"Kẻ thù buộc ta ôm cây súng"
Không phải ngẫu nhiên, những người anh hùng chống ngoại xâm đã luôn ở vị trí tôn kính nhất, trong tâm thức và dòng chảy cuộc sống bao đời. Ký giả, nhà sử học người Mỹ Stanley Karnow nhận xét: "Bên cạnh việc sản sinh ra một quan niệm rằng trong mỗi con người Việt Nam tiềm tàng một chiến binh, ký ức về những trận chiến đấu ấy đã tôi luyện nên một ý thức mãnh liệt về bản sắc dân tộc. Ý thức ấy vẫn đập đều đặn trong văn chương, kịch nghệ và nghệ thuật dân gian ở Việt Nam". Nhưng, đi qua bao nhiêu cuộc chiến chống ngoại xâm với bao hy sinh mất mát, dòng chảy của dân tộc Việt Nam luôn là dòng chảy của khát vọng hòa bình.
Liệu ai có thể khát khao hòa bình, độc lập, thống nhất hơn những người chiến sĩ tạm biệt Thủ đô Hà Nội năm 1946, bỏ lại phú quý sau lưng để lên rừng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp? Hay những chiến sĩ Quân Giải phóng miền nam, những cán bộ nội thành Sài Gòn "nếm mật nằm gai" ngày ngày chứng kiến sự giàu có và sức mạnh vũ khí của Hoa Kỳ-siêu cường số 1 thế giới-nhưng vẫn bền gan chiến đấu?
Không phải vài trăm người, vài nghìn người mà là cả một thế hệ người Việt Nam đã bền bỉ gây dựng, trường kỳ chịu đựng gian khổ, hy sinh lợi ích cá nhân, thậm chí hy sinh cả tính mạng cho lý tưởng chung. Trung tướng Mỹ Bernard Trainor so sánh cuộc chiến ở Việt Nam với cuộc chiến tranh giành độc lập Mỹ: "Tôi thấy cuộc kháng chiến của Việt Nam có nét tương đồng với cuộc Cách mạng của Mỹ. Cũng như các nhà cách mạng Mỹ thời đó, người Việt quyết chiến đến cùng. Những người dân Mỹ hồi đó đã đi tới một quyết định rằng độc lập là thiết yếu. Họ đặt cược tính mạng và của cải của mình vào sự nghiệp giành độc lập...".
Những ngày tháng tư này, giữa một đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, chúng ta càng hiểu thêm giá trị của Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Khi đi tìm "một điều gì đó không liên quan đến khoa học quân sự cổ điển", Pino Tagliazucchi, nhà nghiên cứu người Italy đã kết luận: "Đó là tổng hòa của lịch sử-văn hóa của dân tộc Việt Nam, cũng như sự ý thức cuộc đấu tranh vì độc lập là của tất cả mọi người".
Chiến thắng để dựng xây hòa bình
Vượt qua chiến tranh trước những đối phương hùng mạnh là vinh quang chói lọi. Vượt qua khác biệt giữa những cựu thù để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển cũng là một cuộc chiến thầm lặng với rất nhiều nỗ lực.
Ta có thể kể tới những nỗ lực của Việt Nam khi tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh, như điểm khởi đầu của tiến trình hòa giải. Từ trước khi hai nước Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hiện điều đó trên tinh thần nhân đạo truyền thống của dân tộc. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Văn phòng Cơ quan kiểm kê tù binh, người mất tích Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA) tại Việt Nam, trung tá Adam Point, Trưởng Văn phòng phát biểu: "Lòng tốt và sự đồng cảm giữa các gia đình cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam đã là nền tảng trụ cột để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia".
Vừa qua, trong chuyến làm việc tại Điện Biên Phủ, Tham tán thứ nhất Đại sứ quán Pháp Cécile Vigneau, Tùy viên quốc phòng, đại tá Frédéric Daumas và Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp Hervé Conan đã viếng thăm Bia tưởng niệm lính Pháp và Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Trên mảnh đất chiến trường xưa-nơi hai bên gặp nhau bằng súng đạn, một thông điệp mới được truyền đi từ phía các bạn Pháp: "Ngày nay, nơi đây cũng là một biểu tượng cho sự lựa chọn của hòa giải và hợp tác, dựa trên mối quan hệ sâu sắc giữa hai dân tộc của chúng ta để cùng hướng tới tương lai".
Người Việt Nam đã bền gan, vững chí đi qua cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm và chúng ta đã, đang đi tiếp con đường của khát vọng hòa bình. Đúng như lời cố GS, TS Nguyễn Huy Phan (Phó Viện trưởng Quân y 108), "người đi lối tiểu ngạch khai thông quan hệ Việt - Mỹ": "Anh biết không, cha tôi bị người Pháp giết, em trai tôi bị người Mỹ sát hại trong hai cuộc chiến tranh và tôi không phải là người duy nhất phải chịu đựng sự tàn khốc của chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã đi qua. Tất cả chúng ta hãy hướng tới tương lai".
Và ngày 30/4 - Ngày "non sông thu về một mối" - vẫn sẽ vĩnh viễn là mốc son đánh dấu không chỉ một chiến công vĩ đại, mà còn là thời khắc hoa hòa bình bừng nở, trên tay một "dân tộc chiến binh".
Ðại biện lâm thời Ðại sứ quán Lào tại Việt Nam Chanthaphone Khammanichanh:
Mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Quân đội và nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 làm chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, chủ nghĩa thực dân mới và đế quốc trên đất nước Việt Nam. Thắng lợi của quân đội và nhân dân Việt Nam còn là chiến thắng tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, là đòn bẩy thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới. Chính chiến thắng này là nguồn cổ vũ, động viên các dân tộc Lào tiến hành công cuộc giải phóng đất nước.
Ðại sứ Cuba Orlando Hernández Guillén:
Việt Nam - ngọn hải đăng kiên cường

47 năm sau Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, di sản kháng chiến, đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam là ngọn hải đăng cho các dân tộc bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết chống lại sự xâm lược của các cường quốc. Năm 1975, miền nam Việt Nam được giải phóng và tháng tư cũng trở thành tháng của những người làm cách mạng, bởi vào tháng 4/1961, tại Bãi biển Playa Girón, Cuba lần đầu đánh bại chủ nghĩa đế quốc ở Mỹ latin.
Ngày 30/4/1975, ngay khi biết tin chiến thắng ở miền nam Việt Nam, Fidel Castro đã đến trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở La Habana và cùng chung vui với thắng lợi anh hùng đầy vẻ vang của nhân dân Việt Nam. Fidel gửi những cái ôm nồng nhiệt, thắm thiết tới Đại sứ Hà Văn Lâu và tất cả các nhân viên nơi đây, bỏ qua nghi thức ngoại giao, sẻ chia niềm vui với những người anh em Việt Nam như trong một gia đình. Vị Tổng Tư lệnh khẳng định, đó không chỉ là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, mà còn là thắng lợi của nhân dân Cuba và tình đoàn kết quốc tế.
Cuba vinh dự là quốc gia đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và tiếp nhận cơ quan đại diện thường trực tại La Habana. Ở đất nước chúng tôi, năm 1967 là "Năm Việt Nam Anh hùng". Hai năm sau đó, chúng tôi là những người đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam và mở đại sứ quán ngay trong khu rừng tại Tây Ninh.
Với tinh thần đoàn kết và sự đồng lòng, trước sau như một, Việt Nam luôn sát cánh cùng Cuba trong mọi giai đoạn phát triển. Đất nước Việt Nam anh hùng luôn là một trong những người bạn, người anh em chí cốt của Cuba trong những thời điểm khó khăn nhất, ủng hộ chúng tôi trong cuộc chiến nhằm dỡ bỏ cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính bất công do Mỹ áp đặt đối với Cuba. Chúng tôi tin rằng, mối quan hệ lịch sử và đặc biệt gắn kết hai dân tộc, hai đảng và chính phủ của chúng ta là cơ sở vững chắc để Cuba và Việt Nam tiếp tục nâng cao hơn nữa sự hợp tác về kinh tế, thương mại và tài chính lên mức độ tương xứng mối quan hệ chính trị.
Chủ tịch Fidel Castro từng nói: "Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã viết nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!". Và vì mục tiêu cao đẹp như vậy, người Việt Nam đã đấu tranh không mệt mỏi trong suốt những tháng năm đó, và chắc chắn sẽ tiếp tục đấu tranh vì chủ quyền dân tộc!
Nhóm PV (thực hiện)