Điều chỉnh hành lang phát triển của giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong giai đoạn tham vấn chính sách để sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Theo đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến điểm mới: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm chất lượng, chứ không phụ thuộc nhiều vào kiểm định chất lượng từ bên ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học là hoạt động để bảo đảm sự nhất quán trong chất lượng và sự minh bạch đối với toàn xã hội. (Ảnh Thu Quỳnh)
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học là hoạt động để bảo đảm sự nhất quán trong chất lượng và sự minh bạch đối với toàn xã hội. (Ảnh Thu Quỳnh)

Thay đổi từ tư duy

Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 và được sửa đổi năm 2018 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế, và đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế triển khai thi hành Luật Giáo dục đại học cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Có sáu nhóm chính sách chủ đạo trong Dự thảo sửa đổi Luật Đại học lần này: Hiện đại hóa hệ thống quản trị, chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh chuyển đổi số và thay đổi cách tiếp cận quản trị chất lượng. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Đây là dịp để điều chỉnh căn bản, toàn diện nhằm tháo gỡ những vướng mắc và điểm nghẽn trong triển khai thực tiễn”. Đặc biệt, sẽ áp dụng nhiều tư duy đổi mới: quản lý nhà nước; quản trị đại học; chất lượng đào tạo; tự chủ đại học; đăng ký và tổ chức đào tạo; khoa học công nghệ ưu tiên; đầu tư; bình đẳng tiếp cận giáo dục để sửa đổi luật.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc sửa đổi Luật lần này sẽ hướng đến việc đổi mới công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học theo cách tiếp cận quản trị rủi ro, và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm chất lượng.

Thứ nhất, cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn bảng xếp hạng phù hợp, chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu cung cấp cho tổ chức xếp hạng. Thứ hai, quy định rõ thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, thẩm định kết quả, yêu cầu tổ chức kiểm định hủy bỏ, hoặc thay đổi kết quả kiểm định nếu có gian lận, tiêu cực hoặc khi kết quả thẩm định khác biệt nhiều so với kết quả kiểm định, xếp hạng đã công bố. Thứ ba, hoàn thiện cơ sở dữ liệu giáo dục đại học để tăng cường hiệu quả giám sát các chỉ số điều kiện và kết quả hoạt động theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học; giám sát các kết quả đánh giá và kiểm định do tổ chức kiểm định báo cáo. Theo đó, kiểm định chất lượng chỉ yêu cầu bắt buộc với các lĩnh vực, nhóm ngành đặc thù (sức khỏe, sư phạm, pháp luật) và chương trình đầu tiên thuộc một lĩnh vực đào tạo.

Nói về vai trò của kiểm định giáo dục đại học trong tình hình mới, GS, TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục (Văn phòng Chính phủ) cho biết: “Một trong những lợi ích chính của kiểm định là sự bảo đảm mà nhà trường cung cấp cho sinh viên và gia đình của các em. Khi một cơ sở giáo dục được công nhận, điều đó có nghĩa là các chương trình giáo dục được cung cấp là đáng tin cậy và được thừa nhận trong cộng đồng học thuật. Sự công nhận này rất quan trọng đối với những sinh viên muốn chuyển đổi tín chỉ, theo đuổi giáo dục ở bậc cao hơn hoặc tham gia lực lượng lao động sau khi tốt nghiệp.

Trong bối cảnh các trường đại học được giao ngày càng nhiều quyền tự chủ, kiểm định và công nhận còn được coi là công cụ để nhà trường thực hiện nghĩa vụ giải trình trước xã hội và các cấp quản lý. Kiểm định bởi những tổ chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm, năng lực và liêm chính cũng là công cụ để xã hội giám sát việc các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ được giao”.

Liên quan đến đề xuất nội dung: “Kiểm định chất lượng chỉ yêu cầu bắt buộc với các lĩnh vực, nhóm ngành đặc thù (sức khỏe, sư phạm, pháp luật) và chương trình đầu tiên thuộc một lĩnh vực đào tạo”, ông Nguyễn Thế Thành, cán bộ hưu trí trú tại phường Phú Thượng (Hà Nội) phân tích: “Mọi chương trình đào tạo đều tạo ra tác động xã hội rộng lớn, không chỉ riêng các ngành đặc thù, không có ngành đào tạo nào là “ít quan trọng”. Thí dụ: Chất lượng đào tạo ngành xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, cơ sở hạ tầng quốc gia. Ngành kinh tế, tài chính có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc lạm phát nếu sinh viên thiếu năng lực, tư duy sai lệch. Ngành công nghệ thông tin nếu không được kiểm định chặt chẽ có thể tạo ra đội ngũ lập trình viên kém chất lượng, gây ra rủi ro an ninh mạng, thất bại trong chuyển đổi số quốc gia”.

Bà Nguyễn Hoàng Hạnh, cán bộ Trường đại học tư thục Phương Đông bày tỏ quan điểm: “Kiểm định là một hình thức cam kết trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục, bảo đảm họ không tự ý mở ngành hoặc đào tạo theo hướng tùy tiện”.

Việc cho rằng chỉ ngành đặc thù mới cần kiểm định là hiểu sai về bản chất của kiểm định. Kiểm định không chỉ để “ngăn chặn rủi ro cao” mà là để bảo đảm sự nhất quán trong chất lượng và sự minh bạch đối với toàn xã hội. Mọi chương trình đào tạo đại học đều là sản phẩm công ích ảnh hưởng đến con người, xã hội và sự phát triển quốc gia. Việc kiểm định toàn diện không những cần thiết mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ người học và bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục chất lượng.

Điều chỉnh hành lang phát triển của giáo dục đại học ảnh 1

Sinh viên Khoa Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) trong một tiết học thực tế. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hoạt động kiểm định nằm trong hệ thống chung về quản lý chất lượng. Luật Giáo dục đại học năm 2018 đã quy định rất rõ việc xã hội hóa công tác giám sát chất lượng thông qua cơ chế kiểm định. Điều đó tạo ra sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận, tư duy về bảo đảm chất lượng. Đặc biệt khi các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ thì vấn đề này đòi hỏi gắn kết chặt chẽ với kiểm định. Tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, và một trong những biện pháp thực hiện giải trình đó là kiểm định, giải trình với xã hội. “Vì kiểm định là hoạt động mới, đôi khi chúng ta đặt kỳ vọng vào nó quá lớn. Thậm chí, đẩy vai trò kiểm định của các tổ chức độc lập thay thế một số công cụ quản lý nhà nước dẫn đến làm lệch lạc vai trò, ý nghĩa của kiểm định”, ông Sơn đánh giá.

Luật Giáo dục đại học 2018 yêu cầu bắt buộc kiểm định với các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, số chương trình đào tạo hiện quá lớn. Riêng đại học cũng đã có hơn 4.000 ngành, tương ứng với nó là cấp số lớn hơn nữa về chương trình đào tạo, chưa kể đào tạo sau đại học. Trung bình, một trường đại học vừa và nhỏ cũng có đến 30-40 chương trình đào tạo. Thực tế, sau 6-7 năm triển khai luật, tính từ năm 2018, số lượng và chương trình kiểm định cũng mới chỉ được hơn một nửa số chương trình của đại học. “Như vậy, quy định yêu cầu bắt buộc kiểm định với các chương trình đào tạo là không khả thi”, ông Sơn nhận xét.

Về vấn đề này, GS, TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) có ý kiến: “Với yêu cầu hiện nay, chuyện bắt buộc kiểm định chương trình đào tạo cũng như cơ sở giáo dục đại học, và việc thời hạn của các Giấy chứng nhận kiểm định chỉ là 5 năm dẫn đến hệ quả: Các trường tốn rất nhiều thời gian và công sức cho công tác kiểm định”.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học 2018, chúng ta đặt nặng khâu kiểm định, trong khi lại không chú trọng việc xây dựng chính hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các trường đại học. “Thực hiện tự chủ, nghĩa là để chính các cơ sở giáo dục đại học tăng cường năng lực bảo đảm chất lượng nội bộ, chứ không phải phụ thuộc kiểm định bên ngoài. Đấy mới là điều quan trọng!”.

Lần sửa đổi Luật này, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn tạo ra hành lang pháp lý, một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở giáo dục đại học. “Các trường cạnh tranh với nhau bằng chất lượng và hiệu quả. Trường nào cung cấp chất lượng tốt thì người học lựa chọn, xã hội đánh giá cao, đầu ra được thị trường lao động đón nhận. Còn khâu kiểm định chỉ là để giúp các cơ sở giáo dục đại học nhìn nhận một cách khách quan những ưu điểm để phát huy, những vướng mắc, điểm yếu cần khắc phục, nhằm mục tiêu cuối cùng là cải tiến chất lượng”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng khẳng định: Kiểm định cơ sở giáo dục đại học vẫn phải thực hiện 100%, bắt buộc hoàn toàn. Nhưng với chương trình đào tạo, sẽ không bắt buộc tất cả, mà có phân cấp. Thí dụ, những ngành nghề đặc thù như đào tạo giáo viên, y dược, pháp luật... cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, bởi chúng tác động trực tiếp đến con người. Với những lĩnh vực khác, sẽ cho lựa chọn phù hợp, có thể là chương trình mới mở trong một nhóm ngành nào đó. “Việc sửa đổi luật sẽ tiếp cận theo hướng quản lý nhà nước xử lý rủi ro, còn kiểm định tập trung vào mục tiêu cải tiến chất lượng”, ông Sơn cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những công cụ quản lý nhà nước khác, như tăng cường quản lý chất lượng bằng dữ liệu. Hiện, Bộ đã xây dựng chuẩn cơ sở giáo dục đại học và chuẩn chương trình đào tạo. Những chuẩn đó sẽ được định lượng và đưa vào cơ sở dữ liệu chung.