Mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ 21 sản phẩm thuốc bị làm giả, sản xuất tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang. Đáng chú ý, trong số này, có bốn loại được xác định là giả mạo các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chính thức, gồm: Tetracyclin, Clorocid (chloramphenicol), Pharcoter và Neo-Codion. Đặc biệt, hai loại Clorocid và Tetracyclin là kháng sinh phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là ở trẻ em và người lớn tuổi. Những sản phẩm còn lại không có tên trong danh mục các loại thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành, đồng nghĩa với việc đây là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), kháng sinh giả là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhiễm khuẩn ban đầu không được kiểm soát, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh, lan vào máu, phổi hoặc các cơ quan nội tạng, dẫn đến người bệnh có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Clorocid nếu không được dùng theo đúng chỉ định còn tiềm ẩn nguy cơ gây suy tủy xương. Thuốc Clorocid giả chứa nguy cơ nghiêm trọng hơn do không kiểm soát được thành phần, liều lượng hay nguồn gốc hóa chất.
Từ một góc nhìn khác, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga-Bộ Quốc phòng), chia sẻ, thuốc giả đang trở thành hiểm họa lớn đối với hệ thống y tế không chỉ Việt Nam mà toàn cầu. “Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe”, bác sĩ Hoàng nhận định.
Điều đáng lo ngại là nhiều loại thuốc giả có thể được trà trộn vào chuỗi cung ứng hợp pháp, thậm chí đã len lỏi vào một số nhà thuốc và cơ sở y tế. Vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về lỗ hổng trong quản lý và kiểm soát chất lượng thuốc trên thị trường hiện nay. Như PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã thẳng thắn cảnh báo: “Nguy cơ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm chức năng lọt vào hệ thống bệnh viện là hoàn toàn có thể nếu không siết chặt khâu kiểm soát. Sự an toàn của người bệnh không cho phép chúng ta lơ là”.
Đề xuất sửa đổi quy định xử phạt
Theo Cục Quản lý Dược, hằng năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh giám sát nghiêm ngặt chất lượng thuốc lưu hành. Mỗi năm có khoảng 38.000-40.000 mẫu thuốc được lấy kiểm tra xác suất, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị làm giả.
Dù việc đấu tranh phòng chống thuốc giả đã và đang được thực hiện, nhưng trên thực tế, vẫn có hàng nghìn loại thuốc giả được đưa ra thị trường mỗi năm. Theo các chuyên gia, việc vẫn còn tồn tại thuốc giả một phần do khung hình phạt chưa đủ sức răn đe. Các đường dây tiêu thụ thuốc giả vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trên không gian mạng. Điều này còn cho thấy, rào cản lớn không nằm ở khung luật pháp mà ở năng lực thực thi, khả năng phát hiện và phối hợp liên ngành.
Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), những vấn đề nhức nhối như thuốc giả, sữa giả vẫn tồn tại và có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng điều trị, an toàn của người bệnh. Việc những sản phẩm này có thể “lọt cửa” vào bệnh viện hay không, phụ thuộc phần lớn vào năng lực quản trị nội bộ. “Giám đốc bệnh viện là người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc kiểm soát kê đơn, bán thuốc, sử dụng vật tư, dịch vụ y tế trong bệnh viện”, ông Đức nhấn mạnh.
Để ngăn chặn thuốc giả, hiện Bộ Y tế đang rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất bổ sung quy định xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ hoặc bán thuốc trực tuyến (trên các trang web, sàn giao dịch điện tử, trang mạng xã hội) của các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực dược.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, Bộ Y tế đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định quy định việc kinh doanh thuốc trực tuyến; rà soát, xây dựng các cơ chế và phân công trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế trong việc kiểm soát thuốc sản xuất, lưu hành thuốc nói chung và việc quảng cáo, kinh doanh thuốc qua mạng internet.
Theo TS Hùng, việc kinh doanh thuốc trực tuyến, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thuốc giả, thuốc kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Do đó, cùng với hành lang pháp lý, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen tự mua thuốc, tự điều trị của người dân; khuyến khích người dân khám bệnh tại các cơ sở y tế có giấy phép và mua thuốc theo đơn tại nhà thuốc đạt chuẩn.
Một trong những giải pháp quan trọng cần được đẩy mạnh nữa là việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành dược, công khai thông tin đầy đủ về thuốc đã được cấp phép lưu hành, cơ sở sản xuất, phân phối, bán lẻ và nhãn thuốc để người dân dễ dàng tra cứu, đối chiếu. Bên cạnh việc xử phạt cơ sở kinh doanh dược vi phạm, Bộ Y tế đã chuyển các thông tin về thuốc giả đến các đơn vị thuộc Bộ Công an để truy tìm nguồn gốc.
Trong cuộc chiến thuốc giả này, các địa phương cần chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát tại các nhà thuốc, cơ sở bán buôn, bán lẻ và các đơn vị sử dụng thuốc trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc các loại thuốc đang lưu hành. Các Sở Y tế cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về thuốc giả, thuốc lậu và thuốc không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, dược sĩ và bác sĩ là “hàng rào” đầu tiên phát hiện thuốc giả.
Trước thực trạng thuốc, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt, được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, như Meta Platforms Inc., Công ty TNHH Shopee cùng một số nền tảng có hoạt động bán hàng trực tuyến, triển khai biện pháp kiểm soát và ngăn chặn triệt để các hành vi buôn bán thuốc vi phạm quy định pháp luật.