Niềm vui “Mái ấm công đoàn”

Nhờ vào sự lan tỏa rộng rãi của chương trình “Mái ấm công đoàn”, nhiều công nhân, người lao động có điều kiện cải thiện điều kiện sống, có được nhà ở từ sự chung tay, góp sức của nhiều cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động nghèo vui mừng đón nhận "Mái ấm công đoàn". Nguồn: Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương
Người lao động nghèo vui mừng đón nhận "Mái ấm công đoàn". Nguồn: Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương

Động lực cho người nghèo

Chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, quanh năm sống trong cảnh thuê trọ chật hẹp, tạm bợ, mới hiểu hết được ý nghĩa nhân văn của những “Mái ấm công đoàn” được xây dựng, sửa chữa trong suốt gần 20 năm qua. Từ miền quê An Giang, chị Khương Thị Liễu về làm công nhân may mặc tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đến nay đã được 5 năm. Hằng tháng, ngoài trả tiền thuê trọ, chị chắt chiu từng đồng tiền lương gửi về quê nuôi con nhỏ và chồng bị ốm không đủ sức đi làm. “Để tiết kiệm, mỗi năm tôi chỉ dám về quê hai lần. Nhưng ở quê cũng phải ở nhờ nhà bố mẹ. Cuối năm 2024, bố mẹ cho đất nhưng tôi nào dám mơ đến một ngôi nhà mới”, chị Liễu giãi bày. Qua chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn”, chị Liễu được công ty cùng các cơ quan chức năng, nhà hảo tâm hỗ trợ khoản tiền hơn 150 triệu đồng để xây một căn nhà cấp bốn 64m2 ở quê nhà, nhờ đó, chị an tâm làm việc.

Cũng nhờ các cấp công đoàn, nhà hảo tâm hỗ trợ, vợ chồng chị Nguyễn Thùy Trang và anh Trần Duy Khánh ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức (Long An) đã được nhân đôi niềm vui khi vừa đón con đầu lòng, vừa nhận ngôi nhà mới, khang trang, diện tích 108m2. “Vì có mức thu nhập thấp, vợ chồng tôi chỉ đủ chi dùng sinh hoạt hằng ngày và nuôi con nhỏ. Nếu không được hỗ trợ thì chẳng biết bao giờ ước mơ về căn nhà mới của vợ chồng tôi mới thành hiện thực”, anh Khánh chia sẻ.

Long An đang thúc đẩy phát triển công nghiệp, trở thành “đất lành” cho hàng trăm nghìn lao động khắp các vùng miền tìm đến lập nghiệp. Theo bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” không chỉ hỗ trợ cho lao động là người trong tỉnh, mà con mở rộng, hỗ trợ người lao động có hộ khẩu ngoài tỉnh nhưng làm việc tại Long An muốn an cư tại địa phương, hoặc xây dựng, sửa chữa nhà cửa ở quê hương người lao động. Hoạt động này với mục đích hỗ trợ tối đa cho người lao động có nhu cầu về nhà ở, mong muốn họ gắn bó lâu dài với địa phương.

Theo lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, Quỹ từ thiện tấm lòng vàng của tỉnh đã hỗ trợ gần một nghìn mái ấm công đoàn, giúp cho công đoàn viên nghèo, khó khăn được an cư lạc nghiệp. Năm 2024, công đoàn đã chi hỗ trợ xây dựng 69 căn nhà và thăm hỏi 92 trường hợp công đoàn viên, công nhân lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động. Qua đó, đã góp phần giúp đỡ cho nhiều đoàn viên, công nhân lao động vượt qua khó khăn. Theo kế hoạch năm 2025, quỹ sẽ vận động đóng góp số tiền hơn bốn tỷ đồng, xây dựng 60 căn nhà cho công đoàn viên, công nhân lao động gặp khó khăn về nhà ở.

Là một trong những “thủ phủ” công nghiệp của cả nước, những năm qua, Bình Dương cũng chú trọng công tác hỗ trợ công nhân, người lao động. Anh Phạm Quốc Toàn, công nhân Công ty TNHH Fotai Việt Nam, đóng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tâm sự: “Từ khi vợ mất vì ung thư, một mình tôi nuôi hai con nhỏ. Mới đây, một cháu mắc bệnh ung thư máu. Cuộc sống của tôi trải qua nhiều bước khó khăn. Tôi may mắn nhận được khoản tiền hỗ trợ để sửa chữa được ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, ổn định cuộc sống”.

Hiện thực giấc mơ an cư cho người lao động

Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ năm 2006 đã và đang trở thành một hoạt động xã hội nhân văn, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, có sức lan tỏa sâu rộng ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều đáng nói, tại các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Trị, Kon Tum, Cà Mau… công tác hỗ trợ nhà ở cho đoàn viên cũng được thực hiện rất hiệu quả.

Để những ngôi nhà nghĩa tình được trao đúng đối tượng, các cấp công đoàn cần tích cực rà soát, tổng hợp danh sách đoàn viên, công nhân viên chức lao động khó khăn về nhà ở, đề xuất cấp có thẩm quyền lựa chọn và hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trong khi người thu nhập thấp ở đô thị, người nghèo ở nông thôn còn gặp khó khăn về nhà ở, Chương trình thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” được đông đảo đoàn viên, cán bô, viên chức, người lao động, đơn vị, nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng. “Chương trình cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên. Cùng với đó, làm tốt công tác xã hội hóa, tạo thêm sự lan tỏa rộng rãi của chương trình”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Mỗi căn nhà được trao tặng, không chỉ mang lại sự an tâm, ổn định cho các gia đình mà còn tiếp thêm động lực để họ yên tâm lao động, gắn bó với công việc. Song, để có nguồn kinh phí dồi dào, theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Chương trình mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, đóng góp tích cực của tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài chăm lo về nhà ở, thời gian tới, chúng tôi còn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhất là vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của đoàn viên, người lao động…; triển khai các giải pháp “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, giai đoạn 2024-2028” theo Chương trình của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam." - Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương.