1 Dải Hoành Sơn, cửa Nhật Lệ vốn chưa từng gắn liền với tâm thức chia ly, trước ngày tướng quân Nguyễn Hoàng của nhà Lê Trung Hưng đem quân bản bộ vào trấn thủ phương nam (năm 1558), để trở thành "Chúa Tiên" huyền thoại.
Chốn địa linh nhân kiệt ấy thậm chí còn là chứng tích của những võ công "cả nước một lòng, vua tôi hòa mục", như trận phục binh của quân dân đôi bờ năm 1285, khiến đại tướng Nguyên Mông Toa Đô không thể tiến gấp ra Thăng Long hội quân với Thoát Hoan.
"Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia [Thạch Bi sơn] vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta" (Đại Nam thực lục tiền biên, quyển 1)- lời trăn trối của Chúa Tiên năm 1613 chính thức xác lập một cơ nghiệp đế vương, nhưng cũng đồng thời biến Linh Giang thành một lằn ranh nhức nhối.
2 Trước sau, từ năm 1627 đến năm 1672, có tới bảy lần đại chiến giữa quân đội hai bên Trịnh-Nguyễn. Có thể tin rằng, nếu thời cơ thuận lợi, phía nào cũng đặt mục tiêu "thu giang sơn về một mối". Song, những tham vọng này cuối cùng đều buộc phải trở lại điểm xuất phát: Tình trạng chia đôi sơn hà dưới chân Lũy Thầy, trên cửa Nhật Lệ.
Chiến dịch năm 1672, chúa Trịnh Tạc sai con là Thái úy Trịnh Căn cùng tướng Lê Thì Hiến khởi tới 10 vạn quân (nói phao lên là 18 vạn) xuất chinh. Ngược lại, chúa Nguyễn Phúc Tần cùng các danh tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến cũng khởi toàn quân nghênh chiến (nói phao lên là 26 vạn).
Có thể hình dung, chỉ lần động binh ấy thôi, "trăm họ đồ thán" đến mức độ nào, mà quốc lực cả hai phía cũng bị tổn hại ra sao. Và ta có thể cảm nhận, suốt bảy lần đại chiến cũng như hơn 150 năm chia cắt bởi dòng Linh Giang, tiềm lực đất nước cùng những tiến trình giao lưu kinh tế-văn hóa đã bị kìm hãm như thế nào.
Nhưng, "trong nguy có cơ", bối cảnh ấy rút cục lại manh nha đặt nền móng cho một tiến trình tái thống nhất mới của dân tộc, xóa nhòa những nỗi đau chia cắt. Quá trình này bắt đầu từ khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn-với linh hồn là người anh hùng dân tộc Quang Trung-bùng nổ, và kết thúc vào thời điểm vua Gia Long nhà Nguyễn chính thức đánh bại vua Quang Toản nhà Tây Sơn, tiến quân vào Thăng Long. Sông Gianh, cuối cùng, cũng đã khép lại vai trò đau thương mà nó buộc phải nhận, xuyên qua hai thế kỷ: Ranh giới phân chia Đàng Trong-Đàng Ngoài.
3 Song, những nỗi niềm phân cách gắn liền với các danh từ xa lạ trên bản đồ thế giới - Tonkin (Đàng Ngoài) và Cochinchine (Đàng Trong) - ngày đó chắc chắn vẫn không thể so sánh với nỗi đau cách ngăn (dù chỉ kéo dài hơn 20 năm) ở đôi bờ Bến Hải.
Bởi, 20 năm ấy là cảnh "miền nam đi trước về sau", là hàng triệu gia đình ly tán, là 15 triệu tấn bom, đạn, chất nổ… (nhiều gấp ba lần số bom đạn được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai) đổ xuống mảnh đất bé nhỏ hình chữ S này; là con số khủng khiếp hàng triệu sinh mạng người Việt bị cướp đi. Vượt xa khỏi các tham vọng cát cứ quyền lực nội tại như thời phong kiến, là việc một siêu cường hàng đầu thế giới trực tiếp can thiệp, để khắc sâu thêm những thảm trạng đớn đau mất mát lên cả hai phía của lằn ranh bỏng rát mang tên Bến Hải.
Hận thù và chia rẽ, đương nhiên, bột phát từ đó. Nhưng cao hơn, khát vọng hòa bình, mơ ước an lành và trên cả là ý thức chung về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng vẫn luôn bay cao, từ chính dòng sông với cây cầu từng được sơn hai mầu ấy, suốt những năm dài phân ly. Để cuối cùng, bất chấp mọi âm mưu và hành động ngăn cản từ bất cứ thế lực ngoại bang nào, đến ngày 30/4/1975, sông Bến Hải hay cầu Hiền Lương đã vĩnh viễn được rũ bỏ vai trò một biểu tượng phân ly. Từ ải Nam Quan về đến mũi Cà Mau, non sông của người Việt lại thật sự nối liền một dải, với một mầu cờ duy nhất.
Điều đó, đơn giản, có nghĩa là hòa bình. Có nghĩa là những người lính đặt súng xuống, mơ ngày khoác ba-lô về làng, trên tay cầm món đồ chơi cho đàn con đã xa vắng bố lâu ngày. Có nghĩa là bầu trời ngát xanh sẽ không còn rung chuyển bởi tiếng bom, hay vẩn đục bởi màu khói pháo. Có nghĩa là ước vọng "Xé mây cho sáng trăng vàng/khai sông nối bến cho nàng về anh" đã trở thành hiện thực.
Cũng như Linh Giang trăm năm trước, cuối cùng, Bến Hải đã trở lại nguyên thủy là một dòng nước hiền hòa…