Trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh năm 2025”

NDO - Ngày 27/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết, trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh năm 2025”. Sau hơn 2 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 81.229 bài dự thi của học sinh 241 trường trong toàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Tổ chức trao Bằng khen tặng các tập thể đã có thành tích xuất sắc tham gia cuộc thi.
Ban Tổ chức trao Bằng khen tặng các tập thể đã có thành tích xuất sắc tham gia cuộc thi.

Tiếp nối thành công của Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh những năm trước, năm nay là năm thứ 5 tỉnh Bắc Ninh tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc.

Sau hơn 2 tháng phát động (từ tháng 3 đến tháng 5/2025), Cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh ở 3 cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) của 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ban Tổ chức đã nhận được 81.229 bài dự thi (trong đó trong đó có 80.674 bài viết giấy; 555 video clip) của học sinh 241 trường trong toàn tỉnh, riêng bài thi bằng hình thức video clip tăng 91% so với năm 2024.

Trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh năm 2025” ảnh 1

Ban Tổ chức trao giải Khuyến khích tặng các thí sinh.

Nhiều trường học có các bài dự thi chất lượng và đoạt giải cao như: Trường tiểu học Tương Giang, Trường tiểu học Đình Bảng 2, Trường trung học cơ sở Từ Sơn (thành phố Từ Sơn); Trường trung học cơ sở Nguyễn Đăng Đạo, Trường tiểu học và và trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (thành phố Bắc Ninh)…

Bà Nguyễn Thị Luyên, Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Ninh, đại diện Ban tổ chức cho biết: Tổng số bài dự thi năm 2025 giảm 19% so với năm 2024. Tuy nhiên, chất lượng bài dự thi được quan tâm, chất lượng nội dung và hình thức được đầu tư tăng cao, số bài dự thi qua vòng sơ loại đưa vào chấm xét giải tăng 25% so với năm 2024. Tổng số trường tham gia theo địa bàn giảm 14% so với năm 2024, từ 280 trường giảm 241 trường, do một số trường sáp nhập cấp học.

Năm 2025, chất lượng bài dự thi qua vòng sơ loại đưa vào chấm xét giải tăng cao hơn hẳn so với năm 2024. Nhiều bài dự thi đạt chất lượng tốt, được đầu tư công phu cả về hình thức và nội dung, thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, sự sáng tạo, trí tưởng tượng của các thí sinh trong cách chia sẻ các câu chuyện cảm động, nhân vật truyền cảm hứng ấn tượng, câu chuyện viết tiếp lời với những thông điệp nhân văn sâu sắc.

Trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh năm 2025” ảnh 3

Bốn thí sinh đạt giải Nhất cuộc thi.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, tại cuộc thi, nhiều video clip cho thấy sức sáng tạo vượt trội, cách thức dàn dựng phong phú về kịch bản, thuyết trình, ngoại cảnh, trang phục, ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép những cảnh khắc họa ngoại hình, tính cách của nhân vật do chính các em học sinh diễn xuất minh họa. Đáng chú ý, nhiều kế hoạch, biện pháp và sáng kiến khuyến đọc cụ thể được các em học sinh xây dựng có tính khả thi thực tế và tính thuyết phục cao nhằm lan tỏa, phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng.

Đặc biệt, các bài thi đã chú trọng đưa ra giải pháp phát triển văn hóa đọc cho đối tượng trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em khuyết tật với nhiều việc làm gần gũi, tự nhiên, phù hợp với lứa tuổi của mình. Các em học sinh còn sử dụng lồng ghép với mô hình trình bày sinh động, đặc sắc, hấp dẫn như: vẽ tranh minh họa, trang trí họa tiết độc đáo, chữ viết tay nắn nót, kết hợp sử dụng chữ nổi Braille thật sự tạo được ý nghĩa giáo dục sâu đậm và ấn tượng tốt đẹp cho Cuộc thi.

Trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bắc Ninh năm 2025” ảnh 4

Ban tổ chức trao giải Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025.

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc trách nhiệm, căn cứ kết quả chấm thi của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã quyết định 1 giải Đại sứ Văn hóa đọc; 4 giải Nhất; 13 giải Nhì; 30 giải Ba và 96 giải khuyến khích.

Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn gửi thông điệp tới các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh: “Tham gia cuộc thi, chúng ta không chỉ thể hiện tình yêu sách cho riêng mình mà còn là nhịp cầu nối khơi dậy niềm yêu thích đọc sách ở mọi người xung quanh, nuôi dưỡng tâm hồn và kết nối con người”.