Chi tiêu hiệu quả cho khoa học - công nghệ

Sau nhiều năm duy trì mức chi khá thấp, năm 2025, lần đầu tiên Chính phủ đặt ra nhiệm vụ chi đủ ít nhất 3% ngân sách cho sự nghiệp khoa học phục vụ các công nghệ đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục hành chính để giải ngân kinh phí cho các đề tài khoa học. Ảnh: NAM ANH
Mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục hành chính để giải ngân kinh phí cho các đề tài khoa học. Ảnh: NAM ANH

GS, TS Phạm Ngọc Hồ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, không thể quên những năm tháng đầy vất vả khi thực hiện các nghiên cứu khoa học: "Trước đây, chúng tôi luôn phải làm việc trong tình trạng giật gấu vá vai, khi kinh phí cho nghiên cứu luôn thiếu thốn, khiến chúng tôi không ngừng loay hoay tìm cách cân đối chi tiêu. Có những lúc, ngân sách không đủ, chúng tôi buộc phải tự bỏ tiền túi để hoàn thành công việc".

Nghịch lý vừa thừa vừa thiếu

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Nhà nước dành cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được phân bổ từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, tổng chi cho các lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Cụ thể, tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học - công nghệ trong các năm 2021 là 1,37%, 2022 là 1,72%, 2023 là 1,39% và năm 2024 là 1,97%.

Mặc dù kinh phí dành cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, song thực tế cho thấy nhiều đơn vị nghiên cứu không thể tiêu hết ngân sách, thậm chí phải trả lại một phần. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn xuất phát từ các thủ tục hành chính phức tạp trong quá trình giải ngân, khiến các nhà khoa học phải đối mặt không ít khó khăn.

GS, TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu (Bộ Công thương) chia sẻ rằng các nhà khoa học phải mất tới ba năm để thuyết minh một đề tài nghiên cứu, nhưng khi đã có đề tài, họ lại phải dành thêm thời gian vô cùng lớn cho các thủ tục hành chính để giải ngân kinh phí.

“Nhà khoa học bị bó chặt trong một khuôn khổ không thể thay đổi, từ đầu vào đến đầu ra đều bị hạn chế, khiến quá trình nghiên cứu trở nên nặng nề và thiếu linh hoạt", bà Hà nhận định.

Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa cho rằng nghiên cứu khoa học luôn tiềm ẩn rủi ro. Tuy nhiên, việc quá chú trọng vào việc phòng ngừa rủi ro, coi đó là thất thoát tài sản công, lại khiến các nhà khoa học ngần ngại.

“Hầu hết các nhà khoa học sẽ chọn hướng đi an toàn, thực hiện những gì đã có kết quả và chỉ phát triển thêm. Điều này đồng nghĩa không thể có những đột phá hay đổi mới sáng tạo”, ông Dũng lý giải cho hiện tượng "đề tài khoa học đút ngăn kéo" trong thời gian qua.

Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại: các nhà khoa học phải dành tới 50% thời gian và công sức chỉ để làm thủ tục hành chính. Mặc dù nguồn lực dành cho khoa học - công nghệ còn hạn chế, chi cho nghiên cứu và phát triển chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình của các quốc gia phát triển là 2%, thậm chí có quốc gia lên tới 5%. Tuy nhiên, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng khoa học - công nghệ chính là “chìa khóa vàng” cho sự thịnh vượng quốc gia, và yêu cầu dành ít nhất 3% ngân sách quốc gia cho lĩnh vực này.

Ngay sau đó, Chính phủ đã hiện thực hóa cam kết này bằng Chỉ thị 18, với những yêu cầu rõ ràng đối với các bộ, ngành và địa phương. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ được bố trí để phục vụ các công nghệ chiến lược, đồng thời bảo đảm rằng ít nhất 3% ngân sách quốc gia sẽ được dành cho khoa học - công nghệ. Đặc biệt, trong vòng 5 năm tới, tỷ lệ này sẽ được nâng lên 2% GDP. Chính phủ cũng cam kết nếu cần thiết và có khả năng sử dụng hiệu quả, tỷ lệ này có thể lên tới 5% GDP.

Đây chính là cơ hội để xây dựng niềm tin cho các nhà khoa học và doanh nghiệp. Chính sách này, khi được thực thi, sẽ là bước đi quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh mẽ trong khoa học - công nghệ.

Xây dựng cơ chế minh bạch

Mặc dù hoan nghênh chủ trương tăng cường ngân sách cho khoa học - công nghệ, nhiều chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất không phải là số tiền được phân bổ, mà là sự minh bạch và hiệu quả trong việc chi tiêu từng đồng từ ngân sách.

PGS, TS Nguyễn Việt Dũng cho rằng, điều cốt yếu là phải thay đổi tư duy, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu. Cơ chế, chính sách cần hướng đến việc chi tiêu theo yêu cầu đặt hàng, theo sản phẩm và kết quả cụ thể, chứ không thể phân bổ một cách đều đặn như hiện nay.

“Dù ngân sách có tăng lên, nhưng để đạt hiệu quả, nguồn chi này phải được phân bổ đúng đối tượng, phục vụ các nhiệm vụ và công nghệ chiến lược. Nhà khoa học không thể trở thành kế toán hay chuyên gia tài chính, họ cần tập trung vào sáng tạo. Chính phủ cần quan tâm đến kết quả công việc, thay vì quá chú trọng vào cách thức thực hiện, tất nhiên vẫn cần có cơ chế giám sát hợp lý”, ông Dũng chia sẻ.

Đưa ra một góc nhìn khác, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trung tâm của hoạt động nghiên cứu và phát triển hiện nay chính là các doanh nghiệp. Vì vậy, 3% ngân sách nhà nước cần được xem như một khoản vốn mồi, để thu hút các nguồn lực từ chính doanh nghiệp.

“Khi doanh nghiệp có nhu cầu, họ sẽ tự mình nghiên cứu hoặc đặt hàng các tổ chức nghiên cứu, trong đó có cả các đơn vị nhà nước. Nhu cầu này sẽ thúc đẩy nguồn cung công nghệ, tạo ra một cơ chế nghiên cứu phát triển theo thị trường, kết nối chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước”, ông Cung lý giải.

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh việc không thể mãi trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà phải làm sao huy động hiệu quả nguồn lực từ xã hội cho nghiên cứu sáng tạo. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có tính chiến lược, còn doanh nghiệp cần được thu hút mạnh mẽ trong các lĩnh vực thị trường đang có nhu cầu lớn.

Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, hiện nay chi ngân sách nhà nước cho khoa học - công nghệ đã được quy định trong nhiều luật, như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, các quy định này chưa hoàn toàn thống nhất, dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ và thanh toán cho các dự án nghiên cứu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15, nhằm tạo ra cơ chế, chính sách đặc biệt để thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Hiện, hai bộ đang phối hợp để ban hành nghị định hướng dẫn nhằm giải quyết cơ bản các vướng mắc liên quan đến bố trí, phân bổ, giải ngân và thanh quyết toán ngân sách. Khi nghị định này được ban hành, vướng mắc trong quy trình chi cho nghiên cứu khoa học - công nghệ sẽ được tháo gỡ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Tài chính đang rà soát và trình sửa đổi các luật liên quan, dự kiến sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Bộ Tài chính cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sửa Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó có những điều chỉnh quan trọng về chi cho khoa học - công nghệ ngay trong tháng 5/2025.