Hoàn thiện thể chế về đánh giá, công nhận mức độ tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới

Ngày 28/7, tại tỉnh Hà Tĩnh, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện thể chế về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đề xuất tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2026-2030”.

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và Sở Tư pháp Hà Tĩnh chủ trì tọa đàm.
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý và Sở Tư pháp Hà Tĩnh chủ trì tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có đại điện lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý; Sở Tư pháp các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng; đại diện một số sở, ngành và lãnh đạo Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác pháp luật của các xã, phường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý và tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc nội dung chương trình, từ đó có cơ sở đề xuất nội dung chương trình và tiêu chí “tiếp cận pháp luật” trong các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2026-2030, góp phần tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, minh bạch, an toàn, công bằng và bền vững trong thời gian tới.

Năm 2025 là năm cuối giai đoạn của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Qua 5 năm triển khai, ngành Tư pháp đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục tăng qua các năm.

Hằng năm, Bộ Tư pháp và các cơ quan địa phương đã tổ chức hàng trăm nghìn hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí tại cơ sở, giải quyết hàng chục nghìn vụ, việc trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi phạm và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.

tp2.jpg
Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức làm công tác pháp luật của các xã, phường ở Bắc Trung Bộ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu nghe giới thiệu về những điểm mới cơ bản của dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, đặc khu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg) và nội dung cơ bản của dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, đặc khu đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Cùng với đó tập trung góp ý các quy định về nội dung, mức độ đạt chuẩn của chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong thông tư của Bộ trưởng Tư pháp như chỉ tiêu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ tiêu thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, chỉ tiêu tỷ lệ vụ việc hòa giải thành, chỉ tiêu bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chỉ tiêu về trợ giúp pháp lý.

Đồng thời, cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và giới thiệu đến các đại biểu các trải nghiệm về AI pháp luật trên Cổng pháp luật quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các tọa đàm, buổi làm việc, khảo sát lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương, cơ sở khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Từ đó nghiên cứu đưa ra các đề xuất định hướng, giải pháp để tham mưu các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn” của công tác này trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

back to top