Cơ hội cho hòa bình ở Libya

Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya vừa thông báo về việc thành lập Ủy ban ngừng bắn chung với Hội đồng Tổng thống Libya. Động thái tích cực này nhằm hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình bền vững tại thủ đô Tripoli của Libya, nơi vốn chìm đắm trong làn sóng bạo lực vũ trang suốt thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Một tòa nhà bị phá hủy do các cuộc đụng độ bạo lực ở thủ đô Tripoli của Libya. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Một tòa nhà bị phá hủy do các cuộc đụng độ bạo lực ở thủ đô Tripoli của Libya. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Động thái tích cực này nhằm hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình bền vững tại Thủ đô Tripoli của Libya, nơi vốn chìm đắm trong làn sóng bạo lực vũ trang suốt thời gian qua.

Tuyên bố củaPhái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) nêu rõ, Ủy ban ngừng bắn chung sẽ do Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Libya Mohammed Al-Haddad đứng đầu. Nhiệm vụ chính của ủy ban là điều phối các biện pháp an ninh, bảo vệ dân thường và tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài ở thủ đô Tripoli. UNSMIL nhấn mạnh, các bên liên quan đã thể hiện cam kết tránh leo thang tình hình và sẵn sàng đối thoại vì lợi ích quốc gia.

Quyết định thành lập Ủy ban ngừng bắn chung được cộng đồng quốc tế đánh giá là bước đi đột phá sau các cuộc giao tranh ác liệt bùng phát ở nhiều khu vực của Tripoli, giữa lực lượng trung thành với Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) Abdul-Hamed Dbeibah và Cơ quan Hỗ trợ ổn định Libya (SSA) trực thuộc Hội đồng Tổng thống Libya.

UNSMIL cũng tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về những thương vong đáng tiếc đối với dân thường do bạo lực gây ra, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện và lâu dài, cũng như nối lại đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh tại Libya.

Các cuộc đụng độ dữ dội bùng phát trong tuần qua tại Tripoli giữa Lữ đoàn 444 và SSA - cơ quan được Hội đồng Tổng thống Libya thành lập năm 2021 để duy trì an ninh tại thủ đô Tripoli và chống tội phạm có tổ chức.

Dư luận cho rằng, các cuộc đụng độ này có liên quan cái chết của người đứng đầu SSA Abdul Ghani al-Kikli. SSA cáo buộc ông này bị lực lượng đối lập ám sát. Vụ việc đã kích hoạt làn sóng trả đũa từ các nhóm vũ trang thân cận với SSA, dẫn đến giao tranh ác liệt kéo dài nhiều ngày qua.

Các tổ chức quốc tế và các quốc gia trong khu vực bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực bùng phát ở thủ đô Tripoli.

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Mahmoud Ali Youssouf nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa Tripoli, kêu gọi các bên kiềm chế các hành động “lửa đổ thêm dầu” vào tình hình an ninh vốn đã bất ổn ở Libya.

Chủ tịch AU tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của AU đối với an ninh và ổn định ở Libya, kêu gọi các bên liên quan cam kết nghiêm túc tuân thủ Hiến chương Hòa giải quốc gia, được ký kết tại Ethiopia vào tháng 2 vừa qua.

Kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến năm 2011 sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya rơi vào tình trạng chia rẽ quyền lực với hai chính quyền đối lập cùng tồn tại. Một bên là Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya, đang kiểm soát miền tây Libya với trung tâm là Tripoli, được Liên hợp quốc công nhận; bên còn lại là chính phủ miền đông, nhận được sự hậu thuẫn từ Quân đội quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy.

Ai Cập khẳng định cam kết hỗ trợ toàn vẹn lãnh thổ và ổn định chính trị của Libya, tái kêu gọi sớm tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở quốc gia Bắc Phi.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cảnh báo, các cuộc đụng độ có nguy cơ gây ra tình trạng di dời hàng loạt, kêu gọi các bên tham chiến tại Libya ngừng ngay lập tức các hành động thù địch để bảo vệ dân thường theo luật pháp quốc tế.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bày tỏ lo ngại trước tình trạng bạo lực leo thang trong và chung quanh thủ đô Tripoli đe dọa cuộc sống và sự an toàn của gần 500.000 trẻ em.

Theo UNICEF, nhiều trẻ em, gia đình và nhân viên y tế đã bị mắc kẹt tại các bệnh viện do giao tranh. Trong suốt thời gian xảy ra xung đột, các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp không thể tiếp cận các cơ sở y tế để cung cấp những hỗ trợ cần thiết. UNICEF kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Kể từ khi bùng phát cuộc nội chiến năm 2011 sau cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya rơi vào tình trạng chia rẽ quyền lực với hai chính quyền đối lập cùng tồn tại.

Một bên là Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya, đang kiểm soát miền tây Libya với trung tâm là Tripoli, được Liên hợp quốc công nhận; bên còn lại là chính phủ miền đông, nhận được sự hậu thuẫn từ Quân đội quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar chỉ huy.

Dù đã có nhiều lời kêu gọi giải trừ vũ khí và thống nhất các lực lượng an ninh, nhưng những nỗ lực này vẫn gặp nhiều khó khăn do sự tranh giành lợi ích giữa các phe phái đối địch ở quốc gia Bắc Phi.