1 Di tích lịch sử căn cứ vùng Bưng sáu xã nằm ở phường Trường Thạnh, thành phố Thủ Đức đã trở một địa chỉ đỏ quen thuộc của người dân nơi đây. Xưa kia vùng đất này vốn là vùng sông nước, nhiều đầm lầy, cây dại um tùm, là căn cứ của cơ quan Đảng bộ huyện Thủ Đức và cũng là cứ địa an toàn của lực lượng vũ trang trong suốt hai cuộc kháng chiến. Đây là một trong những điểm tập trung quân chủ lực chờ hiệu lệnh tổng tiến công tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong những ngày tháng khốc liệt đó, những con người ưu tú vùng Bưng sáu xã đã từng viết lên những chiến công hiển hách, góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Trong mỗi câu chuyện về vùng đất đặc biệt này, mọi người thường nhắc đến tên cô Hai Súng (Nguyễn Thị Súng). Vào năm 1968, cô Hai Súng chỉ mới 15 tuổi, nhưng cô đã có những việc làm táo bạo, tạo điều kiện cho quân ta vận chuyển thành công vũ khí để tiến công vào Sài Gòn. Cô Hai Súng nhớ lại, lúc đó cô chưa hiểu được làm cách mạng là thế nào, chỉ biết vốn tính gan lì, không sợ gì cả, cô thường được các cô chú cấp trên giao cho gánh một vật gì đó khá nặng đi qua chốt của địch rồi đặt nó tại một điểm đã được quy định trước. Sau này, cô mới biết đó là vũ khí chi viện cho bộ đội đánh vào Sài Gòn. Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, dù không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng cô cùng bộ đội địa phương đã tích cực lo công tác hậu cần, đưa các lực lượng tiến vào Sài Gòn.

Khi đất nước hát chung bài ca thống nhất, cô Hai Súng tiếp tục công tác tại nơi mình sinh sống cho đến lúc về hưu. Và cũng chừng ấy năm, cô đã âm thầm vận động để chăm lo cho những đồng đội năm xưa hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Công việc thầm lặng đến nỗi, mãi đến những năm gần đây, những người quen biết cô mới "phát hiện" để có thể cùng chung tay với cô làm công tác đền ơn đáp nghĩa ấy.
Không chỉ thế, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư quét qua thành phố, cô Hai Súng đã bỏ công sức, tiền của đến nấu gần 20 nghìn suất cơm cho lực lượng tuyến đầu. "Ban đầu tôi chỉ nấu cho lực lượng dân quân của phường Tăng Nhơn Phú B vì thấy các cháu vất vả quá, nhưng rồi nhìn thấy công an, bộ đội, y tế, đoàn thanh niên… ai cũng vất vả nên mỗi ngày các suất cơm cứ tăng dần"- cô Hai Súng chia sẻ. Không dừng lại, nhà có 12 phòng trọ, cô Hai Súng miễn phí cho tất cả, thậm chí cô nuôi luôn ba cậu sinh viên nghèo trong những ngày thành phố căng mình chống chọi với đại dịch. Những việc làm cao đẹp của người nữ giao liên ở vùng Bưng sáu xã ngày nào đã lan tỏa, trở thành động lực, nguồn cảm hứng cho người dân ở phường Tăng Nhơn Phú B.
2 Gần 70 tuổi, nhưng cô Vũ Thúy Hòa, phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh vẫn miệt mài với công việc. Là một bí thư gương mẫu của chi bộ 9, phường 9, cô Thúy Hòa luôn có những sáng kiến, đề xuất nhiều hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng khu phố ngày càng xanh, đẹp hơn. Dường như năng lượng của người nữ bộ đội Trường Sơn năm nào vẫn chưa vơi cạn, cô vẫn làm việc hăng say mỗi ngày, vẫn đi đến những vùng xa xôi để chăm sóc cho những mảnh đời bất hạnh. Sinh ra ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cô Thúy Hòa hăng hái tham gia chiến đấu khi vừa học xong cấp ba. Người con gái tuy nhỏ nhắn, thiếu cân khi nhập ngũ nhưng luôn mang trong mình bầu nhiệt huyết xẻ dọc Trường Sơn góp sức cùng đồng đội giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Và khi đất nước đã trọn niềm vui, cô Vũ Thúy Hòa lại lao vào trong mọi công việc, vẫn với nhiệt huyết dâng trào của người lính. Từ chuyện chuyên môn, chuyện chi bộ, khu phố, đến những công việc xã hội,… cô đều tham gia và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, đồng hành với hệ thống chính trị của thành phố nói chung và quận Phú Nhuận, phường 9 nói riêng cô Thúy Hòa luôn tích cực tham gia tuyên truyền, triển khai cho các Ban điều hành khu phố, tổ dân phố đồng lòng hỗ trợ lực lượng chống dịch Covid-19. Hai khu phố lớn nhất phường và quận Phú Nhuận, khu phố 4 và 5 luôn dẫn đầu trong công tác phòng, chống dịch, các vùng xanh luôn được bảo đảm an toàn mở rộng, các vùng đỏ, vùng cam được cô lập, thu hẹp.
Với vai trò Đảng ủy viên phụ trách hai khu phố này, cô thiết kế các group liên tổ dân phố, nhằm mục đích tuyên truyền, vận động hội viên nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng, quyết sách của Chính phủ và của UBND thành phố; tin tưởng tuyệt đối vào các phương án phòng, chống dịch. Cô vận động người nhà, con cháu không nghe theo kẻ xấu kích động gây mất trật tự, an ninh; luôn đoàn kết, bình tĩnh xử trí các tình huống xấu, chấp hành nghiêm khuyến cáo 5K, làm tốt vệ sinh khu phố, đường phố. Suốt thời gian dịch bệnh diễn ra khốc liệt, người phụ nữ 67 tuổi ấy vẫn đều đặn đến kiểm tra các chốt bảo vệ vùng xanh trong hai khu phố, nhắc nhở, động viên lực lượng giữ chốt gồm cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên trong đó lực lượng cựu chiến binh là nòng cốt, bảo đảm các ca trực. Nhờ vậy, tất cả các vùng được thiết lập này không bị tái nhiễm Covid-19, qua đó đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch của thành phố.
Cô cùng các chị thuộc các ban điều hành tổ dân phố đã tích cực tham gia công tác tại địa phương trong tổ Covid-19 cộng đồng, chăm lo cho các gia đình bị phong tỏa tại tâm dịch, đi chợ hộ các gia đình phải cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như nắm bắt các nhu cầu của các hộ dân để có những kiến nghị, giúp đỡ họ trong bốn tháng thực hiện "ai ở đâu, ở đấy". "Nhờ có mối quan hệ trong quá trình công tác trước đây nên tôi đã tìm được các nguồn hàng thực phẩm rẻ, bảo đảm chất lượng, tùy theo đơn đặt hàng của từng nhà mà đưa đến cho từng hộ dân. Cũng chính vì vậy không có một người dân nào tự ý đi ra đường, họ tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống chính trị của quận, phường, sự phục vụ tận tâm của tổ Covid cộng đồng giúp họ yên tâm ở nhà chống dịch"- cô Vũ Thúy Hòa kể lại. Cô tâm sự thêm, bất cứ điểm cách ly nào cũng có mầu xanh áo lính vừa già, vừa trẻ. Trong những con hẻm, khu phố, những bước chân không mỏi của các tổ trưởng dân phố vẫn lên đường chăm lo cho các hộ dân cách ly, phong tỏa, đưa các suất ăn đến từng hộ gia đình, vận động mạnh thường quân chung tay hỗ trợ vật chất, ngày công nấu ăn phục vụ mọi người trong tâm dịch. Chính vì thế, dù bị cách ly nhưng mọi người đều không cách lòng, luôn yêu thương, san sẻ cho nhau.
Giờ đây, ngoài vai trò Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ 80, Trưởng ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn TP Hồ Chí Minh, cô Vũ Thúy Hòa còn được mọi người gọi với cái tên thân thương: "Hòa Covid". Với cô, mỗi việc làm của mình không chỉ vì muốn cống hiến, giúp ích cho đời, mà hơn thế, cô và đồng đội mong muốn trở thành những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo, để các bạn thanh niên ngày nay hiểu được giá trị của hòa bình, từ đó tiếp tục sống có lý tưởng bằng những việc làm thiết thực cho đời.
Từ năm 2016 đến nay, Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn TP Hồ Chí Minh (trực thuộc Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn TP Hồ Chí Minh) luôn làm tốt công tác chăm lo cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn và các hoạt động nghĩa tình khác do Hội Trường Sơn Việt Nam, Hội nữ Trường Sơn Việt Nam, Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn TP Hồ Chí Minh phát động. Ban liên lạc đã thăm và tặng quà cho các chị em ốm đau, các hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tổ chức gặp mặt nhân ngày Hội của giới, với tổng số tiền hơn nửa tỷ đồng; ủng hộ người nghèo bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền là hơn 167 triệu đồng. Trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, cùng với Ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn TP Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn Thành phố đã tặng quà cho các hội viên khó khăn với tổng số tiền là 172 triệu đồng.