Tuy vậy, bản dự thảo lần thứ ba Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP do Bộ Y tế xây dựng, đang được lấy ý kiến đóng góp vẫn còn những điểm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy quan ngại. Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản thẳng thắn chỉ ra, dự thảo mới nhất có tăng thêm ba thủ tục hành chính mới nằm ngoài Luật An toàn thực phẩm. Điều này dẫn đến nguy cơ tạo ra các nút thắt trong thực thi.
Thêm nữa, trong xây dựng chính sách, bản dự thảo chưa áp dụng triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro và “chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm” cũng như chưa có biện pháp tăng cường “hậu kiểm cơ sở, hậu kiểm sản phẩm”. Việc áp dụng triệt để chuyển đổi số trong quản lý cũng chưa được quy định cụ thể…
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đang được xây dựng cũng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp theo hướng đề xuất giữ lại điều khoản hiện hành thay vì sửa đổi theo hướng “tổ chức, cá nhân nhập khẩu hóa chất phải thực hiện khai báo hóa chất nhập khẩu” như tại khoản 5, Điều 13. Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm khắc phục tình trạng nhập khẩu và sử dụng hóa chất sai mục đích. Song phía doanh nghiệp đề nghị, để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp chỉ nên áp dụng khai báo trước khi nhập khẩu đối với hóa chất nhập khẩu có điều kiện, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt.
Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Canon Việt Nam, dù chỉ là doanh nghiệp sử dụng hóa chất, song cũng đã nhập khẩu hơn 400 loại hóa chất, gồm hơn 100 hóa chất thuộc danh mục phải khai báo. Nếu phải khai báo toàn bộ hóa chất nhập khẩu, công ty sẽ phải tăng chi phí gấp bốn lần cả về thời gian và nhân lực.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, có đến chín hội, hiệp hội doanh nghiệp đồng loạt gửi công văn lên các cấp có thẩm quyền để phản ánh một số nội dung bất cập đã tồn tại gần 20 năm trong Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đang trở thành rào cản hạn chế sức sản xuất, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Có thể nói, những dẫn chứng nêu trên đang phần nào phản ánh thực tế một số luật, nghị định hiện hành lẫn dự thảo sửa đổi vẫn mang tư duy “không quản được thì cấm”. Nhiều quy định được đưa ra có nguy cơ khiến cho chi phí tuân thủ bị đẩy lên cao, gây cản trở hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.
Xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, sức ép cạnh tranh trong giao thương quốc tế đối với doanh nghiệp Việt Nam không ngừng tăng cao, việc còn để tồn tại những quy định nêu trên trong các văn bản pháp quy có khác nào vẫn “dựng rào” làm khó doanh nghiệp?
Hơn lúc nào hết, tinh thần “phục vụ doanh nghiệp-phụng sự đất nước” cần được thấm nhuần trong mọi nỗ lực cải cách của hệ thống chính trị. Bởi, chỉ khi quyết liệt cải cách thể chế kinh tế trên nền tảng đổi mới tư duy hành chính; quyết đoán trong cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; đẩy nhanh quá trình số hóa trong quản lý nhà nước..., môi trường kinh doanh của Việt Nam mới đủ sức thu hút mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp trong và ngoài nước mở rộng đầu tư một cách dài hạn và bền vững.