“Tòa nhà xanh nhất là tòa nhà đã được xây dựng”, câu khẩu hiệu phổ biến trong giới kiến trúc này muốn nhấn mạnh, việc phá dỡ và xây mới có thể gây ra lượng khí thải carbon và tiêu thụ năng lượng nhiều hơn cả quá trình vận hành và sử dụng công trình sau này. Mevrouw Meijer - một tổ chức phi lợi nhuận tại Hà Lan chuyên cải tạo các ngôi trường cũ - đang âm thầm chứng minh việc phục hồi các công trình có sẵn là khả thi và mang lại nhiều lợi ích.
Theo bà Wilma Kempinga, người sáng lập tổ chức, cách tiếp cận này không chỉ hợp lý về môi trường, tài chính và thực tiễn, mà còn mang lại giá trị cảm xúc. “Học sinh cần được tiếp xúc với cái đẹp. Môi trường học tập là ký ức sẽ đi theo các em suốt đời”, bà khẳng định.
Một trong những dự án tiêu biểu của tổ chức là Nimeto - trường dạy nghề tại Utrecht dành cho học sinh từ 16 đến 21 tuổi. Từ ngôi trường mang kiến trúc cổ, Nimeto đã được cải tạo thành không gian hiện đại với các khoảng xanh nhiều ánh sáng tự nhiên. Thiết kế mới do kiến trúc sư trẻ Maarten van Kesteren đến từ The Hague thực hiện, với chi phí chỉ bằng một nửa so xây mới hoàn toàn, đồng thời lượng phát thải carbon giảm đến 70%. Nhờ thiết kế mở rộng, nhờ đó, số lượng học sinh của trường cũng tăng từ 1.400 lên 1.700.
The Guardian cho hay, Mevrouw Meijer đã hoàn thành và đang triển khai nhiều dự án khác, trong đó có De Zevensprong - một trường tiểu học tại vùng ngoại ô Best. Tại đây, công trình cũ được gia cố bằng một khung gỗ chắc chắn, tạo nên không gian nội thất ấm cúng, yên bình, với ban-công dài nhìn ra sân thể thao.
Theo bà Kempinga, một quan niệm sai lầm phổ biến là cho rằng, cách duy nhất để đạt được sự bền vững là xây mới bằng công nghệ hiện đại và vật liệu thân thiện môi trường. Bà chia sẻ: “Nhiều người ưa thích các công trình mới và không đủ trí tưởng tượng để nhận ra tiềm năng của cái cũ”. Tuy nhiên, với những dự án như Nimeto, cách tiếp cận này đã được chứng minh một cách đầy thuyết phục.