“Vàng xanh” chờ… được khai thác

Không chỉ là công cụ giảm phát thải, tín chỉ carbon còn mở ra một thị trường đầy hứa hẹn, nơi những cam kết môi trường được quy đổi thành lợi ích kinh tế thực tế. Tuy nhiên, để khai mở ra cánh cửa mới cho kinh tế xanh, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng để khai thác hiệu quả tín chỉ carbon.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất xanh, sản xuất sạch, ít phác thải đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, gắn liền với nỗ lực giảm phát thải, phát triển bền vững của Việt Nam.
Sản xuất xanh, sản xuất sạch, ít phác thải đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, gắn liền với nỗ lực giảm phát thải, phát triển bền vững của Việt Nam.

Chuyển đổi xanh đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Trong dòng chảy ấy, tín chỉ carbon nổi lên như một công cụ quan trọng, gắn liền với nỗ lực giảm phát thải, phát triển bền vững. Theo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025, Việt Nam sẽ chủ động thành lập, phát triển thị trường carbon theo mô hình tập trung, bảo đảm nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát của nhà nước. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam khẳng định quyết tâm bắt nhịp xu thế này.

Về lý thuyết, tín chỉ carbon hoàn toàn có thể trở thành một loại tài sản bảo đảm tại ngân hàng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã trực tiếp đề cập đến tín chỉ carbon, trong khi Nghị định 21/2021/NĐ-CP cũng quy định tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp bị cấm mua bán, chuyển nhượng. Hoạt động giao dịch tín chỉ carbon hiện không bị cấm, cho thấy về mặt pháp lý, tín chỉ carbon có thể trở thành đối tượng giao dịch bảo đảm. Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP dự kiến thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng hơn 300 dự án tham gia thị trường carbon quốc tế, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, chi phí giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam khá cao. Trung bình chi phí phát triển và xác minh một dự án tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn quốc tế dao động từ 100-500 nghìn USD/dự án, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, các ngân hàng, vốn quen với tài sản bảo đảm truyền thống như đất đai, nhà ở, đang thiếu kinh nghiệm thẩm định, quản lý đối với loại tài sản mới mẻ này. Hơn nữa, hệ thống pháp lý hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể về giao dịch bảo đảm đối với tín chỉ carbon, khiến các tổ chức tín dụng e ngại khi cân nhắc chấp nhận tín chỉ carbon làm tài sản thế chấp.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi một hệ sinh thái đồng bộ: khuôn khổ pháp luật rõ ràng, cơ chế giao dịch minh bạch, quy trình xác thực và chứng nhận tín chỉ chặt chẽ. Để tín chỉ carbon thật sự trở thành “vàng xanh” của nền kinh tế, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch hợp pháp và khả năng định giá chính xác loại tài sản này.

Trong giai đoạn đầu, việc triển khai thí điểm, đánh giá rủi ro kỹ lưỡng và lựa chọn các ngân hàng tiên phong có năng lực quản trị cao là rất cần thiết. Phát triển tín chỉ carbon không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là cam kết mạnh mẽ với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Tiềm năng đã ở ngay trước mắt. Điều cần thiết lúc này là một chiến lược khéo léo, bài bản để biến tín chỉ carbon thành một động lực mới cho kinh tế xanh Việt Nam.