Khi “thiên đường tránh nóng” quá tải

Trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục hoành hành khắp Ấn Độ, các thị trấn trên đồi như Landour và Mussoorie trở thành điểm đến lý tưởng để tránh nhiệt.

Đường phố tại Mussoorie thường xuyên bị tắc nghẽn trong mùa hè. Ảnh: THE MIGRATION STORY
Đường phố tại Mussoorie thường xuyên bị tắc nghẽn trong mùa hè. Ảnh: THE MIGRATION STORY

Tuy nhiên, làn sóng du khách tăng vọt thời gian qua đẩy những địa danh yên bình này vào cảnh quá tải, buộc chính quyền địa phương phải đưa ra các biện pháp kiểm soát khẩn cấp nhằm bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng.

Theo The Guardian, năm 2024, ước tính hơn hai triệu người đã đổ về Landour và Mussoorie, tăng hơn 30% so năm 2023. Lượng khách chưa từng có này khiến tuyến đường dẫn lên Landour, từng là hành trình tận hưởng quang cảnh hùng vĩ của dãy Himalaya, trở thành thử thách. Hàng nghìn xe cộ chen chúc mỗi ngày, khiến thời gian di chuyển từ Delhi đến Landour có thể kéo dài đến 10 giờ thay vì 5-6 giờ như trước đó, nhất là vào cuối tuần tháng 5-6.

Nằm dưới chân dãy Himalaya ở độ cao hơn 2.100 m so mực nước biển, Landour là thị trấn có chưa đến 4.000 người, được quân đội Anh tại Ấn Độ xây dựng vào đầu những năm 20 của thế kỷ 19 làm trạm nghỉ dưỡng nhờ nhiệt độ mát mẻ. Dù chỉ cách Mussoorie, nơi được mệnh danh là “nữ hoàng của những ngọn đồi” chưa đầy 4 km, song Landour lại yên bình hơn với những con đường rợp bóng cây, quán trà cổ…

Tuy nhiên, sự riêng tư ấy đang dần biến mất. Những cơn nắng nóng gay gắt, có nơi vượt ngưỡng 48oC tại các thành phố lớn của Ấn Độ đã khiến hàng vạn người đổ xô tìm đến những thị trấn cao nguyên. Nhờ khí hậu dễ chịu với mức nhiệt vào tháng 6 chỉ khoảng 24oC, Landour nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng. Sự bùng nổ lượng khách gây áp lực lớn lên hạ tầng và sinh hoạt của người dân. Ankita Singh, người đứng đầu Hội đồng Quản lý khu quân sự Landour cho biết: “Trong năm đến sáu năm trở lại đây, số lượng khách du lịch đã tăng theo cấp số nhân. Gần đây, một người đàn ông 62 tuổi đã tử vong trên xe cứu thương trước khi đến được bệnh viện ở Mussoorie do tắc đường”.

Để kiểm soát tình hình, chính quyền Landour đã áp dụng quy định giới hạn số lượng xe ra vào xuống còn 200 chiếc mỗi ngày. Cảnh sát được bố trí túc trực tại lối vào làng và một hệ thống cấp phép trực tuyến đang được phát triển nhằm tự động hóa quy trình trong những tháng tới.

Tình trạng quá tải du khách tại Landour là một lát cắt rõ nét cho những hậu quả dây chuyền do biến đổi khí hậu. Năm 2024, Ấn Độ đã trải qua đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 2010. Nhiều bang đã ghi nhận nhiệt độ ban ngày trên 40oC trong suốt một tháng, dẫn đến hơn 44.000 trường hợp say nắng. Theo cơ quan khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ tối đa vào tháng 5 và tháng 6 năm nay tại Delhi dao động trong khoảng từ 43oC đến 48oC.

Không chỉ thời tiết, tình trạng thiếu nước cũng trở thành mối lo lớn. Hạn hán khiến các nguồn nước ở Landour và Mussoorie cạn kiệt nhanh chóng. Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu của lượng khách ngày càng gia tăng, các công trình xây dựng mọc lên ồ ạt, nhiều trong số đó không được quy hoạch kỹ nên càng gia tăng áp lực lên hệ sinh thái. Rừng cây bị chặt hạ, không gian xanh bị thu hẹp và ô nhiễm không khí từ lượng xe ngày càng tăng trở thành thực trạng cấp bách.

JP Singh, cựu sĩ quan hải quân từng sống tại Landour trong một thập kỷ, bày tỏ tiếc nuối: “Landour đã từng là một viên ngọc quý. Giờ đây, cây cối bị đốn bỏ, khách sạn mọc lên khắp nơi và bầu không khí cũng không còn mát mẻ như trước”.

Ở một chiều khác, nắng nóng và du lịch lại mở ra cơ hội sinh kế cho nhiều người. Naresh Chauhan hay Ajit Singh Chauhan, các hướng dẫn viên đến từ vùng núi Uttarakhand tiết lộ, mức thu nhập của họ đạt tới 20.000 đến 25.000 rupee (tương đương 234 đến 292 USD) mỗi tháng nhờ lượng khách tăng vọt. Họ coi mùa hè năm nay là “thời kỳ hoàng kim” cho ngành du lịch.

Dù lợi ích kinh tế là điều không thể phủ nhận, giới chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có chiến lược dài hạn về du lịch bền vững, những nơi như Landour có thể nhanh chóng đánh mất bản sắc, cảnh quan và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu. Những giới hạn mới về lượng xe và quy hoạch hạ tầng chỉ là bước đầu tiên, chính quyền khu vực cần nhiều giải pháp hơn nữa để cân bằng giữa phát triển và bảo tồn bản sắc

back to top