Công nghệ góp phần bảo tồn di sản

Không dừng lại ở việc tích hợp công nghệ nâng tầm sản phẩm thời trang, nông sản, Phygital Labs-công ty khởi nghiệp của hai cựu kỹ sư Google là Nguyễn Huy và Đỗ Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh còn bắt tay triển khai nhiều dự án góp phần lan tỏa giá trị của di sản, văn hóa và dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Đỗ Nam, Giám đốc công nghệ Công ty Phygital Labs giới thiệu hành trình định danh các sản phẩm trên không gian số.
Anh Đỗ Nam, Giám đốc công nghệ Công ty Phygital Labs giới thiệu hành trình định danh các sản phẩm trên không gian số.

Giải pháp công nghệ mà Phygital Labs đưa ra có tên là Nomion với chức năng định danh số vạn vật. Nomion tạo nên tính duy nhất cho từng sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và blockchain (công nghệ chuỗi khối).

Công nghệ này bảo đảm tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và không gian số. Thông qua chip thông minh định danh, Phygital Labs ứng dụng thêm công nghệ LiDAR (quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và trở thành mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế số.

“Vật lý số” là khái niệm còn rất mới mẻ tại Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng cho thị trường công nghệ. Đại diện Phygital Labs cho rằng, việc áp dụng đúng vật lý số vào đời sống sẽ giúp nâng cao giá trị của vật phẩm, góp phần tự động hóa các quy trình và trải nghiệm của người dùng, giảm công sức cũng như chi phí lưu trữ.

Phygital Labs vừa ký kết hợp tác với Trung tâm Thông tin UNESCO, cùng bắt đầu dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa Việt” trên nền tảng lưu giữ, trưng bày, quảng bá và ứng dụng văn hóa truyền thống vào các lĩnh vực của cuộc sống đương đại.

Theo đó, Trung tâm Thông tin UNESCO sẽ tìm kiếm, đề xuất các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp, xây dựng đội ngũ chuyên gia văn hóa thực hiện các nghiên cứu về những giá trị, hiện vật được chọn. Từ đó trung tâm cùng Phygital Labs thiết kế giải pháp ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm văn hóa cụ thể; đồng thời xây dựng nền tảng số để lan tỏa, truyền bá các giá trị văn hóa này.

Cách đây không lâu, Nomion của Phygital Labs đã được tích hợp vào các sản phẩm độc đáo của thương hiệu thời trang số Ortho Starlight chỉ bằng một con chip nhỏ. Không chỉ mã hóa thông tin sản phẩm, công nghệ mới từ Nomion còn cung cấp được nhiều nội dung người mua quan tâm dựa trên nhiều khảo sát thực tế.

Những thông tin này giúp người sở hữu an tâm về nguồn gốc, thành phần của sản phẩm cũng như giúp nâng cao giá trị cho các mặt hàng được sản xuất theo hình thức giới hạn, độc bản. Chỉ bằng một lần chạm với điện thoại thông minh, người dùng có thể tiếp cận các thông tin truy xuất nguồn gốc, câu chuyện hình thành, cấu tạo sản phẩm, giá trị, tiêu chuẩn.

Quảng bá cà-phê, hồ tiêu và các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại Việt Nam cũng là hướng đi mà Nguyễn Huy và Đỗ Nam chọn trong việc triển khai công nghệ thông minh.

Thông qua công nghệ, họ để người nông dân, đơn vị sản xuất và kinh doanh nông sản kể lại câu chuyện sản phẩm theo cách độc đáo nhất, từ đó tạo nên dấu ấn riêng trên không gian số.

“Phần bao bì của một gói cà-phê trên thị trường hiện nay chưa cung cấp đầy đủ những thông tin mà khách hàng cần tìm cho nên khó quyết định được giá trị sản phẩm. Vậy, làm sao chúng ta kể được câu chuyện về hành trình tỉ mỉ, chăm chút, săn lùng giá trị cốt lõi của sản phẩm để lan tỏa đến mọi người. Chúng tôi đưa ra giải pháp bằng chip định danh. Chỉ cần một thao tác đơn giản, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc của hãng cà-phê, dòng cà-phê, tìm hiểu về các câu chuyện thú vị liên quan, mùi vị đặc trưng của từng loại cũng như xem hướng dẫn cách pha để đạt được chất lượng cao nhất”, anh Đỗ Nam, Giám đốc công nghệ Công ty Phygital Labs chia sẻ.

Công nghệ thông minh giúp người nông dân kể rõ tâm huyết họ dành cho nông sản để thuyết phục người mua, từ đó nâng giá trị sản phẩm lên nhiều lần và tạo được độ lan tỏa bền vững trên thị trường.

Cà-phê, hồ tiêu và sau này là nhiều nông sản khác của Việt Nam sẽ đi từ nương rẫy, nông trại vào hộp quà sang trọng hoặc bày bán trên các không gian số với giá trị tăng gấp nhiều lần lần tùy tính độc đáo. Phygital Labs cũng ứng dụng công nghệ vật lý số trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ và thu về kết quả khả quan.

Đơn vị này đã tạo nên cầu nối công nghệ giúp truyền tải câu chuyện thực tế từ các nghệ nhân tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước (thành phố Đà Nẵng) đến người yêu thích hàng thủ công trên toàn thế giới. Nhiều sản phẩm độc đáo của làng nghề đã được chọn trưng bày tại không gian triển lãm số.

Chỉ với một đường dẫn trên internet, ai ở bất kỳ đâu cũng có thể thoải mái chiêm ngưỡng các sản phẩm điêu khắc kỳ công và dễ dàng kết nối với nghệ nhân để hỏi thêm thông tin cần thiết hoặc đặt mua.

Hành trình chung tay bảo tồn di sản, văn hóa tiếp tục mở ra với Nguyễn Huy và Đỗ Nam khi hai anh nhận được khá nhiều lời mời hợp tác từ các tỉnh, thành phố.

Mới đây, đơn vị này đã hợp tác với một tỉnh tại khu vực miền trung để triển khai dự án số hóa nhiều di sản, vật phẩm tại các bảo tàng truyền thống. Không ít nhà sưu tầm, nghệ sĩ tại Việt Nam cũng ngỏ ý hợp tác cùng công ty khởi nghiệp này trong việc đưa các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đang đặt tại các không gian trưng bày kén khách hoặc kho lưu trữ gia đình lên không gian số.

Đây được xem là giải pháp tối ưu để người yêu nghệ thuật dễ dàng tiếp cận miễn phí những triển lãm độc đáo, tạo ra thêm kênh kết nối cho cộng đồng.

“Vật lý số là thị trường còn rất mới, hầu như chưa có doanh nghiệp nào bắt đầu tham gia vào không gian số. Chúng tôi mong rằng trong vòng từ một đến hai năm nữa, thị trường Việt Nam sẽ được định danh gần như đầy đủ. Sau đó, chúng tôi sẽ bắt đầu lan tỏa ra khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi sử dụng công nghệ này để nâng tầm các sản phẩm giá trị của Việt Nam, đặc biệt là với văn hóa, di sản, lĩnh vực chúng ta rất mạnh mà chưa đạt độ lan tỏa như kỳ vọng”, anh Nguyễn Huy, nhà sáng lập và là Tổng Giám đốc Phygital Labs nhấn mạnh.