Tại đây, đoàn khảo sát đã phát hiện 24 đạo sắc có từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn, trong đó có một đạo sắc được lập sớm nhất vào năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), cách đây gần 400 năm.
SẮC hình chữ nhật có kích thước 140x45 cm, nền màu vàng nhạt, trang trí hoa văn rồng mây, những chấm tròn mang phong cách đặc trưng thời Lê Trung Hưng. Trên mặt sắc ghi 13 dòng chữ Hán tổng cộng 138 chữ. Sắc có niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), đời Vua Lê Thần Tông. Nội dung sắc phong thêm mỹ tự cho Nguy Sơn Đại vương - một danh tướng thời nhà Đinh.
Nguy Sơn Đại vương là thần hiệu của ngài Đinh Nga, tướng thời Đinh (thế kỷ X); ông có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt (968-980). Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, phong cho Đinh Nga làm Tướng quân chỉ huy Sứ, trấn thủ ở quê nhà thuộc vùng đất Cổ Bảng (Kim Bảng ngày nay). Đinh Nga có công giúp dân khai khẩn đất hoang lập ra 3 trang ấp mới là Thụy Lôi Hạ, Hồi Trung và Trung Hòa (3 thôn này nay thuộc xã Thụy Sơn, xã Tân sơn và thị xã Kim Bảng, huyện Kim Bảng).
Sau khi Đinh Nga qua đời, để tưởng nhớ tới vị tướng tài ba có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước, dân chúng 3 trang Thụy Lôi đã lập đền thờ ông ngay tại hành cung xưa, sát chân núi Ngùy, thuộc dãy núi Cửu Trùng bên dòng sông Đáy. Để tỏ lòng tôn kính bà Trần Thị Ngùy (thân mẫu của Tướng quân Đinh Nga), kiêng tên húy của bà, cho nên dân làng Thụy Sơn đã đọc chệch núi “Ngùy” thành “Nguỳa”. Trải qua các lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính, đến nay, các thôn Hồi Trung và Trung Hòa thuộc xã Tân Sơn đều có đền riêng thờ Đinh Nga. Để gìn giữ, phát huy truyền thống kết giao tình nghĩa giữa 3 làng, định lệ hằng năm vào ngày mùng 10 tháng 2 (ngày sinh đức Thánh), dân ba làng Hồi Trung, Trung Hòa và Thụy Sơn lại quần tụ về đền chính ở Thụy Sơn dự lễ hội. Vì thế, danh xưng đền Ba Dân, lễ hội Ba Dân (còn gọi là đền Ba Xã, lễ hội Ba Xã) được mang tên và lưu truyền từ đó.
Qua khảo sát, thống kê cho thấy, đạo sắc cho tướng Đinh Nga được lập vào năm Vĩnh Tộ 8 (1626) là đạo sắc phong sớm nhất được phát hiện ở tỉnh Hà Nam. Đây là phát hiện mới góp phần bổ sung nguồn cứ liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thư pháp giai đoạn đầu thời Lê Trung Hưng.