Trong cuộc trả lời phỏng vấn Nhân Dân cuối tuần, PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo: Đừng để mùa hè của trẻ bị đánh cược bằng sự chủ quan của người lớn!
- Cứ mỗi khi hè về, chúng ta lại được nghe nhiều câu chuyện trái chiều về các trại hè dành cho trẻ, vì sao vậy, thưa ông?
- Đáng tiếc là hiện chúng ta chưa có một văn bản quy phạm pháp luật riêng, đầy đủ, thống nhất nào chỉ chuyên về trại hè hay chương trình ngoại khóa ngoài nhà trường. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn phải tuân thủ một số quy định, quy chuẩn pháp luật có liên quan, chủ yếu nằm rải rác trong các lĩnh vực như giáo dục, lao động, trẻ em, an toàn, y tế và văn hóa.
Trong đó, gần nhất có lẽ là Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Trong đó, có quy định, các đơn vị độc lập ngoại trường tổ chức hoạt động trại hè như hoạt động kỹ năng sống (học kỳ quân đội, trải nghiệm nông trại,...), phải bảo đảm các tiêu chí: Có phê duyệt của cơ quan quản lý giáo dục; có giáo trình, tài liệu rõ ràng, phù hợp lứa tuổi; bảo đảm cơ sở vật chất, y tế, ăn uống, phòng cháy, chữa cháy; đội ngũ giảng viên, hướng dẫn viên có chuyên môn và kỹ năng sư phạm; phải bảo đảm an toàn, có kế hoạch tổ chức chi tiết và báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo...
Đặt trong bối cảnh các quy định còn chung chung, nhiều trại hè vẫn đang vận hành như một loại hình dịch vụ thương mại thuần túy và ít chịu kiểm soát bởi các văn bản pháp luật, dẫn đến thiếu đạt chuẩn về nhiều yếu tố. Điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với chất lượng, độ an toàn của những trại hè.
- Điều này đồng nghĩa đang tồn tại lỗ hổng khá lớn trong việc đánh giá, kiểm định chất lượng một loại hình dịch vụ mang tính giáo dục?
Các trung tâm tổ chức trại hè có thể hoạt động dưới nhiều hình thức, từ công ty du lịch, tổ chức cộng đồng, đoàn thể… và mỗi đơn vị lại do một cơ quan khác nhau quản lý. Điều này dẫn tới sự phân mảnh, thiếu nhất quán trong khâu giám sát, quản lý. Đáng quan ngại là gần như không có hậu kiểm. Điều tôi lo ngại hơn cả là phụ huynh thường bị mê hoặc bởi quảng cáo hấp dẫn, tin vào “giáo trình quốc tế” hay “trải nghiệm đột phá” mà không có kênh xác thực uy tín. Trong khi đó, trẻ em thì không có quyền chọn lựa hay phản kháng. Các em dễ bị rơi vào những mô hình trại hè mà người lớn nghĩ là tốt, nhưng thực ra lại gây tổn thương với chính các em.
Có những trường hợp trẻ gặp tai nạn lại không được sơ cứu, bị tổn thương tâm lý khi bị tách khỏi gia đình trong môi trường kỷ luật khắc nghiệt, thậm chí có trường hợp bị xâm hại hoặc bị bỏ mặc, do thiếu phân loại độ tuổi và kiểm soát lý lịch người phụ trách.
- Vậy ông có thể đề xuất một số giải pháp quản lý “thị trường cứ đến hè lại nóng”?
- Tôi đề xuất một số kiến nghị như sau: Phải thống nhất xây dựng bộ tiêu chuẩn toàn quốc về các hoạt động giáo dục trải nghiệm/trại hè, phân nhóm theo nội dung và độ tuổi. Thiết lập cổng thông tin Hoạt động giáo dục kỹ năng sống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bên liên quan... xây dựng nhằm thống nhất quản lý.
Áp dụng hệ thống cấp phép và kiểm định định kỳ, cùng với cơ chế xử phạt cho các trung tâm nếu không đạt chuẩn về chất lượng. Yêu cầu các đơn vị đăng ký và công khai thông tin những chương trình giáo dục/trại hè đã được cấp phép, với các tiêu chí được xếp hạng để phụ huynh dễ dàng lựa chọn, kèm hệ thống đánh giá của phụ huynh sau mỗi kỳ trại để cung cấp phản hồi giám sát ngược từ xã hội.
Bắt buộc đào tạo năng lực tổ chức hoạt động giáo dục, bảo đảm chất lượng hoạt động giáo dục, kỹ năng sơ cứu, năng lực an toàn cho đội ngũ tổ chức.
Khuyến khích doanh nghiệp xã hội, trường học, tổ chức cộng đồng tham gia tổ chức trại hè miễn phí hoặc hỗ trợ học phí cho trẻ em nghèo. Phân loại rõ các mô hình trại hè: kỹ năng sống, thể thao, STEAM, học kỳ quân đội... và thiết lập tiêu chí riêng cho từng loại. Áp dụng cấp phép định kỳ, công bố minh bạch thông tin: từ nội dung, đội ngũ, tỷ lệ người hướng dẫn/trẻ, điều kiện cơ sở vật chất. Tạo một hệ thống xếp hạng uy tín, có đánh giá thực tế từ phụ huynh, giống như đặt chỗ ở khách sạn vậy.
Nhưng chỉ luật hóa thôi chưa đủ. Quan trọng là thực thi, giám sát và có cơ chế phản hồi minh bạch từ cộng đồng.
- Ở góc độ giáo dục, ông đánh giá thế nào về một trại hè chất lượng đúng nghĩa? Từ đó, đưa ra một vài đề xuất dành cho các đơn vị tổ chức có thể tham khảo?
- Một trại hè tốt cần có mục tiêu giáo dục rõ ràng, không phải chỉ vui chơi hay giữ trẻ. Nó phải giúp trẻ học được điều gì đó về chính mình, về kỹ năng sống, tư duy phản biện, làm việc nhóm.
Tôi nhấn mạnh năm yếu tố cốt lõi: An toàn là trên hết: từ cơ sở vật chất đến nhân sự có kỹ năng ứng phó sự cố. Chương trình được thiết kế theo độ tuổi, có lộ trình rõ ràng, không dồn ép hay nhồi nhét. Đội ngũ có chuyên môn giáo dục và tâm lý trẻ, không phải sinh viên làm thêm. Dinh dưỡng và sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, có giám sát y tế. Có kênh phản hồi phụ huynh: báo cáo minh bạch, nhật ký trại, khảo sát cuối kỳ.
- Ông có điều gì muốn nhắn nhủ đến với những bậc phụ huynh khi lựa chọn các mô hình hoạt động cho con trẻ?
- Phụ huynh chính là “bộ lọc đầu tiên” trước khi gửi con đi bất kỳ đâu, nên không thể chỉ dựa vào cảm xúc hay sự quen biết với người đại diện trại hè.
Hãy nhớ: Tìm hiểu kỹ về yếu tố pháp lý, năng lực tổ chức, cũng như cân nhắc mức độ phù hợp với độ tuổi và tâm lý con. Xem xét kỹ quy trình xử lý sự cố, hợp đồng, bảo hiểm. Nếu đơn vị né tránh trả lời, hãy đặt dấu hỏi; tìm kênh phản hồi ngoài luồng, như ý kiến của các phụ huynh khác hay các diễn đàn trung lập. Và đừng bao giờ để kỳ vọng cá nhân thành áp lực cho con trẻ.
- Xin cảm ơn ông!
