Cho rừng cao-su xanh mãi

Nắm bắt xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang ngày càng trở thành đòi hỏi tất yếu, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG) sớm triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050, qua đó tạo nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất và phát triển bền vững rừng cao-su.

Công nhân Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa đóng gói mủ cao-su.
Công nhân Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa đóng gói mủ cao-su.

Đến hết năm 2024, tất cả 34 công ty thành viên của VRG đều đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho tổng diện tích 286.901ha, trong đó, 18 công ty đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC với diện tích 215.624ha. Hiện tại, 17 công ty đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM cho tổng diện tích khoảng 120.610ha cao-su; đồng thời, có 38 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao-su đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC.

Từ rừng cao-su đạt chuẩn quốc tế...

Những ngày này, các vùng chuyên canh cao-su ở Đông Nam Bộ đang vào chính vụ khai thác năm 2025. Công nhân trên các lô cao-su và tại các nhà máy đang hối hả lao động sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Đi giữa những cánh rừng cao-su của Công ty cổ phần Cao-su Tây Ninh xanh bát ngát, nối dài tít tắp, gọn gàng, sạch sẽ, tuyệt nhiên không có rác thải, chúng tôi có cảm tưởng như đang đi vào một khu du lịch sinh thái, được chăm chút hết sức cẩn thận.

Chỉ tay vào một bao dứa đựng rác đặt ven đường, chị Đỗ Quyên, trợ lý kỹ thuật Đội sản xuất Bình Minh cho biết, trước đây, những đoạn đường dân sinh chạy qua rừng cao-su thường có rác xả ngập ngụa, nhưng nay, không chỉ công nhân cao su không xả rác, mà người đi đường cũng đã có ý thức bỏ rác vào bao. Môi trường trong các lô cao-su hiện nay cũng rất trong lành do công nhân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý nhất, đồng thời chuyển dần sang hướng hữu cơ. Những lô cao-su này đều được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao-su Tây Ninh Phan Xuân Hướng tự hào: Môi trường sạch đẹp từ vườn cây đến nhà máy như các anh thấy là một trong những tiêu chuẩn khi thực hành chuỗi hành trình xanh. Chiến lược áp dụng phương án Quản lý rừng bền vững và Hệ thống Chuỗi hành trình sản phẩm COC theo tiêu chuẩn PEFC vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thấy Ban điều hành rất quyết tâm tạo ra sản phẩm có giá trị “xanh”...

Nằm sát biên giới Campuchia, từ năm 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Cao su Lộc Ninh bắt đầu tham gia Hệ thống Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho hơn 3.418ha rừng cao-su. Đến năm 2024, toàn bộ diện tích cao-su của công ty đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với hơn 10.179ha, thuộc 7 đội sản xuất. Năm nay, công ty tiếp tục duy trì thực hành chứng chỉ Quản lý rừng bền vững trên toàn bộ diện tích cao-su.

Tổng Giám đốc Công ty Lê Thanh Nghị cho biết, thực hiện chủ trương của VRG về việc bảo đảm hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), công ty đã hợp tác với Công ty Ecotech 2A xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc theo quy định của EUDR. Từ cuối tháng 12/2024, công ty đã khởi động dự án phần mềm quản lý thương mại và truy vết chuỗi hành trình sản phẩm thích ứng quy định EUDR. Dự án được thực hiện thử nghiệm trong thời gian hơn 4 tháng với sự tham gia của toàn thể cán bộ, công nhân viên. Đến ngày 31/3/2025, công ty nghiệm thu và chính thức đưa vào sử dụng phần mềm quản lý thương mại và truy vết chuỗi hành trình sản phẩm thích ứng quy định EUDR. “Đây là cơ sở vững chắc để các sản phẩm của công ty tiếp tục đáp ứng được yêu cầu các thị trường khó tính như: Italia, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ…”, ông Lê Thanh Nghị cho biết.

Quản lý diện tích cao-su rộng lớn với hơn 24.000ha, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng sớm hiện thực hóa mô hình tăng trưởng xanh, gắn liền với phát triển bền vững. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thái Hải cho biết, sau khi tổ chức SGS (tổ chức chuyên chứng nhận kiểm định chất lượng quốc tế) đến đánh giá chứng nhận vào cuối năm 2024, công ty đã được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý rừng bền vững (FM) giai đoạn 2024-2029 cho tất cả 8 đội sản xuất cao-su. Cùng với đó, tuân thủ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), công ty đã đáp ứng Quy định EUDR đối với vườn cây khai thác. Công ty cũng đang tiếp tục hướng dẫn các hộ cao-su tiểu điền thực hiện quy định này tại các vườn cây cung cấp nguyên liệu mủ cao-su cho công ty.

Nhằm bảo đảm phát triển bền vững trên cả 3 phương diện: Kinh tế, môi trường và xã hội, Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động theo định hướng tăng trưởng xanh. Việc tái thiết vườn cây được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng vườn ươm, vườn nhân giống nhằm chủ động nguồn cây giống đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng từ khi trồng, chăm sóc đến khai thác mủ. Công ty đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững và đạt chứng nhận theo Hệ thống Chứng chỉ rừng bền vững VFCS/PEFC, với diện tích được chứng nhận hơn 3.322ha trên tổng số hơn 13.016ha cao-su (tương đương 25,5%). Mục tiêu đến năm 2030, công ty sẽ đạt 100% diện tích cao su được chứng nhận quản lý rừng bền vững.
… Đến "xanh hóa" nhà máy

Cùng chúng tôi đi thăm nhà máy chế biến mủ cao su giữa một không gian xanh mát bóng cây, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao-su Tân Biên Trần Văn Toàn chia sẻ, các khu vực chế biến mủ cao-su thường có mùi rất khó chịu do quá trình chế biến, ngâm ủ mủ và sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, ở đây không khí khá thoáng đãng và sạch sẽ do những năm qua công ty đã tích cực áp dụng các biện pháp về môi trường, như hạn chế sử dụng hóa chất, thay thế các hóa chất độc hại, xây dựng hệ thống lọc, xử lý nước thải để xử dụng nước quay vòng, vừa bảo đảm tiết kiệm, vừa tránh ô nhiễm môi trường… Công ty cũng đang duy trì hiệu quả các hoạt động “xanh hóa” chuỗi cung ứng trên toàn bộ diện tích quản lý hơn 6.323ha. Theo cam kết về thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025, Công ty cổ phần Cao-su Tân Biên đề ra kế hoạch sản lượng cao-su khai thác đạt: 2.767 tấn (vượt 7% kế hoạch được giao); tổng doanh thu đạt: 701 tỷ đồng (vượt 11%); lợi nhuận trước thuế đạt: 285 tỷ đồng (vượt 27% kế hoạch). “Việc áp dụng các chứng chỉ phát triển bền vững không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm (giá bán cao hơn từ 20-25 USD/tấn) mà còn thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường trong nội bộ người lao động và cộng đồng dân cư chung quanh”, ông Trần Văn Toàn khẳng định.

Với mục tiêu tiếp tục tiếp cận phục vụ khách hàng cao cấp, Công ty TNHH MTV Cao-su Dầu Tiếng tiếp tục quảng bá và đã xuất khẩu loại cao-su đạt tiêu chuẩn xanh SVR 3L (100% tiêu chuẩn PEFC). Nhờ đó, công ty đã bán được hơn 20 tấn sản phẩm SVR 3L đạt tiêu chuẩn PEFC ST 2002:2020 với giá trị tăng thêm 20 USD/tấn so với sản phẩm tiêu chuẩn bình thường. Ngoài ra, công ty cũng đã xuất bán hơn 40 tấn cao-su SVR 3L tuân thủ Quy định EUDR với giá trị tăng thêm 250 USD/tấn. Ông Nguyễn Thái Hải cho biết: “Những sản phẩm xuất khẩu đầu tiên này là động lực để công ty tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh”.

Không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn xanh tại vườn cây, các công ty cao-su còn chú trọng “xanh hóa” các nhà máy chế biến và đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm tiêu chuẩn PEFC-COC. Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa hiện có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 31.500 tấn/năm, bao gồm: 3 dây chuyền chế biến mủ nước công suất: 21.000 tấn/năm, 1 dây chuyền chế biến mủ tạp (SVR 10/20): 6.000 tấn/năm và 1 dây chuyền chế biến mủ ly tâm (HA, LA) 4.500 tấn/năm. Nhằm giảm phát thải khí nhà kính, công ty chuyển đổi các lò xông sấy từ dầu DO sang sử dụng Biomass và khí gas nhằm tiết giảm chi phí và giảm phát thải C02 ra môi trường. Ngoài ra, để giảm thiểu sử dụng điện lưới và giảm khí nhà kính, công ty đã đầu tư 406,2 kWp hệ thống điện mặt trời tại các trụ sở, đơn vị trực thuộc và 2 hệ thống xử lý nước thải. Giai đoạn 2025-2030, công ty dự kiến tiếp tục đầu tư thêm 2 MWp điện mặt trời tại các nhà máy chế biến. Hiện nay, cả 3 nhà máy chế biến đã đạt chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC ST 2002:2020…

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam Trần Thanh Phụng, tăng trưởng xanh đang là xu hướng tất yếu, đồng thời cũng cho thấy hướng đi đúng đắn của VRG. Trong điều kiện hiện nay, nhất là khi thị trường thế giới có những biến động do chính sách thuế của các nước, cùng với việc duy trì, thực hiện tốt chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành cao su cần thực hiện tốt việc chuẩn hóa và minh bạch chuỗi cung ứng đầu vào như: Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nông trường đến nhà máy; giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc nguồn gốc không rõ ràng. Cần tăng cường thực hiện các chuẩn quốc tế để mở ra cánh cửa xuất khẩu bền vững, như đăng ký các chứng chỉ: FSC hoặc PEFC nếu hướng đến thị trường Mỹ, châu Âu, vì đây không chỉ là giấy thông hành mà còn giúp sản phẩm được định giá cao hơn, đạt chuẩn ISO 9001(quản lý chất lượng) và ISO 14001 (quản lý môi trường).

Có thể bạn quan tâm

back to top