Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Sư đoàn Phòng không 361 được lệnh hành quân vào chiếm lĩnh trận địa Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình. Ngày 11/8/1965, kíp chiến đấu của tiểu đoàn phóng 3 đạn, diệt một tốp máy bay của Không quân Hải quân Mỹ.
Một chiếc rơi tại chỗ, một chiếc rơi ngoài biển, còn một chiếc A4-E số hiệu 114 do Thiếu tá Robert Geor lái bị thương nặng cố bay về tàu sân bay Midway ngoài khơi, phải 2 lần hạ cánh mới đáp xuống được, trên thân có 50 vết thủng do mảnh đạn tên lửa, nhân viên tàu sân bay phải cậy phá nắp buồng lái mới lôi được phi công ra ngoài.
![]() |
Bác Hồ thăm Tiểu đoàn 61, ngày 26/8/1965. (Ảnh tư liệu) |
Nhận được tin báo tiệp, ngày 26/8/1965, Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 tại trận địa Phùng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).
Bác đi thăm trận địa, khu lán trại, nhà bếp. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bác khen ngợi, động viên và căn dặn, đại ý: Cuộc chiến đấu đánh Mỹ còn lâu dài, gian khổ, nhưng ta nhất định thắng.
Ngày xưa đánh Pháp bộ đội thiếu súng, đạn nên đã có khẩu hiệu “Mỗi viên đạn một quân thù”. Ngày nay đánh Mỹ, ta chưa sản xuất được tên lửa, phải nhờ sự viện trợ của Liên Xô. Vừa qua các chú đã đánh giỏi, bằng 3 tên lửa diệt 3 máy bay giặc Mỹ, như vậy 1 tên lửa diệt 1 máy bay, nếu 1 tên lửa rơi 2 máy bay thì Bác sẽ thưởng.
Lời căn dặn của Bác đã gieo vào lòng chúng tôi một tình cảm sâu đậm và ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Ba lần gặp Bác Hồ là duyên phận đặc biệt của đời tôi”
Mùa xuân năm Bính Ngọ 1966, Tiểu đoàn 61 Tên lửa Phòng không được lệnh hành quân vào Khu Bốn, đánh địch bảo vệ giao thông. Đợt hành quân lần này được giữ bí mật nghiêm ngặt, những cuộc điện đàm thông tin, những lần phát sóng của tên lửa đều phải có lệnh từ chỉ huy và được kiểm duyệt chặt chẽ. Nhờ giữ được bí mật, tiểu đoàn đã liên tiếp lập công.
Ngày 9/2/1966, tại trận địa Đồi Sim, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tiểu đoàn phóng 2 tên lửa vào tốp máy bay địch, tiêu diệt 2 chiếc, có 1 chiếc bốc cháy rơi tại chỗ.
Ngày 7/3/1966 tại trận địa Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chỉ phóng 1 tên lửa tiểu đoàn đã tiêu diệt tại chỗ 2 máy bay RF-101 của Mỹ, cả 2 chiếc đều rơi xuống khu vực Nghĩa Môn, Sông Con. Đó là chiếc máy bay Mỹ thứ 900 và 901 bị quân và dân ta bắn rơi trên miền bắc.
Ngày 18/3/1966 tại trận địa Giang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, tiểu đoàn lại phóng 1 tên lửa, diệt 2 máy bay F3-D2 của Mỹ, có 1 chiếc rơi tại chỗ.
Có người chưa hiểu vì sao chỉ phóng 1 tên lửa lại hạ được 2 máy bay. Trong thực tế chiến đấu, máy bay địch thường liên tục cơ động, đổi hướng bay để tránh bị tên lửa bám sát. Do kíp trắc thủ đã rèn luyện thành thục, việc bám sát tín hiệu máy bay trên màn hiện sóng đã trở thành kỹ năng, kỹ xảo cho nên tên lửa được điều khiển ổn định. Khi tên lửa gặp mục tiêu lại đúng lúc 2 máy bay cơ động “cắt kéo” gần nhau nhất, trong cự ly tiêu diệt khi đầu đạn nổ, chụp thành hình phễu với 1.200 mảnh đạn, bán kính sát thương hàng trăm mét.
Ba trận đánh liên tiếp, bắn rơi 6 máy bay Mỹ, có 4 chiếc rơi tại chỗ mà chỉ tốn có 4 đạn tên lửa là một hiệu suất tiêu diệt mục tiêu ngoài sức tưởng tượng, vượt cả chỉ số xác suất tính toán trong phòng thí nghiệm của nhà chế tạo (xác suất trong phòng thí nghiệm cho kết quả 3 tên lửa mới diệt được 0,97 mục tiêu).
![]() |
Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam mời một đại biểu đơn vị bắn rơi chiếc máy bay thứ 900 đến dự lễ. |
Đây là một kỷ lục độc nhất vô nhị, chỉ có thể là kết quả của một kíp chiến đấu tinh nhuệ, thiện chiến mới lập nên mốc son đó. Chúng tôi coi đây là món quà quý dâng lên Bác của tập thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 làm theo lời Bác, đã lập công ngay trên quê hương Bác Hồ.
Những chiến công đơn vị chúng tôi lập được trong đợt “Hành quân chiến đấu mùa Xuân 1966” lại đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), 26/3/1931-26/3/1966. Vì vậy, đơn vị được Trung ương Đoàn mời một đại biểu thanh niên bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 900 về dự và tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít-tinh tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
Tôi là chiến sĩ điều khiển tên lửa tham gia cả 3 trận chiến đấu nói trên, năm ấy mới 23 tuổi, vừa là đảng viên, vừa là đoàn viên, nên vinh dự được thay mặt đơn vị ra Hà Nội dự lễ.
Tối 25/3/1966, tôi có mặt tại phòng chờ của Hội trường Ba Đình để chuẩn bị tham gia Đoàn Chủ tịch cuộc mít-tinh. Tại đây, tôi vô cùng vinh dự và xúc động được gặp Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Khi Bác bước vào phòng với bộ quần áo lụa màu nâu, tất cả chúng tôi đồng thanh chào Bác. Bác vui vẻ bắt tay từng người, rồi đến lượt tôi là người cuối cùng.
Tôi cảm động chào Bác rồi cùng Bác đi lên Đoàn Chủ tịch cuộc mít-tinh. Tôi bồi hồi xúc động khi được cầm tay Bác, bàn tay gầy xương nhưng rất ấm áp. Cảm giác ấy còn đọng mãi trong cuộc đời. Tình cảm của Bác đã định hướng sống, chiến đấu trong suốt cuộc đời tôi.
60 năm trôi qua, tôi vẫn luôn nhớ về những ngày hành quân ra trận và những chiến công đơn vị đạt được trên quê hương Nghệ An. Tôi vẫn còn giữ Giấy mời của Trung ương Đoàn tuy đã sờn rách và tôi đã đến Thông tấn xã Việt Nam để tìm lại bức ảnh cuộc mít-tinh năm ấy. Trong ảnh, tôi là người lính đứng ngay dưới bức tượng bán thân Bác Hồ.