Bước đi đột phá
Điểm đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu; khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần…
Anh Vũ Văn Hùng, làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (thuộc xã Thiên Lộc, thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, Luật chỉ quy định hỗ trợ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người xin nghỉ ốm cả ngày. Nay, Luật có cả quy định về hưởng chế độ đối với người nghỉ ốm, đau không trọn ngày. Điều này thể hiện sự thấu hiểu, lắng nghe đối với công nhân, lao động. Chúng tôi rất phấn khởi”.
Chung niềm vui ấy, anh Lê Văn Hiếu (phường Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) bày tỏ: “Luật mới đã quy định người lao động nghỉ việc vì ốm từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, sẽ được quỹ bảo hiểm xã hội tiếp tục đóng bảo hiểm y tế. Đây là một điều chỉnh có ý nghĩa rất thiết thực đối với người lao động như chúng tôi”.
Theo Luật sư Trần Sỹ Tiến, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã làm rõ các quy định về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội (tại Điều 38), trốn đóng bảo hiểm xã hội (tại Điều 39). Bên cạnh đó, theo Luật này, trình tự tố tụng trong các vụ việc liên quan chậm nộp hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được điều chỉnh. Các Điều 40, 41 cũng đã quy định rõ mức xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho rằng, những điểm nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước trong xây dựng hệ thống an sinh xã hội, hướng tới ngày càng hoàn thiện, rộng khắp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, người dân và doanh nghiệp.
Bệ đỡ an sinh bền vững
Để triển khai thực thi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu quả cao nhất, ngày 25/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cùng với đó, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 12/2025/TT-BNV ngày 30/6/2025, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Thông tư số 11/2025/TT-BNV ngày 30/6/2025, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần chủ động tham mưu với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan trong xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giải đáp, tư vấn chính sách, kiện toàn các văn bản thuộc lĩnh vực phụ trách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng chính sách vào thực tế.
Có một điểm đáng lưu ý, cùng quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, không tổ chức bảo hiểm xã hội cấp huyện, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 10/2025/TT-BNV ngày 19/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định Sở Nội vụ và Phòng Văn hóa-xã hội thuộc ủy ban nhân dân cấp xã sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung liên quan chính sách bảo hiểm xã hội. Cụ thể, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật, theo phân công hoặc ủy quyền của cấp tỉnh.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cơ quan chuyên trách của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần mau chóng đưa bộ luật mới vào đời sống. Theo đó, cần triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, cũng như chuyển đổi phần mềm nghiệp vụ để tương thích với mô hình chính quyền mới, bảo đảm cán bộ, viên chức bảo hiểm xã hội các cấp nắm vững, chủ động xử lý tình huống phát sinh. Cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống cũng phải được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
“Phòng Văn hóa-Xã hội cấp xã, phường đã được giao thực hiện chính sách bảo hiểm ở cơ sở. Họ phải tiếp tục chuyển đổi số, kết nối dữ liệu, bảo đảm hoạt động thông suốt, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. Đó là cách để bảo hiểm xã hội trở thành bệ đỡ an sinh bền vững”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác, công nhân, người lao động, người thụ hưởng chính sách cần nắm rõ quy định về tổng mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: 3% tiền lương làm căn cứ đóng vào Quỹ ốm đau và thai sản, và 22% tiền lương làm căn cứ đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Còn tổ chức, người sử dụng lao động phải tham gia thêm một số quỹ bảo hiểm khác. Tổng cộng, người sử dụng lao động đóng 21,5% tiền lương cho mỗi người lao động, còn người lao động đóng 10,5%”. Việc nắm vững cơ chế đóng - hưởng, tra cứu và kiểm tra thông tin về tình trạng đóng, là cách tốt nhất để người lao động tự bảo vệ quyền lợi, tránh bị doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng hoặc khai báo sai mức đóng.