Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên cho biết: “Những năm qua, cây hồ tiêu đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đặc biệt ở các địa phương vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Việc trồng hồ tiêu tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, xu thế các thị trường tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu có chứng nhận, hồ tiêu hữu cơ ngày càng tăng, vì vậy những sản phẩm này được các doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường từ 3 đến 35%, giúp người nông dân gia tăng thu nhập đáng kể”.
Hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững vị trí là nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 trên thế giới trong hơn 20 năm, chiếm 60% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Năm 2024, nước ta xuất khẩu đạt 230 nghìn tấn hồ tiêu với kim ngạch đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, những năm qua, việc sản xuất hồ tiêu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dẫn đến diện tích trồng ngày càng giảm. Trong khi năm 2019, diện tích trồng hồ tiêu đạt 152.000 ha, thì đến năm 2024 giảm xuống còn 110.000 ha. Mặt khác, sâu bệnh gây hại diễn ra nhiều, nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chị Cao Thị Hà, ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: “Gia đình tôi đang trồng 50.000 m2 cây hồ tiêu. Năm nay, bệnh chết nhanh, chết chậm của cây hồ tiêu đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch trong vụ tới. Những năm trước, gia đình tôi thu được khoảng hai tấn nhưng năm nay giảm xuống còn gần một tấn cho nên ảnh hưởng đến thu nhập”.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng hồ tiêu là một vấn đề cần quan tâm, nhất là khi hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường quốc tế yêu cầu rất khắt khe về chất lượng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cũng như các hóa chất bảo vệ cây trồng có thể làm ảnh hưởng chất lượng hồ tiêu.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên: “Các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, do đó nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn này, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần và giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, những bất ổn về địa chính trị, như chiến tranh thương mại, xung đột… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất khẩu hồ tiêu của nước ta. Thí dụ như năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu sang châu Âu và Mỹ đều giảm do khủng hoảng kinh tế tại các thị trường này dẫn đến việc nhập khẩu các loại hàng hóa không thật sự cần thiết như hồ tiêu bị sụt giảm. Đến năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường này sụt giảm. Thêm vào đó, những bất ổn này cũng làm tăng rất nhiều chi phí vận chuyển và bảo hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận xuất khẩu hồ tiêu và gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Để phát triển cây hồ tiêu bền vững, cần áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; sử dụng các phương pháp canh tác bền vững như: Trồng xen, canh tác hữu cơ, sử dụng giống cây tốt, sạch bệnh để bảo đảm năng suất, chất lượng hồ tiêu, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Các đơn vị, địa phương cần hỗ trợ nghiên cứu và phát triển giống hồ tiêu có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu và dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn cho người trồng hồ tiêu về kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật an toàn và quản lý dịch bệnh để giảm việc sử dụng hóa chất và bảo đảm chất lượng sản phẩm; tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối khách hàng, xây dựng quan hệ đối tác bền vững với nhà nhập khẩu để ổn định đầu ra, đồng thời bảo vệ quyền lợi của nông dân và nâng cao giá trị của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông, xúc tiến thương mại để củng cố hình ảnh và thương hiệu hồ tiêu Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị...