Chính quyền địa phương hai cấp ở Đan Mạch

Một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Đan Mạch đã trải qua quá trình chuyển đổi chính quyền địa phương hai cấp, thể hiện những cải cách cấu trúc mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giảm chi phí hành chính.

Đan Mạch đã chuyển sang mô hình hai cấp từ năm 2007. Ảnh: GETTY IMAGES
Đan Mạch đã chuyển sang mô hình hai cấp từ năm 2007. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo The Copenhagen Post, trước năm 2007, Đan Mạch vẫn theo hệ thống chính quyền địa phương được tổ chức theo ba cấp, bao gồm cấp tỉnh, cấp đô thị và các đơn vị hành chính nhỏ hơn. Tuy nhiên, để hạn chế sự cồng kềnh và chi phí quá cao của bộ máy, Đan Mạch đã chuyển sang mô hình hai cấp bằng cách xóa bỏ cấp tỉnh và thành lập 5 vùng lớn, giảm số lượng đô thị từ 271 còn 98. Mô hình mới này gồm cấp vùng phụ trách các vấn đề như y tế và quy hoạch khu vực; cấp đô thị đảm nhiệm giáo dục, phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng.

Chính quyền địa phương cấp nhỏ nhất ở Đan Mạch là cấp đô thị, bao gồm 98 đô thị trên toàn quốc. Mỗi đô thị có một hội đồng đô thị, trong đó người dân trực tiếp bầu ra các thành viên hội đồng. Hội đồng đô thị có trách nhiệm quản lý nhiều dịch vụ công cơ bản. Các thành viên của hội đồng bầu ra thị trưởng, đứng đầu chính quyền đô thị và phụ trách điều hành các hoạt động hằng ngày. Điều đặc biệt là chính quyền đô thị có quyền thu thuế địa phương, giúp họ tự chủ tài chính và phản ứng linh hoạt hơn với nhu cầu của cộng đồng.

Các cơ quan hành chính của mỗi đô thị gồm các sở và ủy ban, thực thi những chính sách và nhiệm vụ cụ thể. Chính quyền đô thị chịu trách nhiệm về những dịch vụ thiết yếu như quản lý trường học cấp tiểu học và trung học, cung cấp các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ người cao tuổi và người khuyết tật, cấp phép xây dựng và quy hoạch đô thị. Bên cạnh đó, họ cũng quản lý các dịch vụ công khác như nước sạch, xử lý rác thải và duy trì cơ sở hạ tầng.

Tương tự, New Zealand cũng đã tiến hành cải cách hành chính vào năm 1989 nhằm đơn giản hóa cấu trúc chính quyền địa phương, giảm số lượng đơn vị hành chính từ hơn 850 xuống chỉ còn 78. Hệ thống mới này bao gồm hai cấp là hội đồng khu vực - quản lý các vấn đề lớn liên quan môi trường và giao thông công cộng, trong khi hội đồng lãnh thổ quản lý trực tiếp các dịch vụ địa phương như nước sạch, vệ sinh môi trường và cơ sở hạ tầng.

Mô hình tại cả hai quốc gia nói trên đều hướng đến việc tối ưu hóa hoạt động chính quyền, tăng cường quyền tự chủ của các địa phương và đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của người dân.

back to top