Tăng cường nhân lực tại chỗ
Mỗi sáng, chị Nguyễn Thị Sương cùng các cán bộ, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bà Nà đều đến sớm 15 phút để kiểm tra lại máy móc, khởi động hệ thống và chuẩn bị sẵn những giấy tờ cần thiết của lĩnh vực mình phụ trách. Chị Sương tâm sự: “Sau khi sáp nhập 2 xã cũ Hòa Nhơn và Hòa Ninh thành xã Bà Nà mới, khối lượng công việc tăng gấp 5, 6 lần, yêu cầu mỗi cán bộ phải nâng cao trình độ chuyên môn và cập nhật các phần mềm để hỗ trợ người dân và giải quyết các thủ tục hành chính được nhanh, gọn, đạt kết quả tốt nhất”.
Trong buổi sáng, lượng người đến làm hồ sơ khá đông, lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân lấy số thứ tự theo đúng quầy, đăng ký hồ sơ trực tuyến, tư vấn quy trình tạo tài khoản định danh điện tử, kê khai thông tin cá nhân… Ông Nguyễn Thăng (thôn Diêu Phong) đến làm về thủ tục đất đai chia sẻ: “Các cán bộ trẻ ở đây thao tác rất nhanh nhẹn, giải đáp ngắn gọn rõ ràng, cùng với trang thiết bị của trung tâm được đầu tư mới làm chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, thời gian xử lý cũng nhanh hơn rất nhiều”.
Trung tâm có cán bộ của đơn vị viễn thông và công nghệ thông tin luôn túc trực để sẵn sàng xử lý khi xảy ra sự cố về mạng. Đây là một trong những phần việc hằng ngày của cán bộ, công chức xã cũng như Tổ ứng cứu Công nghệ và Nghiệp vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính tại xã.
Tổ ứng cứu được thành lập từ đầu tháng 7 với 11 thành viên cùng các điểm hỗ trợ tại 22 thôn, mỗi thôn 3 thành viên. Ông Nguyễn Văn Bửu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bà Nà, Tổ phó thường trực Tổ ứng cứu cho biết: Bên cạnh sẵn sàng các trang thiết bị, hạ tầng, xã bố trí nguồn nhân lực tại chỗ để bảo đảm đáp ứng việc tiếp nhận giải quyết thủ tục. Xã Bà Nà chủ động phối hợp các phòng, ban liên quan, hội đoàn thể để thành lập Tổ ứng cứu. Các thành viên của tổ đã phối hợp, bố trí vị trí, hướng dẫn công dân thực hiện các phần việc đầu vào, góp phần giảm bớt áp lực cho cán bộ trực tiếp tiếp nhận.
Hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị công nghệ
Tổ ứng cứu Công nghệ và Nghiệp vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính sẽ trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người yếu thế thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử tại Trung tâm Phục vụ hành chính công; tiếp nhận và xử lý ban đầu các sự cố cấp cơ sở như hạ tầng, thiết bị; báo cáo ngay các sự cố phức tạp, vượt khả năng xử lý cho Tổ Công tác thành phố… Bên cạnh đó, xã, phường cũng có các đội hình thanh niên tình nguyện, Tổ công nghệ số cộng đồng cùng các phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số”… để đồng hành cùng người dân.
Đồng thời, nhằm phục vụ tốt nhất cho vận hành chính quyền 2 cấp, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã hoàn thành cài đặt, vận hành các hệ thống thông tin, triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình đến 100% cấp xã. Các xã, phường đã cơ bản hoàn thành bố trí trang thiết bị, hạ tầng mạng tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công; nâng cấp băng thông đường truyền đến cấp xã.
Đà Nẵng đã cấp 71.000 tài khoản cho cán bộ, viên chức để thực thi công vụ; 100% số cán bộ, viên chức là lãnh đạo đã được cấp chữ ký số để xử lý hồ sơ. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Sở đã đưa vào sử dụng một số sản phẩm công nghệ số mới, góp phần thiết thực phục vụ cán bộ, công chức và người dân, như: Bản đồ số hành chính các xã, vị trí trung tâm phục vụ hành chính công; Trợ lý số giải đáp 28 nghị định phân cấp; Trợ lý số tư vấn thủ tục hành chính; công khai danh bạ số điện thoại Bí thư, Chủ tịch xã, phường…”.
Tuy nhiên, hiện nay tại các xã, phường gặp một số khó khăn chung là: Một số thủ tục, hồ sơ chưa được tích hợp đồng bộ trên phần mềm; phát sinh nhiều thủ tục hành chính không có trong danh mục do thành phố công bố; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số còn chưa đồng bộ; máy móc chưa đầy đủ…
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố khẩn trương triển khai kế hoạch đầu tư hạ tầng khoa học-công nghệ, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ mô hình chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời rà soát kỹ lưỡng những khó khăn tại cấp xã, phường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thời gian tới, Đà Nẵng hướng đến thu phí “0 đồng” đối với một số thủ tục hành chính trực tuyến; phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất 1 cán bộ công nghệ số… Việc triển khai hiệu quả các nội dung góp phần ổn định hệ thống hành chính, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả sau thay đổi địa giới hành chính.