Tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ hai định hướng lớn về y tế: "phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm" và "tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân". Chủ trương này đang nhận được sự quan tâm của hàng triệu người dân.
Thực hiện miễn viện phí toàn dân theo lộ trình, ưu tiên từng nhóm đối tượng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn ước tính, mức kinh phí khám sức khỏe toàn dân là khoảng 250.000 đồng/lần. Nếu triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 84 triệu người dân chưa được hưởng chính sách này, chi phí rơi vào khoảng 21.000-25.200 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Văn Thuấn, hiện nay việc khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa nằm trong phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế. Số người được khám sức khỏe định kỳ chủ yếu phổ biến trong nhóm 17 triệu người lao động được cơ quan, doanh nghiệp tổ chức khám theo quy định pháp luật.
Phần lớn người dân còn lại, đặc biệt là người lao động tự do, người về hưu, người sống ở nông thôn... phải tự chi trả. Những người này cũng không có thói quen chủ động đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đi khám khi có triệu chứng bệnh.
Do đó, để triển khai được khám sức khỏe định kỳ miễn phí một năm/lần, cần có sự đầu tư của Nhà nước và sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế, đưa khám sức khỏe định kỳ vào danh mục quyền lợi cơ bản. Các gói khám cần được thiết kế phù hợp từng nhóm tuổi, nhóm nguy cơ, khu vực địa lý...
Theo Thứ trưởng, khi đạt được mục tiêu khám sức khỏe định kỳ, người dân có quyền kỳ vọng tiếp vào khả năng miễn viện phí.
Để đạt được miễn viện phí toàn dân, ngân sách ước tính cần thêm khoảng 100.000 tỷ đồng/năm, bao gồm cả hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho toàn dân, và bù đắp phần chi tiền túi trực tiếp cho các dịch vụ y tế nằm ngoài phạm vi bảo hiểm y tế hiện tại.
Chia sẻ quan điểm về chủ trương triển khai miễn viện phí toàn dân, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người dân thông qua bảo hiểm y tế; nghiên cứu nâng mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm yếu thế, người nghèo, người cận nghèo, người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ, và nhóm trẻ em dưới 6 tuổi...
Theo Giáo sư Trí, chủ trương này có thể thực hiện ngay từ năm 2026 với nhóm đối tượng ưu tiên. Nhóm đầu tiên cần tập trung hỗ trợ là các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, khó chữa, bệnh phải điều trị dài hạn,... ở tại các bệnh viện nội, ngoại trú. Tiếp đó, bao gồm các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong cuộc sống; các gia đình có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ,...
"Với các nhóm ưu tiên này, có thể nghiên cứu thực hiện ngay từ năm 2026, hoặc năm 2027 chứ không cần chờ đến năm 2030", Giáo sư Nguyễn Anh Trí nói.
Sau đó, lộ trình miễn viện phí toàn dân sẽ mở rộng đến tất cả các nhóm còn lại như học sinh, cán bộ nhân viên, người lao động, những người đang có sức khỏe, làm việc bình thường,... Các nhóm này cần bắt đầu thực hiện từ 2028 đến 2030.

Miễn viện phí toàn dân là một bước đi nhân văn
Cần nâng cao y tế cơ sở
Theo định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm, chính sách miễn viện phí cho toàn dân hướng tới mục tiêu hoàn thành vào năm 2035, bắt đầu từ các cơ sở y tế cơ bản và dần mở rộng lên các cơ sở y tế chuyên sâu.
Giáo sư Trí kiến nghị, để đáp ứng nhiệm vụ này, ngành y tế cần tổ chức tốt hệ thống khám, chữa bệnh trên toàn quốc, đặc biệt là y tế cơ sở. Các cơ sở y tế không để thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, trang thiết bị và sinh phẩm để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
"Một giải pháp quan trọng để tạo nên các quyết sách thiết thực là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tăng cường giám sát việc thực thi chính sách; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp", Giáo sư Nguyễn Anh Trí nói.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, Nhà nước cần có chiến lược đầu tư bài bản để nâng cao năng lực y tế cơ sở về cả nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất... Do đó, để thực hiện những việc này, có thể cần tới một Chương trình mục tiêu quốc gia về củng cố y tế cơ sở.
Chia sẻ kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Hệ thống Y tế Hùng Vương cho hay, Nhật Bản là nước có chính sách an sinh xã hội tốt, với bảo hiểm y tế chi trả đa phần chi phí khám chữa bệnh. Thái Lan có hệ thống “bệnh viện Nhà Vua” (bao cấp 100%), nhưng mức độ chăm sóc y tế hạn chế. Người có thu nhập tốt hơn sẽ chọn điều trị tại bệnh viện tư.
Do đó, ông Phạm Văn Học cho rằng, Việt Nam cần học hỏi những kinh nghiệm này để triển khai có lộ trình hiệu quả tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cần phải tính đến việc rủi ro lạm dụng khi khám bệnh không mất tiền, sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống y tế công hiện đang trong quá trình xã hội hóa, tự chủ để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất nên khi triển khai miễn viện phí, có thể xảy ra tình trạng các cơ sở y tế trông chờ vào ngân sách.