Bất cập cung-cầu
Sau gần mười năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Lê Văn Bảo ở Đô Lương (Nghệ An) về nước, muốn tiếp tục đi làm đúng ngành nghề đã có kinh nghiệm ở nước ngoài nên đã ra Bắc Ninh xin việc. Với mức lương đơn vị tuyển dụng đưa ra là 15 triệu đồng/tháng, anh Bảo đang cân nhắc giữa về quê và ở lại. “Chi phí sinh hoạt tăng cao, lại phải thuê nhà, tôi sẽ chẳng còn lại bao nhiêu để gửi về hỗ trợ gia đình”, anh Bảo bày tỏ. Còn anh Nguyễn Đức Huy (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), sau tám tháng tìm việc đã chấp nhận mức lương khiêm tốn. “Người lao động về nước thì muốn tìm kiếm việc phù hợp, lương cao, còn doanh nghiệp lại tuyển người vào các vị trí tuyển dụng khẩn cấp để bù đắp thiếu hụt lao động, có khi không cần trình độ, nên đôi bên khó “gặp” được nhau”, anh Huy tâm sự.
Đánh giá cao nguồn lao động hồi hương, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ), cho biết: Mỗi năm có khoảng 7.000 người từ Nhật Bản và Hàn Quốc về nước. Trong đó, nhiều người khởi nghiệp thành công hoặc tìm được việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Song cũng không ít người chưa tìm được việc do khó đạt được thỏa thuận về mức lương hoặc kỹ năng công việc.
Ở góc độ là những người kết nối việc làm, bà Đỗ Thùy Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối nhân lực Worklink chia sẻ: Một bộ phận lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về có nhiều lợi thế rõ rệt, như khả năng ngoại ngữ, sự am hiểu văn hóa và cách thức làm việc với người nước ngoài. Đây là những yếu tố rất quan trọng giúp họ nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bà Linh cũng như nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, dù có lợi thế, nhưng một bộ phận lao động hồi hương lại thiếu bằng cấp, chứng chỉ được công nhận. Không ít trường hợp trước khi xuất khẩu lao động chỉ có trình độ phổ thông, với mong muốn đi để đổi đời, chưa có ý thức tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Do đó, chất lượng của những lao động này khi về Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Xây dựng các giải pháp hiệu quả
Điều 60, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2020, quy định: các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạo việc làm và khởi nghiệp; kết nối Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với Cơ sở dữ liệu thị trường lao động để người sử dụng lao động, người lao động tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin và tìm kiếm việc làm phù hợp; Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động để người lao động lựa chọn việc làm phù hợp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ…
Nhiều chuyên gia cho rằng, hàng nghìn lao động hồi hương có hai nguồn vốn quan trọng, là kỹ năng, kinh nghiệm, tác phong và khoản tiền tích lũy. Nếu được tư vấn, định hướng tốt, số vốn tài chính này sẽ sinh sôi, nảy nở.
Những năm qua, Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức gần 90 phiên giao dịch việc làm, thu hút sự tham gia tuyển dụng của gần 2.000 doanh nghiệp; kết nối, tư vấn cho hơn 17 nghìn lượt người lao động. Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Bá Hoan đề nghị Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với cơ quan chức năng các địa phương, đại sứ quán và tổ chức liên quan, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm cho những người lao động đã kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài về nước, giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Hiện ở các địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bởi thế, người lao động hồi hương có thể tìm đến những địa chỉ này để học thêm về kỹ năng quản lý, lập kế hoạch kinh doanh, chuyển đổi nghề nghiệp... từ đó tạo ra những cơ hội khác trong tìm kiếm việc làm, khởi nghiệp. Tuy nhiên, để người lao động hồi hương không phải vất vả “tự bơi”, cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hồi hương. Hệ thống này sẽ cập nhật thông tin về tay nghề, kinh nghiệm làm việc, trình độ ngoại ngữ và mong muốn nghề nghiệp của người lao động hồi hương, đồng thời kết nối vào hệ thống dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm. Từ đó sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn nhân lực có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài về nước, thông qua các phiên giao dịch việc làm.
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, rất nhiều người lao động trở về từ các nhà xưởng, công ty phụ trợ của Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ có kỹ thuật, sử dụng tốt máy móc và cách tổ chức sản xuất. Nếu được tạo điều kiện, lực lượng này sẽ phát huy năng lực của mình cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.