Khánh Hòa, điểm đến hấp dẫn du khách

Trong những năm qua, hai tỉnh Khánh Hòa (cũ) và Ninh Thuận (cũ) từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa có nhiều điều kiện để phát triển đột phá, trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Lặn biển đang là loại hình du lịch được yêu thích ở Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh CTV)
Lặn biển đang là loại hình du lịch được yêu thích ở Nha Trang, Khánh Hòa. (Ảnh CTV)

Đây là hai địa phương có tài nguyên thiên nhiên phong phú; văn hóa đa dạng và khác biệt; cùng nằm trong cụm tứ giác phát triển du lịch quốc gia Đà Lạt-Nha Trang- Phan Rang-Phan Thiết. Trước khi sáp nhập, Khánh Hòa cũ đã là điểm du lịch, nghỉ dưỡng biển hàng đầu của Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Dốc Lết, Nha Trang, Bãi Dài, Cam Ranh đã quen thuộc với du khách Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc... Còn tỉnh Ninh Thuận nổi bật với những loại hình du lịch độc đáo như sinh thái sa mạc, nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa Chăm...

Từ ngày 1/7/2025, hai tỉnh chính thức sáp nhập. Được hình thành từ hai vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tỉnh Khánh Hòa mới càng có nhiều cơ hội trở thành một trung tâm du lịch quan trọng bậc nhất khu vực Đông Nam Á, hướng tới tầm cỡ thế giới. Với diện tích hơn 8.500 km2, tỉnh có địa hình đa dạng gồm biển-đồng bằng-đồi núi-sa mạc; có đường bờ biển dài nhất cả nước với nhiều vịnh biển tuyệt đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy; có hệ sinh thái núi rừng phong phú cùng hệ động thực vật đa dạng, nhất là Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, các Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình…, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái từ biển lên rừng. Bên cạnh văn hóa truyền thống của người Kinh, tỉnh còn sở hữu nhiều di sản văn hóa Chăm và Raglai, rất thuận lợi trong phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa Cung Quỳnh Anh cho biết: Sự sáp nhập hai địa phương là tiền đề để định hình một hệ sinh thái du lịch liên kết vùng vừa có tính tương đồng nhưng vẫn có nhiều khác biệt, giúp tối ưu hóa nguồn lực, tăng sức hút du lịch quốc tế, tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để nâng tầm thương hiệu du lịch Khánh Hòa, đưa Khánh Hòa trở thành điểm đến năng động, đa sắc màu, giúp du khách có sự trải nghiệm toàn diện và khác biệt.

Sự kiện Khánh Hòa-Ninh Thuận về chung một nhà dưới góc nhìn văn hóa đã mở ra hướng đi mới trong việc hình thành nên những tuyến đường di sản khám phá vùng đất, con người Khánh Hòa. Có thể kể đến: Con đường di sản văn hóa Chăm; hành trình di sản gắn với phong tục thờ Mẹ xứ sở và tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na; khám phá di sản văn hóa Raglai; trải nghiệm không gian văn hóa làng biển theo cung đường ven biển… Riêng không gian trải dài theo hướng bắc-nam từ vùng biển Đại Lãnh đến tận Cà Ná, trải rộng từ Biển Đông đến giáp vùng rừng núi Tây Nguyên đã mở ra thật nhiều dư địa cho việc phát huy giá trị văn hóa của tỉnh trong hoạt động du lịch.

“Cả hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận trước đây đều dành sự quan tâm đúng mức cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc tại địa phương. Người dân hai tỉnh có mối quan hệ, giao lưu văn hóa chặt chẽ, biểu hiện rõ nhất qua các kỳ lễ hội Tháp Bà Pô Nagar. Sau sáp nhập đã mở ra những thời cơ, vận hội mới đối với việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống kinh tế-xã hội địa phương. Trong đó, chúng ta cần chú trọng khai thác, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Raglai và các dân tộc khác”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa Lê Văn Hoa cho biết.

Không gian rộng mở, tài nguyên phong phú, giao thông thuận lợi, du lịch Khánh Hòa đang có nhiều điều kiện để phát triển đột phá, trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế, tiềm năng này cần những giải pháp bài bản, đồng bộ, định hướng lâu dài và mang tính bền vững.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa Phạm Minh Nhựt, để khai mở tiềm năng du lịch của tỉnh, cần sớm quy hoạch lại không gian phát triển du lịch, phát huy lợi thế vùng miền, tạo ra những sản phẩm đặc thù tránh trùng lặp giúp du khách có hành trình đa dạng, nhiều trải nghiệm trong cùng một điểm đến. Khu vực Nha Trang, bắc bán đảo Cam Ranh tiếp tục giữ vai trò trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp. Khu vực phía nam của tỉnh cần được xác định là vùng du lịch đặc thù với các loại hình du lịch sinh thái sa mạc, nông nghiệp trải nghiệm, văn hóa bản địa. Về lâu dài, bên cạnh việc đầu tư nâng tầm các khu nghỉ dưỡng cao cấp khu vực Nha Trang, bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vùng phía nam; trong đó ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư khu vực Phan Rang để hình thành hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển. Du lịch Khánh Hòa cũng cần có sự thay đổi về chiến lược truyền thông và quảng bá, cần được giới thiệu không chỉ là điểm nghỉ dưỡng biển cao cấp mà còn là điểm đến trải nghiệm, khám phá văn hóa, lối sống bền vững.

Nhằm thu hút du khách, tỉnh Khánh Hòa đang đề nghị các hãng hàng không nghiên cứu tăng tần suất chuyến bay; mở thêm đường bay mới từ các địa bàn du lịch trọng điểm, phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp đến sân bay quốc tế Cam Ranh.

Ngày 14/7/2025, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tăng trưởng kinh tế hai con số giai đoạn 2025- 2030, xác định du lịch-dịch vụ là 1 trong 4 trụ cột phát triển. Đến năm 2030, tổng lượt khách lưu trú đạt 20,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 10,5 triệu lượt; tỷ trọng đóng góp trong GRDP 15%; đóng góp vào thu ngân sách 20%.

Có thể bạn quan tâm

back to top