Chuyển đổi xanh trong ngành sản xuất giấy

Chú trọng đổi mới công nghệ và ứng dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, ngành sản xuất giấy đang có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng bền vững quốc gia. Từng được coi là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, “xanh hóa” vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời chuyển dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt nhà máy công suất lớn đã tạo ra sự phát triển đúng hướng cho ngành giấy.
Hàng loạt nhà máy công suất lớn đã tạo ra sự phát triển đúng hướng cho ngành giấy.

Trái ngọt từ phát triển bền vững

Là một trong những doanh nghiệp tốp đầu của ngành sản xuất giấy, bao bì, Công ty CP Miza hiện đang vận hành theo mô hình kinh tế tuần hoàn từ nguyên liệu, sản phẩm cho đến tái chế chất thải. Trước những yêu cầu mới của ngành sản xuất giấy, ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Miza cho biết: “Từ khi thành lập, chúng tôi đã định hướng phát triển bền vững nên sẵn sàng đầu tư mạnh vào dây chuyền, công nghệ xử lý và coi đây là lợi thế cạnh tranh. Năm 2023, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh ESG và đặt mục tiêu huy động 200-300 tỷ đồng trái phiếu xanh vào quý II/2025 để mở rộng sản xuất. Trong nguy có cơ, doanh nghiệp nào làm tốt vấn đề môi trường, doanh nghiệp đó sẽ tồn tại”.

Tái chế giấy cũ không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tạo ra giá trị kinh tế từ nguồn tài nguyên có sẵn. Trung bình, mức tăng trưởng của ngành sản xuất giấy đạt từ 6-8%/năm, tuy nhiên Tổng Giám đốc CTCP Miza Lê Văn Hiệp lại tự tin doanh nghiệp sẽ vượt mức này nhờ định hướng phát triển bền vững.

“Tái chế giấy sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển “kinh tế xanh”, tiết kiệm nguồn nước, năng lượng và giảm phát thải ra môi trường. Khi các lợi ích cùng cộng hưởng sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nơi các sản phẩm được sử dụng và tái chế tạo thành chuỗi khép kín. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy thị trường tiêu dùng bền vững”, CEO Lê Văn Hiệp cho biết.

Kết thúc năm 2024, Công ty CP Miza tiếp tục đà tăng trưởng với doanh thu 4.445 tỷ đồng - tăng 38,9% so với 2023; lợi nhuận sau thuế tăng 16,5% lên mức 72,8 tỷ đồng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những chi phí đầu tư cho phát triển bền vững mà Miza bỏ ra đã đến ngày được hái trái ngọt. Tại phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu của Công ty CP Miza (mã chứng khoán MZG) bật tăng kịch trần. Như vậy, chỉ tính từ cuối tháng 1/2025 đến nay, cổ phiếu này đã đạt mức tăng gần 30%.

“Với giá trị sổ sách là 12.000 VNĐ/cổ phiếu thì rõ ràng thị giá hiện tại của MZG thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, nhất là Miza Group đã có lộ trình niêm yết tại Hose vào quý III năm nay để tăng tính thanh khoản và khẳng định sự minh bạch với nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm đánh giá.

Hình mẫu kinh tế tuần hoàn

Trong định hướng phát triển đến năm 2030, ngành giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn với sản lượng giấy, bột giấy đứng thứ 2, giấy bao bì đứng thứ nhất trong khu vực Đông Nam Á và tốp 10 châu Á. Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm (Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam) đánh giá: Việt Nam đang là ngôi sao sáng về thu hút vốn FDI, điều này sẽ tạo ra dư địa phát triển cho những đơn vị công nghiệp phụ trợ như sản xuất giấy bao bì. Đặc biệt liên quan đến câu chuyện xuất khẩu, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đề cao yếu tố bảo vệ môi trường thì những doanh nghiệp phát triển xanh, bền vững như Miza sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn.

Sản xuất bột giấy và giấy là một ngành công nghiệp có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường nếu không được quản lý đúng cách. Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh đã quyết liệt dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường tại làng nghề Phong Khê. Cùng với đó, việc bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp này ngày càng được quy định chặt chẽ. Chuyển dịch xanh không còn là xu thế mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp ngành giấy.

Nhấn mạnh đến yếu tố phát triển bền vững, ông Hoàng Trung Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam cho biết: Đối với các doanh nghiệp ngành giấy, điều quan trọng nhất bây giờ là phải coi trọng đầu tư vào công nghệ, thiết bị tiên tiến, đẩy mạnh số hóa, tự động hóa, thực hành kinh doanh bền vững theo tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Ngoài nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề thì Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng giấy trên đầu người mỗi năm còn đang ở mức thấp vào khoảng 60 kg, Trung Quốc khoảng 100 kg, trong khi các nước phát triển như Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện đã hơn 200 kg. Các chuyên gia dự báo, nhu cầu tiêu dùng giấy ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), tái chế một tấn giấy đã qua sử dụng sẽ không phải chặt 17-24 cây gỗ trưởng thành; đồng thời trong quá trình sản xuất giúp tiết kiệm được gần 26.000 lít nước, khoảng 4.000 kWh điện, 605 lít dầu thô. Đặc biệt, so với quá trình sản xuất một tấn giấy từ gỗ, sản xuất giấy tái chế còn giúp giảm 35% nguy cơ ô nhiễm môi trường, 95% lượng khí thải... Để phát triển bền vững, ngành giấy Việt Nam cần phải đầu tư bài bản vào khâu sản xuất bột giấy và tiếp tục cải thiện nâng cao tỷ lệ thu gom giấy đã qua sử dụng.