việt Nam muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Song, chúng ta không thể kỳ vọng dòng vốn tự động đổ về chỉ bằng việc thành lập trung tâm, mà còn cần xây dựng một môi trường pháp lý vượt trội, tiệm cận chuẩn quốc tế.

Thực tế cho thấy, mỗi trung tâm tài chính lớn trên thế giới đều có chiến lược riêng để thu hút nguồn vốn. Như, Singapore tập trung giao dịch ngoại hối và quản lý tài sản nhờ chính sách mở cửa; Dubai hấp dẫn giới đầu tư cá nhân thông qua ưu đãi thuế... Việt Nam muốn cạnh tranh, cần tận dụng lợi thế về đổi mới công nghệ, đặc biệt là blockchain và tài sản số.

Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, từng nhấn mạnh: Nếu không khai thác sự vượt trội về công nghệ blockchain, fintech và tài chính bền vững, chúng ta sẽ khó bắt kịp xu hướng thế giới, khó tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút “đại bàng”.

Mô hình tiên phong từ SSIAM

Không đứng ngoài dòng chảy công nghệ toàn cầu, Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã tiên phong triển khai sáng kiến chiến lược SSI Digital Ventures, hướng đến nền tảng đầu tư tài sản số. Ra mắt ngày 21/1/2025, SSI Digital Ventures nhanh chóng định hình vai trò là lực lượng đầu tàu trong thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Mô hình này sử dụng công nghệ blockchain để giám sát giao dịch theo thời gian thực, công nghệ AI để phát hiện hành vi bất thường, góp phần xây dựng thị trường tài sản mã hóa minh bạch, an toàn. Với vốn đầu tư cam kết 200 triệu USD và kế hoạch đồng đầu tư tới 500 triệu USD, SSI Digital Ventures tạo lực đẩy mạnh mẽ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đến nay, mô hình đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đối tác quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực blockchain, mang về nguồn lực công nghệ, chuyên môn và mạng lưới kết nối toàn cầu cho các start-up Việt Nam.

Tăng tốc hạ tầng, mở đường đổi mới

Không chỉ dừng ở nền tảng đầu tư, đầu năm 2025, Công ty Công nghệ số SSI (SSID) đã khởi công Dự án Khu phức hợp Công nghệ số và Blockchain tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Dự án được kỳ vọng trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tiên phong trong khu vực, nơi các start-up, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp toàn cầu có thể thử nghiệm, hợp tác và phát triển.

Việc đầu tư mạnh vào hạ tầng cho thấy quyết tâm của SSIAM trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, đồng thời tạo môi trường để đổi mới sáng tạo bứt phá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm blockchain trong khu vực như Singapore, Thái Lan, yêu cầu đặt ra với SSI Digital Ventures là phải xây dựng quy trình thẩm định chặt chẽ, tạo khác biệt bằng chuyên môn đầu tư sâu và tính bản địa hóa mạnh mẽ.

Thử nghiệm một cách bài bản, có kiểm soát

Một điểm sáng trong mô hình thí điểm là việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa với cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả giao dịch sẽ tuân thủ quy trình xác minh danh tính (KYC), phòng chống rửa tiền (AML) theo chuẩn quốc tế, đồng thời ưu tiên giao dịch bằng đồng Việt Nam (VND) nhằm đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nội địa.

Việc phát triển các sàn nội địa được cấp phép sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát dòng vốn tốt hơn, hạn chế thất thoát ngoại tệ và nâng cao năng lực quản lý ngoại hối quốc gia.

Bên cạnh đó, đề xuất một cơ chế thuế hợp lý, đơn giản trong giai đoạn đầu xây dựng thị trường tài sản mã hóa cũng được coi là giải pháp thiết thực để khuyến khích sự phát triển. Khi thị trường trưởng thành, chính sách thuế sẽ được điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các mô hình thí điểm thành công đều kết hợp giữa tự do đổi mới và kiểm soát chặt chẽ. Việt Nam, với cách tiếp cận thận trọng, kiểm soát nhưng khuyến khích sáng tạo, đang đi đúng hướng trong lĩnh vực này.

Không chỉ mở ra kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp thông qua hình thức STO (Securities Token Offering), thị trường tài sản số còn hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Về phía nhà nước, việc hình thành thị trường tài sản mã hóa bài bản sẽ không chỉ tạo nguồn thu thuế mới mà còn giúp nâng cao vị thế công nghệ của Việt Nam trên bản đồ tài chính quốc tế.

Mô hình thử nghiệm SSI Digital Ventures cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động, sáng tạo và đi trước một bước trong lĩnh vực tài sản số. Bằng cách triển khai thận trọng nhưng quyết liệt, Việt Nam đang đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình trở thành trung tâm tài chính công nghệ số trong khu vực.

5 lợi ích từ thị trường tài sản mã hóa:

1/Tăng cường huy động vốn: Mở thêm kênh gọi vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, đặc biệt là start-up công nghệ.

2/Thu hút đầu tư quốc tế: Xây dựng môi trường đầu tư tiệm cận tiêu chuẩn toàn cầu, hút vốn ngoại.

3/Đổi mới sáng tạo mạnh mẽ: Nuôi dưỡng hệ sinh thái blockchain, fintech trong nước.

4/Gia tăng nguồn thu ngân sách: Đóng góp nguồn thu mới từ thuế giao dịch tài sản số.

5/ Khẳng định vị thế công nghệ: Đưa Việt Nam vào bản đồ tài chính số toàn cầu.