Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất giỏi

Trong giai đoạn 2021-2025, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở một số xã của tỉnh Quảng Ngãi (mới), tiếp tục phát triển sâu rộng, thu hút hàng chục nghìn hộ nông dân tham gia.

Cán bộ xã Mô Rai, tỉnh Quảng Ngãi (mới) hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê.
Cán bộ xã Mô Rai, tỉnh Quảng Ngãi (mới) hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây cà-phê.

Bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

LÀM GIÀU TRÊN QUÊ HƯƠNG

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa lớn. Điểm nổi bật của phong trào giai đoạn 2021-2025 là sự đổi mới tư duy, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa họckỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Hộ ông Trần Văn Thuần thuộc Chi hội Nông dân Tổ dân phố 6, xã Đăk Hà có tổng diện tích sản xuất các loại cây khoảng 35 ha, diện tích chuồng trại khoảng 1.000 m2, ao hồ khoảng 1 ha và tổng đàn gia cầm khoảng 3.000 con. Mỗi năm, gia đình ông tín chấp với công ty phân bón khoảng 50 tấn phân bón và công ty thức ăn chăn nuôi, thủy sản khoảng 100 tấn thức ăn các loại để giúp hội viên chi hội đầu tư sản xuất cà-phê, lúa, rau màu và phát triển chăn nuôi... Năm nhân khẩu trong nhà ông làm việc chăm chỉ, mỗi năm cho thu nhập (đã trừ chi phí) 1,2 tỷ đồng. Không chỉ tự vươn lên làm giàu, người nông dân này còn tạo việc làm thường xuyên cho hai hộ nghèo với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; công việc thời vụ cho khoảng 200 công lao động/năm, thu nhập mỗi công lao động ít nhất 300.000 đồng/ngày. Ngoài ra, ông Thuần cũng tích cực làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi ốm đau, bệnh tật bằng quà, tiền mặt... Một tấm gương khác là ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã mắc-ca Nhân Hòa Kon Đào. Với diện tích 8,5 ha trồng cây mắc-ca và 1 ha cà-phê, mỗi năm gia đình ông Quyết có doanh thu 1,7 tỷ đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Quyết còn là người truyền cảm hứng, hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho hàng trăm hội viên nông dân trong và ngoài tỉnh. Tương tự, hộ ông Bùi Đức Quỳnh ở xã Rơ Kơi, với 10 ha sầu riêng cho thu nhập 3 tỷ đồng/năm… Những mô hình như vậy không chỉ làm thay đổi diện mạo kinh tế hộ gia đình mà còn lan tỏa tinh thần làm giàu cho nhiều nông dân khác.

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ dừng ở việc nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần tái cấu trúc nền sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và củng cố tổ chức hội nông dân các cấp. Trong 5 năm qua, từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp được hình thành; đóng góp thiết thực cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội viên, nông dân tự nguyện hiến hơn 86.000 m2 đất, đóng góp hơn 15 tỷ đồng và hơn 206.000 ngày công lao động để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, góp phần hoàn thiện hạ tầng nông thôn.

Kinh tế nông hộ phát triển góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ giúp nhau về vốn, giống, kỹ thuật mà còn hỗ trợ nhau trong đời sống, phát huy tinh thần tương thân tương ái.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI NÔNG DÂN

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng 15-20% số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi và giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm, hội nông dân các xã Đăk Hà, Kon Đào, Mô Rai… đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Hội nông dân các xã tăng cường phối hợp các sở, ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất số; thành lập các câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi, các chi tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; thực hiện hiệu quả chương trình liên kết “6 nhà” (nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà băng-nhà phân phối).

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong hệ thống chính trị. Các cấp Hội trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nông dân, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đại diện cho người sản xuất bàn bạc, thỏa thuận và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa. Qua đó, áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất, chất lượng sản phẩm giữa các hộ nông dân, làm nền tảng cho việc sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mô hình sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

back to top