Từ chiếc điện thoại đời mới, đồ dùng hàng hiệu, đến chiếc xe hơi hay những chuyến du lịch xa xỉ... người tiêu dùng đều có thể “mua trước trả sau” một cách nhanh chóng chỉ với vài thao tác đơn giản, thủ tục gọn nhẹ.
Bắt kịp xu hướng đầy sức hút, tại Việt Nam, “cơn sốt” các dịch vụ mua trước trả sau xuất hiện ngày càng nhiều, tích hợp vào các sàn thương mại điện tử lớn, các ứng dụng mua sắm, thu hút đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ và các đối tượng cần tiếp cận tài chính linh hoạt. Hình thức này được đánh giá cao bởi sự tiện lợi, với thủ tục linh hoạt giúp người tiêu dùng sở hữu sản phẩm mong muốn mà không cần phải chi trả toàn bộ số tiền ngay lập tức.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng, phản ánh nhu cầu chi tiêu ngày càng cao của người dân. Thêm nữa, sự phát triển của thương mại điện tử, cùng với xu hướng tiêu dùng “muốn ngay, có liền” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức tín dụng tiêu dùng mới ra đời. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích đó là những rủi ro không hề nhỏ. Đặc biệt, sự thiếu minh bạch trong các điều khoản về phí phạt, lãi suất cũng là một vấn đề đáng lo ngại, khi nhiều người dùng có thể mắc bẫy mà… không hề hay biết!
Liệu rằng phương thức “mua trước trả sau” có thật sự là một giải pháp tài chính thông minh, hay là “cạm bẫy ngọt ngào” ẩn chứa nguy cơ đẩy người tiêu dùng vào vòng xoáy nợ nần trong kỷ nguyên tiêu dùng số? Để trả lời câu hỏi này, cần phải cân bằng giữa lợi ích và rủi ro của phương thức tài chính tiện ích này cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Theo đó, cả ba bên trong phương thức kinh doanh này cần được nhận diện rõ ràng, với những trách nhiệm tương ứng.
Trước hết, người tiêu dùng cần sử dụng phương thức “mua trước trả sau” một cách khôn ngoan. Tiếp đến là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần có sự minh bạch thông tin, bảo đảm rằng người tiêu dùng nắm rõ mọi chi tiết trước khi đưa ra quyết định. Và cuối cùng, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò trọng tài, bảo đảm sự công bằng và an toàn cho tất cả các bên tham gia.
Xét về dài hạn, để kết nối người bán và người mua, từ đó mở rộng và thúc đẩy tiêu dùng một cách linh hoạt, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số hóa ngày càng phát triển, chúng ta cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về phương thức “mua trước trả sau”. Định rõ “luật chơi” cho thị trường tài chính tiêu dùng hiện đại đã trở thành đòi hỏi cấp bách.
Đi đôi với đó là việc xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả, cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Điều này, không chỉ giúp ngăn chặn những lỗ hổng có thể gây tổn hại đến người tiêu dùng, mà còn góp phần bảo đảm mục tiêu xây dựng một thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững.