Phát huy danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO

Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc vào năm 2023. Để giữ vững và phát huy danh hiệu sau khi sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, tỉnh Lâm Đồng cần có phương án triển khai các cam kết của thành phố sáng tạo âm nhạc.

Chương trình nghệ thuật trong đêm đón nhận danh hiệu Đà Lạt-thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.
Chương trình nghệ thuật trong đêm đón nhận danh hiệu Đà Lạt-thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về âm nhạc đã khẳng định năng lực, vị thế của thành phố trong lĩnh vực âm nhạc giữa Việt Nam, khu vực và quốc tế. Điều này tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, kinh doanh cho ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời, từng bước cụ thể hóa Chỉ thị số 30-CT/TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; kích thích tái tạo đô thị, phát triển các chương trình giáo dục và sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững; xây dựng Đà Lạt trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao của không gian sáng tạo văn hóa và nghệ thuật.

Để bảo đảm triển khai liên tục các cam kết với nguồn lực tài chính bền vững và huy động sự tham gia của các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Lâm Đồng mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất UBND tỉnh chuyển giao các nhiệm vụ triển khai thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO về Sở. “Phương án này nhận được sự ủng hộ của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cục này cũng đề nghị sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính được ổn định, tỉnh nên thành lập ban điều hành gồm các thành phần liên quan để tiếp nhận các nhiệm vụ và cam kết thành phố sáng tạo của UNESCO”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Sau khi UNESCO công nhận, Đà Lạt đã phối hợp, triển khai nhiều chương trình, sáng kiến theo cam kết khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố xây dựng và vận hành website thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt (dalatcreativecity.com), tổ chức các đoàn tham gia các sự kiện trong mạng lưới do UNESCO tổ chức; phối hợp với các sở, ngành tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện âm nhạc quy mô lớn. Trong đó có lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Đà Lạt music festival 2024-Sweet Love, Đà Lạt best dance crew (năm 2023, 2024, 2025), Music night run, đêm nhạc Đà Lạt color fun festival 2024, The Big Day với các nghệ sĩ đến từ Scotland...

Đáng chú ý, đêm nhạc Dalat Spring Concert với sự góp mặt của các huyền thoại âm nhạc thế giới, như Boney M, Liz Mitchell, Joy Band và Samantha Fox đã thu hút hàng chục nghìn khán giả. “Dalat Spring Concert không chỉ là chương trình nghệ thuật, mà còn tạo dấu ấn đặc biệt của Đà Lạt trên bản đồ âm nhạc quốc tế, thực hiện cam kết với UNESCO”, ông Đặng Quang Tú, Bí thư Đảng ủy phường Lâm Viên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, chia sẻ.

Hiện Đà Lạt có hơn 40 không gian âm nhạc, không gian sáng tạo cho nghệ sĩ như Madame show, Vietnam Amazing show, chương trình âm nhạc Chiều, 05 A.M, không gian biểu diễn nghệ thuật tại hồ Than Thở, Phố Bên Đồi, Mây Lang Thang, Lululola, Stop and Go Art Space... với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế biểu diễn. Các không gian này trở thành “điểm hẹn” của nhiều du khách khi đến xứ mộng mơ.

Thành phố phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, như hội thảo quốc tế Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa, tọa đàm tham vấn “Kế hoạch thành phố Đà Lạt triển khai các cam kết gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, lĩnh vực âm nhạc giai đoạn 2025-2027”; ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt… Đó cũng là những nội dung trong thực hiện cam kết với UNESCO khi Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Những giá trị cốt lõi này tạo cảm xúc sáng tạo nghệ thuật. Đến nay, có khoảng 300 bài hát viết về Đà Lạt.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker cho rằng, Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc đánh dấu cột mốc quan trọng đối với thành phố và Việt Nam. Đây là cơ hội, trách nhiệm và cam kết thúc đẩy sáng tạo, củng cố các ngành công nghiệp văn hóa và giúp âm nhạc trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. “Đà Lạt đang thiết lập lộ trình triển khai các cam kết toàn diện và bền vững, do đó cần tận dụng sự sáng tạo và âm nhạc để phát triển đô thị và kinh tế. Tăng cường quan hệ đối tác công tư để tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa; cần huy động sự tham gia của thanh niên, áp dụng chuyển đổi số trong âm nhạc để đổi mới và tiếp cận toàn cầu”, ông Baker gợi mở.

Để giữ vững danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc giai đoạn 2025-2027, Đà Lạt tiếp tục triển khai các cam kết với UNESCO. Thành phố triển khai các sáng kiến cấp địa phương, như di sản âm nhạc của tương lai; chương trình liên kết, đào tạo âm nhạc; xây dựng và củng cố mạng lưới không gian văn hóa, sáng tạo thành phố và các hoạt động khuyến khích sáng tạo âm nhạc. Đồng thời, triển khai ba sáng kiến cấp quốc tế, gồm chương trình hòa âm cồng chiêng Đông Nam Á, thanh âm của đại ngàn và Festival âm nhạc quốc tế Lang Biang.

Có thể bạn quan tâm

back to top