Xóa bỏ cơ chế “xin-cho”

Có một vấn đề nhức nhối đã được đề cập, phê phán rất nhiều lần và đã có nhiều giải pháp được triển khai để có thể ngăn chặn, xóa bỏ tận gốc nhưng đến nay nó vẫn còn “đất sống”, đó chính là cơ chế “xin-cho”.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bắc
Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bắc

Bản chất của cơ chế “xin-cho” là đặc quyền, đặc lợi và tạo ra sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Khi quyền lực, lợi ích tập trung vào một nơi, một người thì nơi đó, người đó có cái quyền cho, chia, ban phát và vì thế, những nơi, những người khác muốn có quyền lợi thì nhất thiết phải đi xin.

Nhiều năm qua, chúng ta đã có một số giải pháp, chế tài nhằm hạn chế cơ chế “xin-cho” trong bộ máy công quyền. Nhưng trên thực tế, cơ chế này vẫn hiện hình trong vô vàn các mối quan hệ ứng xử giữa cán bộ, công chức đối với người dân và doanh nghiệp, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cơ quan cấp trên và cơ quan cấp dưới. Minh chứng là những vụ "đại án" tham nhũng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, kéo theo nhiều quan chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước, cán bộ ngân hàng... bị kỷ luật, xử lý hình sự trong những năm gần đây cũng có một phần bắt nguồn sâu xa từ việc quản lý, vận hành các hoạt động kinh tế-xã hội chưa thoát khỏi cơ chế “xin-cho”.

Từng thẳng thắn chỉ rõ nạn này, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Kinh tế thế giới nhận định, thời gian qua, việc xử lý tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế “xin-cho” vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng lại không nhiều thay đổi, thế nên mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc.

Thực tế minh chứng, muốn xây dựng một thể chế ưu việt, một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trung thành, tận tụy, liêm chính, vì dân, vì nước, thì việc “đào tận gốc, trốc tận rễ” cơ chế “xin-cho” phải được coi là một trong những giải pháp ưu tiên, cần kíp trong công tác quản trị quốc gia hiện nay.

Nhất quán quan điểm này, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra mới đây, những cam kết mạnh mẽ với doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra.

Về các băn khoăn, trăn trở mà cộng đồng doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu ra, Thủ tướng nhấn mạnh cam kết phát triển hạ tầng chiến lược để tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí logistics và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả nước, cho xã hội, trong đó có phục vụ các doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cam kết xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh thông điệp “Đất nước có khát vọng, Nhân dân mong muốn và chờ đợi, Nhà nước phải kiến tạo, doanh nghiệp phải đóng góp, đất nước phải phát triển”, Thủ tướng thẳng thắn đề nghị, các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh, làm ăn đúng luật, tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc… Có như vậy, cơ chế “xin-cho” mới thật sự được xóa bỏ!