NHIỀU “NÚT THẮT” NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ CAO
Trong kỳ xếp hạng gần nhất vào tháng 3/2025 về Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI), Thành phố Hồ Chí Minh có bước tiến khi tăng bảy hạng so với năm 2024 lên vị trí 98, cao nhất kể từ khi bắt đầu được vào danh sách năm 2022. Nhưng theo nhận định của Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Nghiên cứu và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS), dù có tiến bộ, các chuyên gia GFCI cũng chỉ ra thành phố cần cải thiện năng lực cạnh tranh xoay quanh ba khía cạnh, gồm: nguồn nhân lực trình độ cao, môi trường thân thiện doanh nghiệp và các định chế tài chính uy tín. Liên quan đến nguồn nhân lực, GFCI chỉ ra rằng, thành phố cần cải thiện như chất lượng giáo dục, nhân lực chuyên nghiệp, thị trường lao động hiệu quả và chất lượng sống.
Bà Trần Minh Hường, Giám đốc Nhân sự Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực là một trong những “nút thắt” lớn nhất để thành lập một trung tâm tài chính quốc tế thật sự tại Việt Nam. Lý do là khoảng cách hiện tại về kỹ năng khá đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, phái sinh, công nghệ tài chính (fintech) và tài chính pháp lý quốc tế... Vì thế, thành phố cần nhân lực có kiến thức tài chính và kinh nghiệm “thực chiến” chuyên sâu và nâng cao, tính chuyên nghiệp và khả năng thích ứng toàn cầu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế-Luật nêu thực tế, giáo dục đại học hiện nay vẫn bị bó buộc bởi khung chương trình cứng nhắc, khó thích ứng với những ngành nghề đang biến đổi nhanh chóng ngoài thị trường. Trong khi đó, mô hình đào tạo mới, nơi sinh viên có thể học từng phần, tích lũy tín chỉ theo nhu cầu và năng lực cá nhân, đang được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển, giúp rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả đào tạo.
CẦN CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO-THU HÚT NHÂN LỰC CẤP CAO
Bàn về các chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho trung tâm tài chính quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng, trung tâm tài chính quốc tế chỉ vận hành hiệu quả khi có đội ngũ nhân lực phù hợp về chuyên môn và tư duy quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh cần gửi cán bộ trẻ ra nước ngoài học tập, làm việc thực tế tại các trung tâm tài chính lớn để sau này có thể quay về đảm nhiệm các vị trí then chốt trong trung tâm tài chính quốc tế.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Thành phố Hồ Chí Minh cần có chính sách thu hút, đào tạo và phát triển, giữ chân nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Bởi trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro.
Về giải pháp chiến lược đào tạo nâng cấp kỹ năng, phát triển nhân lực, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ đề xuất, thành phố cần nâng cao đào tạo thực hành, cập nhật chương trình đại học (đặc biệt trong STEM); cần thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ; khuyến khích hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế như ACCA, BUV, ICAEW để nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực tài chính. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng đào tạo, bao gồm trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính-công nghệ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngắn hạn và dài hạn là yếu tố then chốt để phát triển và duy trì khả năng cạnh tranh của Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố mong muốn các tổ chức tài chính, các viện, trường đại học đang hoạt động trên địa bàn thành phố giới thiệu nhân sự và đồng hành cùng vì sự phát triển chung. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ rà soát và giới thiệu nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực với các trường đại học để thành phố có chiến lược phát triển bền vững.