Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022)

Ngụ ngôn của một ngày bình thường

Ở một góc trời Ukraine, những ngày này súng đạn vẫn cướp đi bao nhiêu sinh mạng. Cứ nghe tới chiến tranh, ký ức tuổi thơ trong tôi lại ào về. Không còn là sự hình dung ngắt quãng chập chờn qua chập chùng ngày tháng, với internet, những thước phim, những hình ảnh nóng bỏng của chiến trường Quảng Trị 50 năm trước của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới vẫn được lưu giữ trên không gian mạng.

Thị trấn Đông Hà của 50 năm trước. (Ảnh tư liệu)
Thị trấn Đông Hà của 50 năm trước. (Ảnh tư liệu)

Tôi tìm thấy tuổi thơ tôi trong dòng lưu dân trên những thước phim ấy, đứa trẻ sáu tuổi ngác ngơ giữa chiến tranh, mà nhờ một phép màu nào đó, tôi đã may mắn không phải nằm trong những bức ảnh tang thương kia - bức ảnh với xác những đứa trẻ nằm xếp lớp bên con đường quốc lộ số một từ Quảng Trị vào Huế. Tôi đã tần ngần rất lâu trước một tấm hình chụp con đường đi ngang Bưu điện tỉnh Quảng Trị bây giờ. Tấm hình của năm 1972 ấy là hình ảnh một thị trấn tang thương đổ nát. Còn bây giờ, quanh khu vực đó ngày nào cũng tấp nập hình ảnh những em bé mặc đồng phục tới lớp. Nhà tôi ở cạnh cả ba ngôi trường, Trường mầm non Hoa Sen, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi. Và một niềm vui mỗi ngày của tôi là được nhìn những đứa bé đến trường. Cả gương mặt rạng rỡ của những ông bố bà mẹ ngày ngày đưa con đi học. Dường như có những điều rất đỗi bình thường mà rất ít người nhận ra, rằng hạnh phúc lớn lao nhất nằm trong sự bình thường ấy. Có đi qua tao loạn đạn bom, mới thấy chỉ riêng việc mỗi ngày bình yên được đưa con đến trường là hạnh phúc vô giá.

Hơn nửa thế kỷ trước, cũng lứa tuổi này bao đứa bé thời chiến đã đi vào câu thơ Tố Hữu "chào các em, những đồng chí tương lai/ mang mũ rơm đi học đường dài". Đấy là câu chuyện về những thế hệ học trò đất bắc đến trường dưới bom đạn. Lớp học, là căn hầm chữ A và những câu thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa ngày nào vẫn vương mùi khói bom: "Em nghe như Bác dạy lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/ Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi" (Góc sân và khoảng trời).

Tôi sống ở miền nam, không "mang mũ rơm đi học đường dài" nhưng ký ức tuổi thơ tôi hình như rất ít chỗ cho trò chơi mà nỗi ám ảnh thường trực vẫn là bom đạn. Chừng như khi tôi chập chững biết đi thì những tiếng nổ đêm đêm đã ăn vào ký ức. Căn hầm đào ngay dưới giường nằm, đang ngủ rất yên lành bỗng mẹ tôi bật dậy ôm lấy tôi lăn vội xuống hầm khi tiếng súng vang đâu đó. Rồi sáng mai ra tôi nghe người lớn kháo nhau: Hồi hôm "cộng" về-"Cộng về" chính là những du kích, bộ đội địa phương bám trụ ở những cánh rừng bên kia sông Hiếu, đêm đêm về tập kích chi khu quân sự ngay gần nhà tôi.

Năm tôi lên sáu tuổi, quân giải phóng đánh mạnh trên chiến trường Quảng Trị, cả làng gồng gánh xô đẩy dắt díu nhau chạy tránh đạn bom, xe pháo ầm ào ngược xuôi lẫn trong dòng dân vô tội không biết tiến thoái thế nào. Pháo từ đâu câu đến giữa dòng người đang chạy, khi ấy cái cống thoát nước bên dưới lòng quốc lộ bỗng trở thành nơi trú ẩn. Bà nội tôi bế tôi vào trước, mẹ bồng em nhỏ chui theo, rồi không nhớ bao nhiêu người chen chúc nhau nêm kín lòng cống chật hẹp. Tôi không sao thở nổi, thằng bé em tôi ngằn ngặt không thét ra hơi, chỉ chực chết ngộp, may sao pháo ngớt, người ta bò ra khỏi cống, tôi hớp hớp những giọt không khí… Bà nội tôi và mấy mẹ con dắt díu nhau chạy bộ từ Cam Lộ vào tận Huế, băng đồng mà đi, mệt đâu ngủ đấy, thằng em trai chưa đầy hai tháng tuổi của tôi mấy lần uống no nước khi mẹ tôi bế nó lội vượt ào qua những khe suối sâu ngập quá đầu mẹ… Đói đến đâu thì xin ăn ở đấy, rồi một ngày đôi chân thơ bé của tôi không đủ sức lon ton chạy theo bà theo mẹ được nữa, bà nội tôi kiếm đâu đôi quang gánh ai vứt bỏ ở vệ đường rồi bỏ tôi vào một đầu thúng, đầu kia phải bỏ thêm hòn đá cho thăng bằng mà gánh tôi đi. (Giờ đây ai ngang qua vùng cát trắng ven quốc lộ 1A ngang huyện Hải Lăng sẽ thấy một tượng đài Đức Phật Địa Tạng được dựng lên giữa sa ngàn cát trắng để cầu nguyện cho hàng trăm linh hồn dân lành vô tội đã nằm lại trên cát trắng này một ngày mùa xuân 1972, cái ngày thảm nạn Cầu Dài đã ngập đầy bản tin chiến sự)… Rồi cả nhà cũng vào đến Huế, tiếp tục xiêu dạt vào Đà Nẵng. Trại tạm cư Hòa Khánh hỗn mang, ngập các sắc lính, đêm đêm thấp thỏm âu lo những tiếng nổ tập kích. Rồi lính tráng say rượu, thua bạc mở lựu đạn, nơm nớp và bất an (sau này, chị Bé, người đàn bà trong phim Đời cát, nhân vật của tôi trong bài báo "Đời buồn hơn cả phim" cũng kể rằng chị bị cướp mất đôi chân trong một bi kịch tương tự như thế tại khu tạm cư Hòa Khánh, khi ấy chị mới ba tuổi). Rất nhiều lần những tiếng khóc ai oán vọng lên trong những ngôi nhà tạm cư, nghĩa là một người thân nào đó của họ chết trận. Tuổi thơ tôi cứ lang thang cát bụi qua những trại tạm cư, không có chỗ cho đồng dao hay dế mèn, không có chỗ cho cổ tích và cánh diều… chỉ mơ hồ nhận ra chiến tranh là một điều gì rất kinh khủng.

Những nếp hằn chiến tranh chạm khắc vào trí óc thơ dại. Thằng nhóc tôi mới sáu tuổi thì làm gì biết nghe nhạc Trịnh? Nhưng những mảnh ký ức giằng xé và ám ảnh ấy đủ cho tôi sau này lớn khôn, nhận biết chút ít về thân phận trần ai của kiếp người trong những ca khúc của Trịnh, thì khi ấy ký ức tuổi thơ như những hồi quang vọng về qua điệp trùng ngày tháng soi vào từng ca từ của Trịnh, không ầm ào tiếng binh đao mà nghe ròng ròng lệ ứa: "Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người…". Những đêm trên trảng cát trắng Hòa Khánh tôi vẫn nhớ những ánh hỏa châu vút lên trên nền trời nhập nhòa, cái sắc trời của vùng đất sát bên biển, cái màu âm âm mờ tối của những tiếng súng vọng về từ phía núi, cái màu sáng vàng vọt của những đêm trăng mùa đông, những vệt khói của máy bay B.52 vương lại sau khi ném bom bay về…

Sau này tôi theo gia đình xiêu tán theo nhiều cuộc tao loạn khác, những ngày tạm cư ở vùng đồi Câu Nhi giáp vùng giải phóng Quảng Trị cả nhà tôi thường xuyên sống dưới hầm. Căn hầm bé tí dưới căn nhà tôn tạm bợ, không ngày nào không nghe những tiếng pháo vọng về từ miệt miền tây Trị Thiên, những cuốn truyện cổ tích cha tôi mua cho tôi đọc hình như chẳng có cho tôi một giấc mơ hoàng tử hay công chúa nào cả. Khi ấy tôi chỉ có một ước mơ vô cùng lớn là cả nhà có một căn hầm thật chắc chắn, thật an toàn, đầy đủ lương thực cho cả nhà tôi sống trọn đời trong đó. Giờ đây trên xứ sở mình hẳn chẳng một đứa trẻ nào mơ những giấc mơ như thế! (cách đây khá lâu có một cô bé nước ngoài với bài thơ về chiến tranh đã mơ: "Nếu Trái đất hình vuông, trẻ con có thể trốn vào trong góc, nhưng trái đất tròn - nên các em không có chỗ nào để nấp"). Rồi mùa xuân 1975, tôi nhớ khi cả nhà trở vào Huế, chạy về quân cảng Thuận An… những cái chết tức tưởi trong cuộc đua tranh mất còn để vượt sóng lao ra với chiếc tàu buông neo ngoài khơi mong thoát khỏi một cuộc "tắm máu" như luận điệu hù dọa tuyên truyền của bộ máy chiến tranh. Cha tôi bảo:
Không chạy đi đâu nữa, về lại làng! Khi ấy tôi vừa 10 tuổi.

Tuổi thơ tôi ra khỏi chiến tranh!

Nhưng chưa ra hẳn! 

Nhiều năm sau ngày hòa bình, bom đạn còn vương lại trong đất đai đồng ruộng quê nhà vẫn tiếp tục mang nỗi đau hậu chiến khoác những vành khăn tang trắng lên hầu hết thôn dân trong xóm nghèo quê tôi. Và người cha thân yêu của mấy anh em tôi cũng nằm xuống đồng bãi quê nhà bởi một quả bom bi lẫn sâu trong cỏ, dù ngọn gió hòa bình đã thổi qua làng tôi nhiều năm rồi…

Ngụ ngôn của một ngày bình thường -0
…cũng quãng đường ấy, đi ngang qua tòa nhà bưu điện thành phố bây giờ.  

Thấm thoát 50 năm đi qua, đi qua bao nhiêu bể dâu, bao nhiêu tháng ngày gieo neo khốn khó, nhưng rồi tất cả vẫn bước về phía trước…

Cuộc sống của bao nhiêu người có thể còn gian khó, mỗi ngày vẫn còn đánh vật với trần ai mưu sinh, nhưng ông bà ta xưa đã có một đúc kết chí lý: Ăn no chẳng bằng ở yên! Cái "ở yên" ấy chính là hiện thân cụ thể của giấc mơ thái hòa cho mọi người, cho mỗi ngày.

Bao nhiêu mồ hôi nước mắt và cả máu gây dựng cuộc sống mới như những câu thơ của Huy Cận thuở nào trong bài "Trời mỗi ngày lại sáng" viết cách nay gần hai phần ba thế kỷ vẫn nguyên đán tinh khôi hơi thở của bình yên của ngày tháng bây giờ: "Cuộc sống còn khó nhọc/ Nhưng đời đổi mới rồi/ Tiếng trẻ con ngồi học/ Giục mùa xuân đâm chồi…".

Mạ tôi, ở tuổi gần chín mươi, cứ mỗi lần thấy trên ti-vi những đạn bom đâu đó xa xôi, những chuyện khủng bố ở xứ này xứ khác, những cái chết của dân lành vô tội… lại bảo tắt tôi tắt ti-vi. Chiến tranh với mạ tôi đã quá đủ hơn nửa chặng đời, và bây giờ những đứa cháu nội ngoại mỗi ngày quây quần bên bà dưới tán cây xanh mát trong mảnh vườn nhỏ chứ không phải ngồi dưới căn hầm với ầm ì tiếng bom pháo vọng về, với mạ tôi, đấy đã là hạnh phúc.

Ai đã đi qua chiến tranh sẽ hiểu, hạnh phúc không phải là một điều gì cao xa ghê gớm. Những ký ức của một tuổi thơ tao loạn chiến tranh vẫn rọi về trong tâm trí, đủ cho tôi hiểu rằng, mỗi ngày bình yên hôm nay, không nghe súng đạn rền vang ấy đã là hạnh phúc. Bởi có được cái ngày hôm nay tôi thường nghĩ về hàng hàng mộ bia trong gần một trăm nghĩa trang trên đất Quảng Trị, những mộ bia ấy đã nói lên rất nhiều những ẩn dụ của hòa bình, những ngụ ngôn của một ngày bình thường mà đôi khi vì quá bình thường người ta không kịp hiểu đó là hạnh phúc, như Girbal đã viết: "…Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta có thêm ngày nữa để yêu thương…".

Đã tròn năm mươi năm từ mùa hè 1972! Và may mà chiến tranh đã kết thúc. Bởi chiến tranh chỉ kéo dài thêm dăm bảy mùa hè nữa, thì những đứa bé tầm tuổi thiếu nhi như chúng tôi sẽ đủ tuổi để buộc phải cầm súng.

Chỉ cần nghĩ như thế, là đủ để thấm thía hai tiếng: Hòa bình!

Có thể bạn quan tâm

back to top