Đa dạng hóa cách đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học

Nhìn lại gần 5 năm triển khai Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 27) quy định đánh giá học sinh tiểu học tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng, phương pháp đánh giá này nhân văn và tạo sự thay đổi lớn trong phương pháp giáo dục, quan hệ giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường phấn khích với mô hình Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân tặng.
Học sinh Trường tiểu học Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường phấn khích với mô hình Cột cờ Hà Nội của Báo Nhân Dân tặng.

Tại Trường tiểu học Hợp Châu, huyện Tam Đảo, hằng năm giáo viên được tập huấn về cách đánh giá học sinh. Mỗi tháng nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp trường một lần, tổ chuyên môn sinh hoạt hai lần, tập trung vào phương pháp dạy, phương pháp đánh giá học sinh. Thầy giáo Trần Xuân Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phương pháp đánh giá học sinh phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi giáo viên, việc chọn học sinh xuất sắc không có thang điểm để so sánh. Do đó, để khen thưởng đúng, có những trường hợp Ban Giám hiệu phải kiểm tra lại học sinh để bảo đảm tính chính xác. Đã nhiều năm đứng lớp tại Trường tiểu học Hợp Châu, cô giáo Đỗ Thị Hồng Dung chia sẻ kinh nghiệm: Giáo viên phải chú ý quan sát, tăng cường tương tác với học sinh, nhất là các em nhút nhát, thiếu tự tin. Học sinh yếu năng lực nào thì giáo viên cho các em tương tác, giao tiếp nhiều hơn để cải thiện.

Việc đánh giá đối với học sinh lớp 1 lại càng khó. Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Trường tiểu học Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường nêu bí quyết: “Tôi đánh dấu trên sách vở để xem học sinh tiến bộ hay không, phải quan tâm, có phương pháp riêng đối với từng học sinh lớp 1.

Ngoài cuộc họp phụ huynh định kỳ, giáo viên trao đổi riêng với phụ huynh có con cần phải cố gắng”. Cô Hoàng Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đại Đồng cho biết: Nhà trường đánh giá rất nghiêm túc, thậm chí buộc học sinh lưu ban. Đáng mừng là phụ huynh rất hợp tác trong đánh giá, xếp loại học sinh.

Đa dạng hóa cách đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học ảnh 1
Học sinh Trường tiểu học Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên trải nghiệm sản phẩm cắt dán tranh.

Nhận xét về quy định đánh giá học sinh tiểu học, cô giáo Vũ Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Bác, huyện Sông Lô cho rằng: Thông tư 27 rất nhân văn. Giáo viên chủ yếu dùng các biện pháp động viên, khích lệ học sinh; không công khai điểm khảo sát, nhận xét riêng đối với những trường hợp cá biệt chứ không đưa ra tập thể lớp, tập thể phụ huynh. Các em học sinh vui và hạnh phúc hơn khi đến trường.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiểu học đánh giá cao tính nhân văn của Thông tư 27. Giáo viên đã chú trọng hơn đến đánh giá sự tiến bộ của học sinh, thường xuyên động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực của bản thân. Cách thức đánh giá cũng bảo đảm kịp thời, công bằng, khách quan, không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Để triển khai Thông tư 27, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Vĩnh Phúc tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các Phòng GD và ĐT. Kết quả đánh giá của các trường được đưa lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, lấy đó làm cơ sở để xét lên lớp hay lưu ban, xét hoàn thành chương trình tiểu học. Năm học 2023-2024, tỉnh Vĩnh Phúc có 514 học sinh tiểu học phải lưu ban, chiếm 0,4% tổng số học sinh, thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc là 1,3%.

Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc khẳng định: Sau gần 5 năm thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27, đa số giáo viên tiểu học đã thành thạo nội dung, phương pháp, quy trình, hồ sơ đánh giá và việc sử dụng kết quả đánh giá. Cán bộ quản lý và giáo viên đã nắm chắc mục đích đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Đa dạng hóa cách đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học ảnh 2
Cô trò Trường tiểu học Đức Bác, huyện Sông Lô hào hứng trải nghiệm tranh panorama Điện Biên Phủ của Báo Nhân Dân tặng.

Qua 4 năm học thực hiện Thông tư 27, giáo viên của các Trường tiểu học như Đức Bác, Hợp Châu, Đại Đồng đã quen cách đánh giá mới, biết dùng ngôn ngữ để diễn tả tương đối chính xác các phẩm chất, năng lực của học sinh thay cho đánh giá bằng điểm số như trước. Phụ huynh đều hài lòng với cách đánh giá vì qua nhận xét của giáo viên, dù chỉ là ngôn từ động viên, song họ vẫn biết con mình ở mức độ nào, cần cố gắng cái gì. Đối với những em chậm tiến bộ, giáo viên mời phụ huynh đến trường để bàn, tư vấn cho phụ huynh về phương pháp giáo dục. Các trường đều chú trọng hoạt động tự đánh giá, tự kiểm định chất lượng, tổ chức kiểm tra thêm để kết quả đánh giá chính xác. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của những trường này luôn nằm trong tốp đầu của địa phương.

Ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc) cho rằng: Sau một thời gian thực hiện Thông tư 27, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tiểu học toàn tỉnh đã thuần thục và rút ra được nhiều kinh nghiệm từ những năm học trước để đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh lớp 5 bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch, phấn đấu 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học.

Để tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 27, Sở GD và ĐT chỉ đạo các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố tổ chức nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6 phù hợp với điều kiện của các nhà trường và địa phương. Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức coi, chấm bài kiểm tra có sự tham gia của giáo viên trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn. Giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện hồ sơ đánh giá học sinh, bàn giao cho nhà trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng cách thức đánh giá mới cũng tạo ra một số khó khăn cho giáo viên. Các môn năng khiếu cũng được đánh giá như các môn học khác, trong khi chỉ dạy trung bình 1 tiết/tuần cho nên thời gian quan sát, tiếp xúc với học sinh không nhiều. Trong khi đó, không phải em nào cũng có năng khiếu hát, vẽ, do đó, cần có hướng dẫn về tính điểm thi đua để các em học sinh giỏi, ngoan nhưng chưa bộc lộ năng khiếu không bị thiệt thòi, bảo đảm công bằng trong hoạt động đánh giá. Học sinh tiểu học thường thiếu tính ổn định về kết quả học tập, ảnh hưởng bởi tâm lý và sức khỏe, do đó bài kiểm tra định kỳ môn học có thể chưa thật sự chính xác, khách quan và thuyết phục. Còn nhiều phụ huynh học sinh nặng về thành tích học tập qua điểm số. Việc xác định ranh giới để phân nhóm nhằm tìm ra những học sinh xuất sắc rất khó.

Tới đây, Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc sẽ tổ chức kiểm tra đánh giá đầu ra học sinh lớp 5 để nhìn thấy bức tranh tổng quan về giáo dục tiểu học, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học thật sự khoa học và chính xác.