Kết quả giám sát cho thấy, công tác quản lý khoáng sản còn nhiều bất cập và tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản diễn ra tràn lan, nhưng chưa được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
SAI PHẠM TRÀN LAN
Theo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk (cũ), trong giai đoạn 2020- 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 11 quyết định, ba kế hoạch, một chỉ thị, hai quy chế phối hợp và 14 văn bản liên quan đến công tác quản lý, khai thác khoáng sản. Tính đến 31/12/2024, địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 66 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có một giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp; 65 giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, gồm 45 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng; 19 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, theo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh bao gồm: 196 khu vực đất san lấp; 157 khu vực đá làm vật liệu xây dựng thông thường... Tỉnh cũng đã khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với 2.007 khu vực, 2.187 vị trí, điểm với tổng diện tích 590.043,59 ha…
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Trưởng ban Văn hóa-xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thành viên Đoàn Giám sát số 51 cho biết, qua công tác giám sát phát hiện hàng loạt sai phạm trong khai thác khoáng sản giai đoạn 2020-2024. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo triển khai sáu cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với 61 đơn vị khai thác khoáng sản. Qua đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 25 tổ chức, với tổng số tiền xử phạt hơn 144 tỷ đồng. Hằng năm, Cục Thuế tỉnh đều lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị có hoạt động khoáng sản, giai đoạn 2020-2024 đã xử phạt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép truy thu 76,4 tỷ đồng.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tràn lan tại một số địa phương nhưng chưa được tập trung xử lý dứt điểm. Thậm chí, có doanh nghiệp khai thác cát sử dụng bãi tập kết cát chưa được quy hoạch, cấp phép, như Công ty TNHH Hà Bình tại huyện Krông Pắc. Việc quản lý môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được chú trọng. Việc đóng cửa các mỏ khoáng sản hết thời hạn khai thác, phục hồi môi trường và bàn giao đất cho Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Một số đơn vị khai thác cát đã làm sạt lở hai bên bờ sông, xâm hại đến dòng chảy, tác động xấu đến môi trường… gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, tình trạng khai thác khoáng sản vượt công suất, khai thác trái phép, sử dụng bãi tập kết nằm ngoài phạm vi cấp phép vẫn diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương…
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
Trên cơ sở kết quả giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị rà soát bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, kịp thời đáp ứng cho các công trình, dự án và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là các mỏ đất làm vật liệu xây dựng; tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Tỉnh cần kịp thời ban hành văn bản quản lý về khoáng sản theo quy định của pháp luật và thực tế của địa phương; nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và giảm thiểu tác động môi trường; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường...
Song song với công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, tỉnh cần tăng cường kiểm tra, quản lý khai thác khoáng sản tại các mỏ bảo đảm đúng phạm vi, diện tích, độ sâu, công suất, trữ lượng được cấp phép; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp được khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ việc lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế; cập nhật thông tin, số liệu, trữ lượng đầy đủ, thông tin số liệu tại mỏ khoáng sản đúng quy định; biện pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường; sửa chữa nâng cấp các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp do hoạt động khoáng sản gây ra.