Đại thắng hôm qua và chiến thắng hôm nay

Đã 47 năm trôi qua nhưng âm vang Chiến thắng 30/4 vẫn lay động muôn trái tim người Việt. Trước mắt chúng ta như vẫn hiện lên "những binh đoàn ta sáng nay từ bốn ngả, đang trở về trong biển tay reo". Thêm một mùa xuân của hòa bình, thống nhất. Thêm một mùa xuân hội nhập quốc tế, hòa hợp dân tộc.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: THANH VŨ
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: THANH VŨ

Đất nước phát triển, chính trị ổn định, kinh tế khá giả, đời sống người dân no ấm, hạnh phúc, sánh vai cùng bạn bè quốc tế, đó là mục tiêu cao cả nhất. Một triết lý giản dị là làm sao để đất nước bình yên, chủ quyền được giữ vững, hòa bình được trọn vẹn, thế nhưng những ngày tháng này trên thế giới vẫn đang nổ ra những cuộc xung đột vũ trang, súng vẫn nổ và máu vẫn chảy. Cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra từ ngày 24/2 là một điều rất đáng tiếc trong thời đại ngày nay. Thậm chí có những lúc, mâu thuẫn giữa hai quốc gia và các thế lực, các liên minh tay ba, tay tư lên đến đỉnh điểm, nhiều nhà phân tích lo ngại về một hậu quả khôn lường, dẫn đến sự phân chia, sắp xếp lại trật tự thế giới. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Đúng như quan điểm của Việt Nam chúng ta, luôn kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh. Điều đó đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia.

Đại thắng mùa xuân 1975 là kết quả tổng hợp của thời cơ cách mạng, sự phát triển có tính chất bước ngoặt về thế và lực của cách mạng Việt Nam, sự hội tụ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chiến thắng vĩ đại đó thể hiện đỉnh cao của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh, lấy ít đánh nhiều, biểu thị một tư duy quân sự độc đáo và sáng tạo. Là một đất nước từng trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng ta hiểu hơn ai hết cái giá của hòa bình. Yêu hòa bình, yêu lẽ phải là lương năng của con người. Chiến tranh sẽ chẳng mang lại gì ngoài khả năng kéo lùi lịch sử, gieo tai họa lên cuộc sống của các dân tộc bị xâm lăng.

Ôn lại những bài học từ chiến thắng vang dội mùa xuân 1975 là dịp chúng ta có thêm bản lĩnh, niềm tin để vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Chiến thắng đó còn là động lực để chúng ta hướng ra biển lớn trong hội nhập quốc tế. Thắng kẻ thù xâm lược còn phải tiếp tục vươn lên thắng mọi kẻ thù, từ thiên tai, dịch bệnh đến sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch; từ sức cản, sức ỳ, sự thoái hóa, biến chất ở ngay trong mỗi con người, điều mà sinh thời Bác Hồ thường gọi đó là thứ "giặc ở trong lòng".

Hơn hai năm qua, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã gây biết bao khó khăn, gian khổ, thử thách ý chí, bản lĩnh của cả dân tộc. Thiệt hại về sinh mạng, về kinh tế là rất lớn, nhưng chúng ta đã đương đầu với sự bình tĩnh, thích ứng linh hoạt, an toàn. Trong cuộc chiến chống đại dịch, tinh thần "thần tốc, táo bạo" lại vang lên, gợi nhớ về một mệnh lệnh ngắn gọn, sắc sảo và hào sảng của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong Cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!".

Bắt đầu từ ngày 29/1/2022 và xuyên Tết Nhâm Dần, cả nước bước vào chiến dịch tiêm vaccine thần tốc. Nhờ đó đã hạn chế rất nhiều sức "công phá" của dịch bệnh. Vào thời điểm cao nhất, có những ngày Hà Nội liên tiếp có số ca nhiễm từ 30 đến 35 nghìn. Tuy nhiên có tới 95% số ca bệnh cách ly, điều trị tại nhà. Số ca bệnh nặng và số tử vong chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thế giới nhận xét, Việt Nam đã "đi sau về trước" trong việc "phủ sóng" vaccine. Có người nói, phải đương đầu với dịch bệnh, trong những tình huống khẩn cấp, cần có phản ứng mau lẹ, quyết sách nhanh chóng, là điều chưa có tiền lệ. Chúng tôi nghĩ, đây không phải là câu nói để né tránh trách nhiệm mà là lời nhắc về sự chủ động, nhạy bén, "mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời". Không chỉ ở ta mà thế giới cũng là như vậy. Từ thời La Mã cổ đại, người ta đã nói: "Người nào được cảnh báo trước, người đó đã được trang bị". Chủ trương chuyển trạng thái bình thường mới bản thân nó đã là lời cảnh báo, nếu không thì đã là bình thường… cũ. Bình thường mới có thể chưa giúp ta nhận thấy những điều mới mẻ, nhưng nó giúp nhận ra những gì ta đã lơ là, ta đã bỏ quên.

Bão tan mưa ấm ngàn cây" là câu thơ như tiếng reo vui của một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Từ giữa tháng 3, Việt Nam đã mở cửa bầu trời, mở cửa mặt đất. Khách du lịch hào hứng trở lại đất nước thơ mộng và mến khách. Trong các điểm du lịch nổi tiếng mà bè bạn lựa chọn có TP Hồ Chí Minh-"hòn ngọc Viễn Đông"- nơi gần 50 năm trước đã viết nên thiên anh hùng ca sáng chói, ghi vào lịch sử đất nước ta như một Chi Lăng, một Bạch Đằng, Đống Đa trong thế kỷ 20. Theo chúng tôi, không phải lúc này chúng ta "mở cửa trở lại" mà là tiếp tục cuộc hành trình sau những gián đoạn, thăng trầm. Và vì thế, vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế là định hướng quan trọng, là mệnh lệnh của cả dân tộc. Những đoàn người đã từng có thời điểm hối thúc nhau về quê tránh dịch, nay đang trở lại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… và nhiều trung tâm công nghiệp khác. Thật là một tín hiệu ấm lòng khi doanh nghiệp hồi phục, đi vào sản xuất, bù lại quãng thời gian đã mất. Ta đang phát triển kinh tế theo đồ thị chữ L, chữ U hay chữ V? Đó là công việc của các nhà nghiên cứu. Nhưng chắc chắn là đang chủ động, cố gắng cao nhất, với những chính sách đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội sát cuộc sống, tiếp tục tìm "cơ" trong "nguy". Ngoại lực rất quan trọng, nhưng nội lực là quyết định. Tin vui tăng trưởng kinh tế-xã hội trong quý I/2022 đã nói lên phần nào sự bứt phá ấy. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Mức tăng trưởng kinh tế quý I năm nay so cùng kỳ năm trước đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,66% của quý I/2020. Đây sẽ là cú huých cho những quý tiếp theo. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp trong quý I/2022 khởi sắc khi các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Nhiều tờ báo kinh tế lớn trên thế giới đã nhắc tới Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực, là quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với dự báo đà tăng trưởng cao trong năm nay. Theo nhận định của HSBC (Việt Nam): "GDP Việt Nam trong quý I/2022 tăng hơn 5% so cùng kỳ năm trước. Con số này nói lên một thông điệp nước này đã lấy lại đà phục hồi ổn định vững vàng".

Những kết quả nêu trên rất đáng trân trọng, như cha ông ta thường nói "có cứng mới đứng đầu gió". Cơn gió ấy thậm chí trở thành bão trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới gánh chịu "bão giá" chưa từng có trong mấy thập niên vừa qua. Niềm vui nhân lên niềm tin và sức mạnh để bứt phá, thực hiện thành công những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp".

"Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng", câu thơ Tố Hữu viết trong ngày toàn thắng, 4/1975, bỗng vang lên! Đại thắng hôm qua và trận thắng hôm nay chung đúc từ truyền thống đấu tranh anh dũng, ngoan cường của dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử. Dẫu chông gai phía trước còn nhiều, nhưng chiến thắng hôm nay và đích đến ngày mai đang chờ đón, thúc giục chúng ta, với niềm tin, trí tuệ và dũng khí của người ra trận thời Đổi mới.

Có thể bạn quan tâm

back to top